Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Người xây thương hiệu Tôn Nam Phương

- Chỉ với hành trang là tấm bằng phổ thông và niềm đam mê cơ khí, doanh nhân Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hưng Hà Tuyên Quang, tổ 2, phường Ỷ La (TP. Tuyên Quang) đã âm thầm viết nên hành trình lập nghiệp đáng khâm phục. Từ một xưởng cơ khí nhỏ, anh gây dựng thành công thương hiệu “Tôn Nam Phương” được thị trường tin dùng tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Phía sau những tấm tôn lợp mái là hành trình dài của một người thợ luôn yêu nghề, bền gan, vững chí, vượt qua gian khó để vươn tới thành công.

Báo Tuyên QuangBáo Tuyên Quang18/04/2025

Bước ngoặt  

Sinh ra và lớn lên tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, anh Hà về Tuyên Quang lập nghiệp năm 1994. Học xong phổ thông, anh rẽ lối đi học nghề cơ khí, một lựa chọn mà nhiều người khi ấy cho là “thiệt thòi”, nhưng với anh, đó là nơi gieo mầm đam mê.

Anh bắt đầu khởi nghiệp bằng một xưởng cơ khí nhỏ theo mô hình hộ gia đình. “Lúc đó chỉ nghĩ đơn giản là làm nghề để sống. Nhưng càng làm càng mê và muốn mở rộng, muốn làm lớn hơn” - anh nhớ lại. Đó là những năm đầu 2000, ngành cơ khí tại địa phương còn khá manh mún, chưa có nhiều doanh nghiệp chuyên sâu.

Năm 2001, sau một thời gian tích lũy được chút vốn, anh quyết định thành lập Doanh nghiệp tư nhân Hưng Hà, đặt nền móng chính thức cho hành trình doanh nhân của mình. Ban đầu, doanh nghiệp vẫn tập trung sản xuất các sản phẩm cơ khí truyền thống, nhưng rồi cơ hội đến từ những quan sát tinh tế thị trường.

Doanh nhân Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hưng Hà Tuyên Quang.

“Năm 2009, nhu cầu về tôn lợp mái tại Tuyên Quang bắt đầu xuất hiện nhưng còn rất hạn chế. Người dân ít dùng vì thu nhập thấp, điều kiện khó khăn. Nhưng tôi nghĩ, khi đời sống khá lên, họ sẽ cần. Mình đi trước thị trường một bước”, anh Hà chia sẻ. Và thế là anh bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất tôn, lấy tên gọi tôn Nam Phương - một quyết định mang tính bước ngoặt. 

Sau hai năm thử sức với thị trường Tuyên Quang, anh Hà nhận ra nhu cầu đang dần tăng lên nhưng để phát triển mạnh, cần mở rộng địa bàn. Năm 2011, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm một xưởng sản xuất tại Phú Thọ rộng 3.000 m2. Đến năm 2012, xưởng chính thức đi vào hoạt động. Từ đây, sản phẩm mang thương hiệu tôn Nam Phương bắt đầu lan tỏa mạnh mẽ ở Phú Thọ và lan sang Yên Bái… Đến năm 2014, 2015 nhu cầu về tôn trên địa bàn Tuyên Quang cũng bắt đầu tăng mạnh. Anh tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường và sản xuất tại Tuyên Quang.

Giải thích về cái tên tôn Nam Phương, anh Hà chia sẻ đầy tâm huyết: “Tôi muốn một cái tên vừa thân quen vừa có sức gợi mở. Nam Phương - tức là sản phẩm này có thể vươn rộng về phương Nam, phương Bắc, phương nào cũng có thể cạnh tranh được”.
“Tôn Nam Phương giờ đã có mặt ở hầu hết các huyện thị trong tỉnh và đang từng bước phủ sóng các tỉnh lân cận. Chúng tôi cạnh tranh không phải bằng quảng cáo mà bằng sản phẩm thực sự có chất lượng”, anh Hà khẳng định.

Bền gan bám nghề, bền lòng giữ tín

Không ít lần trong câu chuyện, anh Hà nhắc đến hai chữ “khó khăn” với giọng trầm lặng, anh kể: “Ba, bốn năm đầu tiên là quãng thời gian rất cực. Đầu tư vào nhà xưởng, máy móc mà vốn lại hạn chế. Tôi phải vay ngân hàng, mà thời điểm đó lãi suất có lúc lên đến 20%/năm. Làm ra sản phẩm mà không đủ trả tiền lãi, nhiều lúc nghĩ muốn bỏ cuộc”.

Nhưng rồi, thay vì chùn bước, anh Hà lại càng quyết tâm. Anh tìm cách tối ưu quy trình sản xuất, giảm chi phí, tập trung vào chất lượng sản phẩm để gây dựng niềm tin với khách hàng. “Kinh doanh trong ngành này, mà tôn thì là sản phẩm dùng lâu dài, không thể qua loa. Tôi luôn bảo anh em, phải làm ra sản phẩm có thể bảo hành 10 - 15 năm thì khách hàng mới quay lại” - anh Hà chia sẻ.

Xưởng sản xuất tôn Nam Phương của Doanh nghiệp tư nhân Hưng Hà Tuyên Quang tại tổ 2, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang).

Và khách hàng đã quay lại, không chỉ ở Tuyên Quang mà còn ở Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái… Từ chỗ chỉ có một xưởng nhỏ, đến nay Doanh nghiệp có tới 7 xưởng sản xuất tại Tuyên Quang và Phú Thọ. Hiện nay, Tôn Nam Phương được phân phối đến hơn 100 đại lý trong và ngoài tỉnh như Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái… Công ty liên tục cải tiến, sử dụng phần mềm để hỗ trợ quản lý điều hành, đồng thời chú trọng tuyển chọn những cán bộ quản lý xưởng có năng lực, có tâm huyết.

Hướng về tương lai với những kế hoạch đầy triển vọng, anh bật mí: Anh đang dự định sẽ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp từ tư nhân sang công ty cổ phần. Việc này sẽ giúp công ty thu hút được những người trẻ có trình độ, có hoài bão cùng tham gia điều hành, phát triển. Anh mong muốn rằng, dù sau này mình không còn trực tiếp điều hành thì con thuyền Nam Phương vẫn có thể tiếp tục ra khơi, ngày càng vươn xa hơn nữa.

Từ người thợ cơ khí đến doanh nhân xây dựng thương hiệu, hành trình của anh Nguyễn Văn Hà không trải hoa hồng, mà trải đầy những bước chân kiên cường vượt dốc. Ở nơi tưởng chừng chỉ có những thanh sắt nguội lạnh và tiếng máy móc rền vang, anh Hà đã thắp lên một giấc mơ mang tên “Tôn Nam Phương” - một thương hiệu lớn lên từ lòng tin, từ sự kiên nhẫn không ngừng nghỉ và từ tinh thần bền bỉ không khuất phục trước khó khăn.

Ngày hôm nay, khi nhìn những tấm tôn Nam Phương phủ kín bao mái nhà ở Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang hay Yên Bái… người ta không chỉ thấy một sản phẩm cơ khí đơn thuần, mà còn thấy ở đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm, là lòng tự hào của một người thợ quê nhà luôn giữ vững chữ “tín” với nghề, với người.

Hiện tại, doanh nghiệp đang tạo việc làm cho khoảng 50 lao động thường xuyên và lao động thời vụ, với mức thu nhập trung bình của lao động thường xuyên dao động từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, doanh nghiệp đóng góp từ 700 đến 800 triệu đồng vào ngân sách Nhà nước và duy trì đều đặn khoản hỗ trợ từ 30 đến 40 triệu đồng cho các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Từ năm 2022 đến nay, Doanh nghiệp của anh được UBND thành phố Tuyên Quang tặng Bằng khen vì có thành tích trong xây dựng và phát triển kinh tế tại địa phương.

Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/nguoi-xay-thuong-hieu-ton-nam-phuong-210271.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm