Nhìn lại chặng đường hoạt động sôi nổi, tích cực từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã tạo nên những dấu ấn trách nhiệm. Từ những kiến nghị tâm huyết, thẳng thắn, nhất là việc cần cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, cắt giảm mạnh các khâu trung gian và tăng cường cho cấp cơ sở xã/phường; giám sát các vấn đề nóng… đến nắm bắt, theo sát việc giải quyết tâm tư, nguyện vọng của cử tri để thực sự là cầu nối giữa người dân với Quốc hội.
Trực diện những bức thiết
Trong bối cảnh cả nước đang quyết liệt thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, cắt bỏ các khâu trung gian gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước nhớ lại, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV tháng 7.2021, phát biểu tại nghị trường, đã đặt ra một vấn đề thời sự nóng bỏng nhất vào thời điểm đó là tinh gọn bộ máy và chống lãng phí.
“Từ 4 năm trước, chúng tôi đã đề cập đến vấn đề này. Thực ra, cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước là vấn đề không mới, nhiệm kỳ nào cũng đặt ra, nghiên cứu nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Do đó, chủ trương của Đảng về tinh gọn, sắp xếp bộ máy ban hành đã được cử tri, các cơ quan và Quốc hội đồng tình, ủng hộ; đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả. Việc tinh gọn bộ máy mới để tập trung nguồn lực thực hiện đầu tư phát triển; giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư”, ĐBQH Dương Văn Phước nhấn mạnh.
Lật giở lại phát biểu của ĐBQH Dương Văn Phước ngay đầu nhiệm kỳ của 4 năm về trước, có đoạn: Chúng ta ngồi đây, ai cũng biết bộ máy tổ chức nhà nước còn cồng kềnh, vì vậy cần phải đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhưng về nguyên tắc phải ổn định hệ thống chính trị. Theo tôi, nên tập trung cắt giảm mạnh khâu trung gian (cấp tỉnh, cấp huyện), rà soát, sắp xếp, tinh giản tổ chức bên trong của các bộ, các ngành ở Trung ương và tăng cường cho cấp cơ sở (cấp xã, cấp phường). Bởi hiện nay, nhờ đẩy mạnh ứng dụng cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0, hầu hết các thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước từ Trung ương có thể chuyển thẳng đến cơ sở trong thời gian ngắn để triển khai thực hiện mà không cần qua cấp trung gian.

Tuy nhiên, đây là một việc làm lớn, nhạy cảm Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo, xây dựng đề án nghiên cứu khoa học, thận trọng trên cơ sở tổng kết thực tiễn. Khối Đảng, khối Nhà nước, khối Mặt trận đề xuất tổ chức thí điểm, kiểm nghiệm, bổ sung lý luận, nhằm hoàn thiện hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy nhà nước ta theo hướng tinh gọn, giảm áp lực chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi một số dịch vụ công sang các đơn vị sự nghiệp và khu vực tư nhân nếu đủ điều kiện, nhằm giảm áp lực cho bộ máy nhà nước và tăng khả năng, chất lượng phục vụ Nhân dân.
Giám sát nóng - kiên trì kiến nghị
Phát huy vai trò, trách nhiệm, những năm qua, ngoài các chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều chương trình giám sát, khảo sát các vấn đề “nóng” cử tri và Nhân dân quan tâm.
Điển hình, trong năm 2024, khi tình trạng khan hiếm cát sỏi, vật liệu xây dựng thông thường, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng trên địa bàn, tác động trực tiếp đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đoàn ĐBQH tỉnh đã quyết định lựa chọn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2017 - 2023”. Đây là nội dung “nóng - khó - phức tạp” và đang gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.
Qua giám sát, Đoàn đã chỉ ra được những hạn chế, bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản và đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất. Trong đó, kiến nghị sớm ban hành luật mới thay thế Luật Khoáng sản năm 2010 có nhiều nội dung không còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, minh bạch thông tin trong quản lý nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, quy mô nhỏ lẻ, khoáng sản tận thu; tăng mức ký quỹ bảo vệ, phục hồi môi trường; tiếp tục rà soát, bổ sung các khu vực có trữ lượng khoáng sản vào quy hoạch thăm dò, khai thác… Những vấn đề này được ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận, tranh luận, chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy, thứ Tám Quốc hội Khóa XV, góp ý trực tiếp vào việc hoàn thiện và thông qua dự án Luật Địa chất và khoáng sản.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước cho biết: Tại các kỳ họp của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam luôn có nhiều ý kiến phát biểu xây dựng pháp luật, hoàn thiện chính sách. Trong đó, kiên trì kiến nghị những vấn đề bức xúc từ thực tiễn vì sự phát triển chung của đất nước cũng như địa phương.
Như tại Kỳ họp thứ Tám, Chính phủ trình Quốc hội quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nhiều định hướng phát triển hết sức quan trọng. Song qua rà soát, không gian biển của Quảng Nam gần như chưa được đề cập, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tỉnh. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực thảo luận, kiên trì kiến nghị, cùng với đó là ban hành văn bản kiến nghị bổ sung Cù Lao Chàm và Khu kinh tế mở Chu Lai vào quy hoạch. Mục tiêu tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh, kết hợp phát triển kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch; hình thành các trung tâm công nghiệp trọng điểm ven biển của vùng và cả nước. Với sự kiên trì này, Cù Lao Chàm và Khu kinh tế mở Chu Lai đã được bổ sung vào nghị quyết quy hoạch không gian biển quốc gia, được Quốc hội thông qua.
Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và Nhân dân, các ĐBQH tỉnh đã nỗ lực bám sát cơ sở thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo… Để từ đó tham gia thảo luận, phát biểu có trách nhiệm, đúng và trúng những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm; tham gia những ý kiến chất lượng vào các hoạt động lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhìn lại một chặng đường nỗ lực và trách nhiệm, các ĐBQH đã thể hiện rõ quan điểm, chính kiến khi tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình - Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng Nam Lê Nho Tuấn thông tin.
Có thể thấy, với tinh thần "vì dân, vì nước", Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã và đang tạo nên những nhịp đập mạnh mẽ cho dòng chảy cải cách - từ nghị trường đến đời sống. Mỗi kiến nghị thẳng thắn, mỗi cuộc giám sát sát thực tiễn, mỗi tiếng nói vì lợi ích chung - chính là những viên gạch nhỏ bền chắc, góp phần dựng xây một nền hành chính gần dân, kiến tạo phát triển. Khi đó, tinh thần cải cách trở thành hiện thực sống động trong từng nhịp thở của đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/nhip-dap-cai-cach-tu-nghi-truong-den-doi-song-post411854.html
Bình luận (0)