Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thành phố Hồ Chí Minh năng động, nghĩa tình

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn Năm mươi năm sau ngày giải phóng, khi nhìn về hành trình phát triển của TP. Hồ Chí Minh, người ta không chỉ thấy một trung tâm kinh tế năng động, một đô thị hiện đại với hạ tầng ngày càng đồng bộ, mà còn thấy một bản lĩnh văn hóa hiển hiện trong từng chuyển động của đời sống cộng đồng.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân01/05/2025

Nơi giao thoa của các dòng chảy văn hóa

Nói đến TP. Hồ Chí Minh là nói đến một đô thị năng động, hiện đại, nhưng đồng thời cũng là nói đến một không gian văn hóa cởi mở, hội tụ, và thống nhất - nơi phản chiếu rõ nét hình ảnh của một đất nước Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ, mà vẫn không quên cội nguồn, bản sắc.

Ngay từ những ngày đầu sau giải phóng, TP. Hồ Chí Minh đã mang cấu trúc xã hội đặc biệt - nơi cộng cư của hàng triệu người dân đến từ mọi miền đất nước. Họ mang theo phong tục, tín ngưỡng, ngôn ngữ, thói quen, ẩm thực... khác nhau, tạo nên một bức tranh văn hóa phong phú và đa sắc. Chính điều đó, cùng với vị trí địa lý đặc biệt và truyền thống cởi mở của vùng đất phương Nam, đã khiến TP. Hồ Chí Minh sớm định hình như một đô thị đa văn hóa tiêu biểu - không chỉ là nơi giao lưu, mà còn là nơi hội tụ và lan tỏa. Giọng nói, trang phục, món ăn, lối ứng xử của người Bắc, người Trung, người Nam hòa quyện, tạo nên "chất Sài Gòn" rất riêng - nghĩa tình, phóng khoáng, năng động và bao dung.

Sự phát triển văn hóa ở TP. Hồ Chí Minh không tách biệt mà gắn chặt với đời sống hàng ngày của người dân. Từ các khu phố người Hoa ở Quận 5, Quận 11 đến khu phố của người Chăm ở Quận 8, từ những khu tập thể cũ ở Tân Bình đến các chung cư hiện đại ở quận 7, đâu đâu cũng hiện diện những nét văn hóa riêng biệt nhưng không đối lập. Văn hóa không bị giới hạn trong các nhà hát hay bảo tàng, mà chính là hơi thở của thành phố - có mặt trong từng quán cà phê nghệ thuật, từng buổi biểu diễn đường phố, từng nhóm đọc sách, vẽ ký họa, làm gốm, học đờn ca tài tử...

08vh.jpg
TP. Hồ Chí Minh là một không gian văn hóa mở, nơi các giá trị được tiếp nhận, lựa chọn và biến hóa để phù hợp với tinh thần của đô thị hiện đại. Ảnh: Trịnh Nguyễn

Không ngừng thích nghi và chuyển động, TP. Hồ Chí Minh đã định vị không chỉ là thành phố đa văn hóa về mặt hình thức, mà thực chất là một không gian văn hóa mở, nơi các giá trị được tiếp nhận, lọc chọn và biến hóa để phù hợp với tinh thần của đô thị hiện đại. Có thể nói, chính đặc điểm đa văn hóa đã tạo nên nội lực đặc biệt cho sự phát triển toàn diện của TP. Hồ Chí Minh. Đó là sự đa dạng không chỉ về sắc thái văn hóa mà còn là đa dạng về ý tưởng, lối sống, tư duy và năng lực đổi mới. Đô thị này không ngừng tự làm mới mình, vì trong lòng nó luôn có sự va chạm, tương tác và dung nạp - một cách tự nhiên - các giá trị khác biệt, để rồi từ đó bứt phá và dẫn đầu.

Nhìn từ góc độ văn hóa, TP. Hồ Chí Minh là nơi phản ánh rõ nhất tinh thần thống nhất trong đa dạng của cả nước. Ở đó, quá khứ và hiện tại song hành, các giá trị truyền thống và sáng tạo hiện đại cùng tồn tại; nơi mọi người dân, dù đến từ đâu, cũng tìm thấy một phần mình trong nhịp sống của thành phố - được đón nhận, được sống thật và được góp phần làm nên một bản sắc chung.

Bản sắc địa phương hòa quyện tinh thần quốc gia

Một đô thị chỉ thực sự có chiều sâu và bản sắc khi văn hóa không chỉ hiện diện trong sách vở, bảo tàng hay sân khấu, mà phải trở thành một phần trong đời sống cộng đồng. Với TP. Hồ Chí Minh, điều đó không chỉ là định hướng trong chính sách, mà đã và đang trở thành một thực tiễn sinh động, phong phú, và đầy sáng tạo, thông qua những mô hình văn hóa cộng đồng được nuôi dưỡng từ chính người dân ở từng khu phố, phường/xã.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được triển khai sớm tại TP. Hồ Chí Minh, trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước hình thành môi trường văn hóa cơ sở lành mạnh, tiến bộ. Qua nhiều giai đoạn phát triển, các mô hình như Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Khu phố văn hóa, Câu lạc bộ ông bà cháu, Nhà văn hóa phường - xã, Không gian đọc cộng đồng... không ngừng được làm mới, mở rộng, và quan trọng nhất là gắn với nhu cầu của người dân.

Ở quận Bình Thạnh, mô hình “Câu lạc bộ không rác thải” không chỉ là hoạt động môi trường mà đã trở thành một nét văn hóa ứng xử văn minh đô thị, nơi các hộ dân cùng nhau giữ gìn ngõ phố sạch đẹp, chia sẻ cây xanh, dạy con trẻ thói quen tiết kiệm và sống xanh. Ở Quận 4, mô hình “Phố không rác” rồi được nâng lên thành khu phố “Xanh - Sạch - Đẹp” kết hợp với các chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố vào mỗi cuối tuần, vừa nâng cao ý thức cộng đồng, vừa mang đến một đời sống tinh thần phong phú cho cư dân trong những khu chung cư cũ.

Trong các khu dân cư đông người lao động nhập cư, mô hình “Tổ tự quản văn hóa - an toàn” đã giúp tạo nên một cộng đồng sống gắn bó, sẻ chia, hỗ trợ nhau từ việc học tập đến chăm sóc sức khỏe, từ hoạt động thể thao đến tổ chức trung thu cho trẻ em. Sự tham gia chủ động của người dân chính là yếu tố làm nên sức sống cho những mô hình này. Văn hóa cộng đồng không phải được “áp xuống”, mà được “gieo trồng” từ chính nhu cầu của cư dân.

Đặc biệt, trong bối cảnh đổi mới và chuyển đổi số, TP. Hồ Chí Minh cũng đang từng bước hình thành những mô hình văn hóa cộng đồng hiện đại, như “Phòng đọc mở tại chung cư”, “Tủ sách di động nơi công cộng”, “Không gian văn hóa số” tại các nhà thiếu nhi, thư viện cộng đồng, trung tâm văn hóa... Ở đây, trẻ em có thể tiếp cận sách báo, công nghệ thông tin, trải nghiệm thực tế ảo về lịch sử - ngay trong khu dân cư của mình. Các câu lạc bộ hát dân ca, kể chuyện lịch sử, múa dân gian... không chỉ giữ gìn truyền thống, mà còn truyền cảm hứng mới cho thế hệ trẻ tiếp nối.

Có thể nói, từ các tổ dân phố đến các trung tâm văn hóa, từ thư viện đến vỉa hè, từ chung cư cao tầng đến con hẻm nhỏ - mỗi góc phố ở TP. Hồ Chí Minh đều đang trở thành một tế bào văn hóa sống động, nơi mà bản sắc địa phương hòa quyện với tinh thần quốc gia, nơi văn hóa không ngừng tự đổi mới để phù hợp với nhu cầu con người hiện đại, mà không đánh mất cội rễ truyền thống. Chính những mô hình ấy, âm thầm nhưng bền bỉ, đã tạo nên lớp nền vững chắc cho sự phát triển của thành phố - không chỉ là đô thị lớn về kinh tế, mà còn là đô thị lớn về văn hóa, với “chất” riêng được hình thành từ sự đồng thuận, nghĩa tình và sáng tạo trong cộng đồng.

Hài hòa giữa phát triển và gìn giữ, giữa đổi mới và bản sắc, giữa tốc độ và chiều sâu - đó là bài học lớn mà TP. Hồ Chí Minh đã và đang mang lại cho cả nước trong suốt nửa thế kỷ qua. Và hơn thế nữa, đó cũng là hành trang quý báu để thành phố tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong hành trình xây dựng một Việt Nam hùng cường, nhân văn, hiện đại và đậm đà bản sắc.

Văn hóa không phải đi sau phát triển, mà chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững. TP. Hồ Chí Minh, bằng bản sắc văn hóa của mình, đã chứng minh điều đó - một cách âm thầm nhưng mạnh mẽ, bền bỉ mà sáng tạo, và giàu tính nhân văn như chính con người nơi đây.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-nang-dong-nghia-tinh-post411876.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm