Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhân rộng mô hình chăn nuôi có giá trị kinh tế cao

Đề tài “Nghiên cứu, xây dựng quy trình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên” được triển khai ở địa phương thời gian qua mang lại kết quả thiết thực, giúp đàn lợn tăng sức đề kháng, sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng thịt thơm, mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với nuôi thông thường. Nhiều địa phương trong tỉnh đang nhân rộng và phổ biến đến các hộ dân, hợp tác xã.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân03/05/2025

ĐƯỢC tỉnh Thái Nguyên đặt hàng, Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên đã chủ trì đề tài, tổ chức nghiên cứu một số nguyên liệu nguồn gốc tự nhiên, bổ sung 3% bột lá chè xanh trong khẩu phần thức ăn cho lợn thịt. Sau nhiều lứa lợn nuôi thử nghiệm theo phương thức này tại xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên cho hiệu quả tích cực. Theo đại diện nhóm nghiên cứu, sử dụng thức ăn bổ sung 3% bột lá chè xanh trong suốt quá trình nuôi, đàn lợn có sức đề kháng tốt hơn, giảm các bệnh thông thường, thịt mềm, có hương vị thơm, đậm hơn so với lợn được nuôi theo phương pháp truyền thống và công nghiệp.

Là hộ được chọn để thử nghiệm đề tài, chị Nguyễn Thị Liễu ở xóm Đức Hòa, xã Thịnh Đức cho biết: “Qua ba lứa nuôi liên tiếp với quy mô 600 con, gia đình tôi cho lợn sử dụng thức ăn: Cám gạo, ngô, đậu tương trộn với bột chè xanh với tỷ lệ 3% và men vi sinh nhằm tạo vi khuẩn có lợi, tốt cho đường tiêu hóa, bảo vệ sức khỏe. Kết quả đàn lợn nuôi theo cách này có tỷ lệ nạc cao, thịt thơm, đậm, giá bán cao hơn so với nuôi thông thường từ 25-30%”. Thực hiện đề tài trên các mô hình thử nghiệm khác, với một số giống lợn cũng cho kết quả tương tự.

Với thành công này, Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên tiến hành đăng ký sở hữu trí tuệ với hai nội dung: Quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc lợn thịt bằng thức ăn tự nhiên có bổ sung bột lá chè xanh (Camellia sinensis) và Nhãn hiệu Thịt lợn trà xanh Thái Nguyên; đồng thời phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nhằm nhân rộng mô hình nuôi lợn thịt từ thức ăn có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên trên địa bàn tỉnh.

Thực tế thời gian qua, một số hộ dân trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã chăn nuôi lợn thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu bột chè xanh. Cùng với bổ sung bột chè xanh trong thức ăn, nhiều hộ trên địa bàn thành phố Thái Nguyên sử dụng đệm lót sinh học với các nguyên liệu là phế phẩm nông nghiệp có khả năng thấm hút tốt, như trấu, rơm, mùn cưa, xơ dừa, thân cây ngô khô, bã mía khô… giúp chuồng trại giảm hẳn mùi hôi, giảm phát thải khí nhà kính. Chất thải từ lợn và chất độn chuồng sau khi chăn nuôi ủ thành phân hữu cơ, sử dụng trong trồng trọt.

Gia đình anh Trần Văn Tuấn, ở xóm Đồng Ao, xã Đồng Liên nuôi 100 con lợn thịt có bổ sung bột chè xanh và đã được xuất bán. “Dùng cám gạo, cám ngô và phối trộn bột chè xanh tỷ lệ 3% làm thức ăn cho lợn trong quá trình chăn nuôi, cả đàn lợn khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Sau khoảng ba tháng nuôi, mỗi con lợn đạt trọng lượng hơn 100 kg (như với nuôi bằng thức ăn công nghiệp), lợn có tỷ lệ nạc cao, nhất là ở phần lưng và bụng”, anh Tuấn chia sẻ.

Để tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi theo cách thức mới này, Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ khoa học- kỹ thuật, kết nối điểm cung ứng sản phẩm bột lá chè xanh. Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Thái Nguyên, trên địa bàn thành phố, xu hướng sử dụng nguyên liệu bột lá chè xanh để phối trộn với cám làm thức ăn chăn nuôi lợn có xu hướng tăng, vì bột chè xanh có sẵn, dễ mua, giá phù hợp, quy trình không phức tạp, thịt lợn có giá trị cao. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ người dân về kỹ thuật chăn nuôi bổ sung bột chè xanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm nhằm nhân rộng phương thức chăn nuôi mới này.

Thái Nguyên là tỉnh có diện tích chè lớn nhất cả nước, được trồng ở hầu hết địa phương trong tỉnh cho nên nguồn cung lá làm bột chè xanh bổ sung trong thức ăn chăn nuôi lợn dễ dàng, thuận lợi. Theo quy trình sản xuất, chè sau khi hái hết búp, người dân hái lá, làm sạch, sấy khô và nghiền thành bột, đóng vào túi nilon, sử dụng dần làm nguyên liệu bổ sung vào thức ăn chăn nuôi lợn, hoặc mua tại các hộ, cơ sở sản xuất bột chè xanh với giá thành hợp lý.

Nguồn: https://nhandan.vn/nhan-rong-mo-hinh-chan-nuoi-co-gia-tri-kinh-te-cao-post876937.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Rừng Tà Kóu tôi đi
Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất
Trời đất giao hoà, vui cùng non sông

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm