Năm 2019, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
|
Đã nhiều lần xem Lẩu Then của đồng bào Tày, Nùng tỉnh Thái Nguyên, vẫn giai điệu câu hát nền nảy chảy dài bất tận trên dòng chảy âm thanh huyền diệu của cây đàn Tính, song mỗi lần tôi có một cảm nhận khác. Nhưng chung một trạng thái mê mẩn như đi lạc giữa mường trời, mường đất.
“Tiệc” Lẩu Then được khai vị bằng tất cả những hồn nhiên của chủ và khách. Và bữa tiệc tinh thần ấy có men say kỳ lạ, cứ từng giọt đàn, câu hát bên tai, thấm vào, đọng lại, như "dìu" mọi người có mặt ở đó cùng về mường Then.
Hát Then là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, kết hợp giữa lời ca, điệu múa, âm nhạc và thường được biểu diễn trong các nghi lễ tín ngưỡng, lễ hội truyền thống của người Tày, Nùng.
Then có nghĩa là "thiên", thể hiện sự kết nối giữa con người với thế giới tâm linh, thần linh. Còn cây đàn Tính, với âm thanh trong trẻo, mượt mà, là nhạc cụ không thể thiếu trong mỗi buổi hát Then.
Hát Then thường được biểu diễn trong các dịp lễ lớn như cầu mùa, cầu an, lễ cấp sắc, hay trong những buổi sinh hoạt cộng đồng. Mỗi lời Then, mỗi điệu múa đều mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu, gia đình bình an. Người hát Then không chỉ là nghệ nhân mà còn là những "thầy Then" - người kết nối giữa cõi trần và cõi tâm linh.
Nếu hát Then là tiếng hát của đất trời, thì đàn Tính chính là linh hồn không thể thiếu trong mỗi buổi hát Then. Đàn Tính là một loại nhạc cụ dân tộc độc đáo, có cấu tạo đơn giản nhưng âm thanh lại vô cùng đặc biệt. Đàn Tính không chỉ là nhạc cụ đệm cho hát Then mà còn là công cụ để nghệ nhân thể hiện tài năng và cảm xúc của mình. Bởi chất liệu cho Then được kết tinh những đặc sắc, tinh túy của nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo. Ví như trong Lẩu Then có tổ khúc: “Khửn tàng pây cầu an” (Lên mường trời cầu bình an cho gia đình và làng bản).
“Khửn tàng pây cầu an” là Then cổ, gồm 10 chương: “Páo pháp páo slay” (Trình tấu đức Phật, thần linh, các thánh được làm lễ); “Thái vế” (Giải uế, làm sạch đàn trang cho cuộc lễ); “Khảm lệ” (Múa chầu kiểm tra lễ vật trước khi lên đường); “Pây tàng” (Đoàn quân Then lên đường); “Khảm hải” (Vượt sông Ngân Hà); “Khẩu tu va” (Vào cửa đức vua); “Nộp lệ” (Nộp lễ vật); “Ký slư lồng đang” (Phán truyền cầu phúc); “Tán đàn, tán lệ” (Múa chầu tán đàn, tán lễ) và “Hồi binh, khao mạ” (Khao quân binh).
Từ cuộc sống đời thường, Lẩu then được nghệ thuật hóa, lên sâu khấu, rồi từ nhiều năm gần đây, các nghệ nhân hát then Thái Nguyên đã mang Lẩu Then tham dự các liên hoan toàn quốc, khu vực. Bởi chứa đựng ở đó những tinh hoa văn hóa và có hơi hướng kỳ bí độc lạ, nên các nghệ nhân tham dự lần nào cũng mang về các huy chương Vàng, Bạc, Đồng.
Nghệ nhân hát Then Hoàng Thị Đời (ở xã Phượng Tiến, Định Hóa) cho biết: Lời Then cũng có đường, có luật. Chưa biết thì thấy lạ, thấy thích nên tò mò muốn tìm hiểu. Khi ngón tay biết nhấn nhả phím đàn, miệng biết ngân nga câu hát thì mê mẩn, dù bận mấy thì mỗi ngày cũng dành chút thời gian để đàn, hát, giống người ta cần cơm ăn, áo mặc.
Còn nghệ nhân hát Then Hoàng Văn Khánh (ở xã Dân Tiến, Võ Nhai) chia sẻ: Từ lúc nằm nôi, bố mẹ đã ru tôi bằng câu hát Then. Lời Then, tiếng Tính là thứ cơm gạo đặc biệt nuôi tâm hồn tôi khôn lớn. Vậy nhưng mãi sau này, tôi mới nhận thức được những tinh túy mà chất phác, những hồn hậu mà cao siêu của ca từ Then và âm sắc thanh tao của cây đàn Tính. Vì thế, tôi chuyên tâm hơn với cây đàn, câu hát, với mong ước được cùng các nghệ nhân gìn giữ, phát huy một nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình.
Hát Then, đàn Tính không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Thái Nguyên. Đối với đồng bào Tày, Nùng, Then là tiếng lòng, là lời cầu nguyện, là sự tri ân với tổ tiên, thần linh. Những giai điệu Then mượt mà, sâu lắng đã đi vào tiềm thức, trở thành nguồn động viên, an ủi trong cuộc sống hàng ngày.
Nhưng có một thời gian dài đến mấy mươi năm, lời Then, tiếng Tính của đồng bảo bị vùi quên. Thậm chí trẻ em cắp sách đến trường cũng ngại nói tiếng dân tộc mình. Ở nhà, ông bà, cha mẹ, con cháu cùng nhau học nói tiếng phổ thông. Một nét đẹp văn hóa đại diện cho dân tộc Tày, Nùng Việt Bắc từng ngày bị mai một. Nhất là trong bối cảnh hội nhập với các nước trên thế giới, văn hóa bản địa bị lai căng, con cháu đồng bào các dân tộc, trong đó có dân tộc Tày, Nùng chạy theo thị hiếu sính nhạc ngoại.
Lối sống thay đổi và văn hóa hiện đại xâm nhập khiến thế hệ trẻ ngày càng ít quan tâm đến những giá trị truyền thống. Nhiều nghệ nhân Then cao tuổi mang câu hát Then cổ và lời cây đàn Tính về với thế giới người hiền. Điều này đặt ra một thách thức lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của hát Then, đàn Tính.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ di sản văn hóa, trong những năm qua các cấp, ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của hát Then, đàn Tính. Nhiều lớp truyền dạy hát Then, đàn Tính đã được mở ra tại các khu dân cư, trường học và thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Các lễ hội, cuộc thi hát Then, đàn Tính cũng được tổ chức thường xuyên, tạo sân chơi để các nghệ nhân hát Then có cơ hội bày tỏ lòng mình, đồng thời thể hiện tài năng và truyền cảm hứng Then cho cộng đồng xã hội.
Chuyện hát Then ở tỉnh Thái Nguyên phải kể đến nghệ nhân Trần Yên Bình, tổ 1A, phường Tân Lập (TP. Thái Nguyên). Ông Bình là người bỏ nhiều công sức để khởi động lại phong trào hát Then, đàn Tính ở tỉnh Thái Nguyên.
Câu chuyện được bắt đầu từ 20 năm trước, khi đó ông Trần Yên Bình đang công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật thuật tỉnh). Ông kể: Tôi theo chỉ đạo của đồng chí Mông Đông Vũ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, là sưu tầm, tập hợp các nghệ nhân hát Then. Khi có đủ “quân số trên 10 người” thì thành lập CLB hát Then cấp tỉnh.
Để hoàn thành “sứ mệnh” được giao, ông Bình đã tìm đến nhà các nghệ nhân hát Then vận động tham gia CLB. Cứ nghe ở đâu có người biết hát Then là ông tìm đến nhà “năn nỉ” vận động. Thấy ông nhiệt tình, một số cụ cao lão biết hát Then, đàn Tính đăng ký tham gia, đồng thời vận động con cháu cùng tham gia sinh hoạt để học hát Then, chơi đàn Tính.
Năm 2007, CLB được thành lập, với 18 người tham gia, nhưng chỉ có chưa đầy 10 người biết hát Then, đàn Tính.
Khó khăn là điều khó tránh, cả như Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng, Chủ nhiệm CLB Hát Then tỉnh Thái Nguyên. Lúc đó bà là cán bộ Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc mới nghỉ hưu. Bà kể: Khi được vận động, tôi không tham gia ngay, vì nghĩ thành lập CLB là để đi biểu diễn kiếm tiền như các gánh hát thời xưa. Sau mới hiểu vào CLB là để cùng nhau hát Then, đàn Tính và trao truyền cho lớp trẻ. Lúc đó tôi mới nhận lời tham gia CLB.
Cũng từ bấy giờ câu Then, tiếng đàn Tính được các thành viên CLB chia sẻ, bổ sung cho nhau. Theo đó, những bài Then cổ, Then cách tân được cất lên bài bản, đầy đủ, đúng âm luật và được trao truyền lại cho các thành viên CLB.
Nhiều người tham gia CLB nhưng trước đó chưa từng cầm vào cây đàn Tính và cất lời Then, song chỉ sau một năm kiên trì tập luyện đã thuộc nằm lòng nhiều bài hát, có thể vừa đàn, hát, vừa sáng tác Then mới. Rồi mang câu Then, tiếng đán Tính phổ biến tiếp cho bà con trong vùng. Đến nay, CLB Hát Then tỉnh đã phát triển lên hơn 50 hội viên.
Điều đáng mừng là các thành viên CLB đã mang niềm đam mê Then lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội. Theo đó, số người biết hát Then, đàn Tính ngày một đông, hàng chục CLB hát Then ở các khu dân cư được thành lập, với khoảng 500 hội viên.
Bà con tự hướng dẫn, giúp nhau kỹ năng sử dụng đàn Tính, cánh nhấn nhá nhả hơi khi tham gia cuộc hát. Những đôi bàn tay quen việc cấy lúa, hái chè, đốn củi chợt trở nên mềm mại với cây đàn Tính. Rồi lời hát được cất lên ấm áp như nắng ban mai làm nguôi quên mệt nhọc và lòng người thêm gần gũi với nhau hơn.
Hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng có đa dạng dòng nhạc từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, ồn ã có, dìu dặt có, mà như một điều kỳ diệu hiện hữu giữa đời thường, lời Then, tiếng Tính cứ mặc nhiên ngân lên âm hưởng ngọt ngào của trời đất, của lòng người. Bởi một lẽ giản đơn rằng hát Then, đàn Tính không chỉ là nghệ thuật, mà còn là tâm hồn, là nét đẹp văn hóa bản địa sâu sắc mang hồn cốt của đồng bào dân tộc Tày, Nùng Việt Bắc.
Mỗi làn điệu Then, mỗi tiếng đàn Tính đều chứa đựng tình yêu thương, sự gắn bó với quê hương, với cội nguồn, với những giá trị văn hóa truyền thống từng được gìn giữ, trao truyền từ ngàn đời và mãi mãi.
|
Nguồn: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202504/hat-then-mach-nguon-van-hoa-bat-tan-a41088a/
Bình luận (0)