Dịp 30.4 năm nay, để thiết thực kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, ngành Đường sắt Việt Nam tổ chức hành trình mang tên “Đoàn tàu Thống nhất” với đôi tàu thiết kế mang dấu ấn của giai đoạn đấu tranh thống nhất đất nước. Sự kiện này thêm một lần nữa nhắc nhở chúng ta về những người ngày đêm bảo vệ an toàn trên toàn tuyến, để một “biểu tượng của Thống Nhất” đảm bảo bình an tuyệt đối.
Đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh dài 148 km, do Công ty CP Đường sắt Nghĩa Bình quản lý. Suốt gần 50 năm qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên, người lao động Công ty đã miệt mài canh giữ, bảo vệ cho cung đường này luôn thông suốt, an toàn.
Trông coi, gìn giữ đêm ngày
Năm 1984, chàng trai xứ Nghệ Nguyễn Cảnh Năm khi đó 19 tuổi, khăn gói vào Bình Định làm công nhân cho Xí nghiệp Quản lý Đường sắt Nghĩa Bình - tiền thân của Công ty CP Đường sắt Nghĩa Bình. Hơn 40 năm cống hiến, ông Năm bây giờ là Đội trưởng Đội Cầu đường Diêu Trì, vẫn sớm tối gắn bó với hơn 140 nhân viên để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ 52,5 km đường ray qua địa bàn các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, TX An Nhơn và TP Quy Nhơn.
Theo ông Năm, ít có nghề nào nặng nhọc, nhiều áp lực như công nhân ngành đường sắt. Để duy tu bảo trì hệ thống đường sắt, nhiều khi họ phải đồng thời làm nhiều việc có việc yêu cầu thể lực rất cao, nhưng ngay sau đó lại cần những thao tác chính xác đến từng milimét. Từ điều chỉnh tà vẹt, khe hở mối nối ray; nâng đường cho đến sửa chữa cự ly ray, chỉnh lý mặt bằng cao thấp trước sau… “Tổng cộng hơn 20 hạng mục nhân viên duy tu phải làm hằng ngày. Đấy là bảo dưỡng thường xuyên, còn các sự cố phải sửa chữa khẩn cấp thì vất vả, sức ép không nói hết”, ông Năm tâm sự - Nhưng anh em công nhân trên đường chẳng khi nào nói đến chuyện nặng nhọc, vì điều đó để dành những người tuần đường!
Ông Nguyễn Cảnh Năm (bìa phải, Đội trưởng Đội Cầu đường Diêu Trì) chỉ huy hoạt động duy tu đoạn đường ray qua Ga Diêu Trì. Ảnh: N.C |
Đội ngũ tuần đường là những công nhân đường sắt làm việc không có khái niệm đêm, ngày, lễ, Tết; hằng ngày phải đối mặt áp lực, sự cô độc và bất trắc. Mỗi tổ tuần đường có 4 người, làm việc theo ban với 3 ban/ngày, mỗi ban 8 giờ. Với lý trình quản lý hơn 10 km, mỗi lần “lên ban” họ phải độc hành hơn 20 km. Mỗi tháng bình quân làm việc 24 ngày, họ cuốc bộ hơn 500 cây số. Nếu làm việc 7 năm liên tục, đoạn đường mà một nhân viên tuần đường đi sẽ dài hơn 1 vòng Trái Đất.
Có 32 năm “khám đường ray”, ông Huỳnh Văn Quyền (62 tuổi, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) đã bước bộ quãng đường hơn 192 nghìn km, tức gần 5 vòng Trái Đất. Về hưu hơn 10 năm trước nhưng ký ức thời tuần đường trong ông vẫn vẹn nguyên. Đó là những trưa hè nắng như đổ lửa, thanh ray bị mặt trời “thiêu đốt” giãn nở hết cỡ, như muốn cựa quậy, vặn mình; quá trình ma sát với đinh ray, cóc ray phát ra những thanh âm khô khốc. Trên nắng dưới nóng, bàn chân ông bao lần phồng rộp sau ban tuần xuyên trưa. Những đêm mưa bão lầm lũi bước thấp bước cao vẫn căng mắt soi từng chiếc đinh, từng bu lông. Thật sự là phải soi từng chiếc, không được bỏ sót chiếc nào.
Vật bất ly thân của nhân viên tuần đường là túi đồ nghề đeo bên hông nặng gần 5 kg với nào cờ lê, đèn, cờ tín hiệu, sổ sách… Trong đó, có một thứ có lẽ không ai muốn “đụng tới” - hộp pháo phòng vệ - 6 quả. Thế mà ông Quyền từng phải dùng đến. Vào một đêm tuần xuyên mưa của hơn 30 năm về trước, ông Quyền phát hiện đoạn đường ray qua thôn Tân Hòa (xã Cát Tân, huyện Phù Cát) bị sụt lún nền đường, buộc phải “kích hoạt” chế độ phòng vệ khẩn cấp. “Phải chạy hết tốc lực về hướng tàu gần nhất đang tới, khi đủ khoảng cách 800 m thì đặt 3 quả pháo trên 2 thanh ray theo sơ đồ chữ V, trong đó thanh ray bên trái theo hướng tàu tới 2 quả, thanh ray kia 1 quả, mỗi quả cách nhau 20 m. Sau đó đứng lùi lại 20 m, dùng đèn đỏ cảnh báo cho đoàn tàu đang tới”, ông Quyền nhớ lại.
Kế thừa, tiếp nối
Ở tuổi 43, ông Nguyễn Văn Thạch (ở xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ) - 1 trong 117 cán bộ, nhân viên thuộc Đội Cầu đường Bồng Sơn có 23 năm trong nghề, ông Thạch đã có 5 năm đi sửa đường, trước khi chuyển sang canh gác hầm Phủ Cũ (Km 1.026+850, dài 170,16 m, nối huyện Phù Mỹ và TX Hoài Nhơn. Theo ông Thạch, không thể biết chính xác đã có bao nhiêu người từng trông giữ hầm, nhưng chắc chắn là bất cứ lúc nào hầm cũng phải có người canh gác. Hiện tổ tuần hầm có 4 người, làm việc theo ban với quân số “ngày 1 đêm 2”, mỗi ban 12 tiếng.
“Mỗi chuyến tàu qua, anh em kiểm tra trong hầm và 100 m đường ray ngoài hai đầu hầm. Phải soi từng chi tiết để kịp thời khắc phục lỗi nhỏ, trường hợp sự cố lớn thì phòng vệ ngay lập tức. Năm 2017, cửa hầm đầu Bắc bị sạt lở, tôi chạy 850 m để đặt pháo phòng vệ, nhớ mãi đến giờ”, ông Thạch chia sẻ - nhưng nỗi buồn, nỗi cô tịch mới là điều tạo nên áp lực!
Ông Nguyễn Văn Thạch, Tổ trưởng Tổ tuần hầm Phủ Cũ (Đội Cầu đường Bồng Sơn) gắn bó với công việc tuần hầm hơn 10 năm qua. Ảnh: N.C |
Với nhiều nhân viên Công ty, công việc bảo vệ đường ray còn là kế thừa truyền thống gia đình. Bao năm qua ông Quyền chính là niềm tự hào của người em trai út Huỳnh Văn Hòa, 46 tuổi, nhân viên gác tàu tại Chắn Km 1.080+420 (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn). Chắn ở gần nhà, những lúc rảnh rỗi ông Quyền lại ra trò chuyện, cùng em trai ôn lại kỷ niệm trên đoạn đường tàu năm xưa mình đi tuần.
Cùng là nhân viên gác chắn, làm việc cách nhau hơn 6 km trên đoạn đường ray qua xã Cát Hanh và thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát), ông Trương Hồng Tư (55 tuổi) và con trai là anh Trương Thanh Toàn (29 tuổi, cùng thuộc Đội Cầu đường Diêu Trì) là đồng nghiệp với nhau. Gia đình ông Tư có 3 đời làm ngành đường sắt. Những năm sau giải phóng, cha ông Tư (đã mất năm 2011) từng làm nhân viên gác ghi rồi sau đến Phó trưởng Ga Quy Nhơn.
Ông Tư tâm sự, công việc gác đường ngang có vẻ đơn giản nhưng trách nhiệm nặng nề. Sau khi nghe điện thoại trực ban và ghi chép giờ tàu đến, nhân viên gác chắn phải căng mắt quan sát tàu lẫn xe cộ trên đường bộ, canh thời gian hạ cần chắn, vừa phải đúng quy định, tức không được quá sớm mà cũng không được quá muộn, lại vừa đảm bảo an toàn cho mình và xe cộ lúc đóng chắn.
“Ngán nhất là cảnh nhiều người bất chấp qua đường khi cần chắn đang hạ xuống. Không ít lần tôi bị chửi bới vì ngăn phương tiện đi qua lúc tàu sắp tới, thót tim khi các “thần men” lao xe vào cần chắn. Công việc đặc thù nên tôi thường căn dặn con cẩn thận, động viên con cố gắng làm tốt nhiệm vụ”, ông Tư trải lòng.
Hoạt động bảo vệ đường tàu trên địa bàn tỉnh từ sau ngày thống nhất đến nay có sự đóng góp thầm lặng của hàng nghìn con người, với nhiều thế hệ. Không ít người “cuốc đường” bền bỉ vài năm, nhưng cũng có người chỉ sau vài tháng là “đầu hàng” vì quá cực. Nhưng cũng có nhiều người như ông Quyền, lặng lẽ tuần đường ròng rã hơn 30 năm, trong khi một thanh ray sau hơn 20 năm phục vụ có thể phải thay thế vì bị mài mòn quá mức cho phép. Họ - những con người vô danh - qua bao thăng trầm vẫn gắn chặt đời mình với đường tàu theo quy luật của nghề, lúc trai trẻ “cuốc đường” như thể để tôi luyện và khi bắt đầu chín thì chuyển sang đảm nhiệm tuần đường, gác chắn. Và khi đã qua ngưỡng đó ai cũng tự hào về nghề của mình, về những bước chân lặng lẽ bảo vệ an nguy cho đoàn tàu.
NGUYỄN CHƠN
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=82&mabb=355196
Bình luận (0)