Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những người vợ thương binh tảo tần

(Baothanhhoa.vn) - Sau những năm tháng chiến tranh ác liệt, các thương binh trở về với nhiều thương tật, đau đớn về thể xác, nhưng họ được bù đắp bởi “một nửa” yêu thương của mình. Đó là những người vợ tảo tần, chịu khó, nguyện cùng họ vượt qua nỗi vất vả của cuộc đời.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa26/07/2025

Những người vợ thương binh tảo tần

Ông Lê Văn Chung, thương binh hạng 1/4 ở xã Hoằng Lộc và vợ của mình.

Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ, ông Lê Văn Chung, thương binh hạng 1/4 ở xã Hoằng Lộc tâm sự về người vợ thân yêu của mình bằng sự biết ơn bởi sự hy sinh thầm lặng của bà đã thay ông gánh vác chuyện gia đình trong suốt hàng chục năm qua.

Bằng giọng trầm ấm, pha chút hài hước, ông kể: “Tôi và vợ - cô Lê Thị Chuyên là người cùng thôn. Chúng tôi nên duyên chồng vợ vào tháng 11/1981 khi đơn vị cho ghé thăm nhà vẻn vẹn có 4 ngày nghỉ phép. Trong lần về ấy, bị gia đình thúc ép, nhắm hỏi cưới cô ấy làm vợ, chiều theo gia đình, tôi “cưới đại” rồi vào đơn vị luôn. Cuộc hôn nhân ấy đến tận bây giờ tôi vẫn đùa và nói với bà ấy là cuộc hôn nhân “không tình yêu”. Tuy nhiên, hơn 40 năm cô ấy làm vợ, tôi cảm ơn vì may mắn có cuộc hôn nhân “không tình yêu” ấy".

Rồi ông kể tiếp, "trong trận đánh tại mặt trận 479, tôi bị thương và được đưa về điều trị tại Bệnh viện 175, rồi chuyển qua Bệnh viện Quân y 4 (thuộc Quân đoàn 4), TP Hồ Chí Minh. Sau 3 năm điều trị, vết thương ổn định, năm 1990, tôi trở về sum họp cùng gia đình với thương tật mất 2/3 chân trái còn chân phải bị gãy 2 đoạn và được giám định xếp hạng 1/4. Mất 2 năm đầu, vết thương hành hạ tôi khủng khiếp lắm. Khi tỉnh lại, nghe vợ kể lại, tôi mới biết. Hàng ngày, cứ khoảng 12 giờ trưa, tôi la hét và có các hành động khó kiểm soát, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng của tôi. Những lúc như vậy, vợ tôi cùng với người thân, bà con lối xóm, người thì giữ đầu để tránh không cho tôi đập đầu, người thì dội nước lên người. Cứ như vậy, sau 30 phút, tôi mới trở lại bình thường, và cô ấy là người ân cần chăm sóc, tắm rửa, thay quần áo, cho tôi ăn. Hiện tôi không còn hành động lạ ấy nữa nhưng vết thương ngày một nặng thêm. Chân trái hiện đã cắt cụt đến mông rồi nên ảnh hưởng thần kinh và những cơn đau luôn hành hạ. Khi cơn đau tái phát, tôi không kiềm chế và có những lời nói không kiểm soát được, bà ấy lại nhẫn nhịn, chăm sóc, động viên, an ủi và là điểm tựa tinh thần giúp tôi chiến thắng bệnh tật".

Ngoài chăm sóc cho ông, bà còn là người mẹ tảo tần chăm lo, nuôi dạy 5 con khôn lớn thành người. Hiện 5 con của ông bà đều có việc làm, thu nhập ổn định, 4 người đã lập gia đình.

Nhắc đến “hậu phương” của mình, ông Nguyễn Chí Chiến, thương binh hạng 2/4 ở xã Triệu Lộc xúc động cho biết: “Ngày ấy, vợ tôi phải cứng rắn lắm mới dám ghé vai gánh vác cùng tôi. Gần 44 năm nên nghĩa vợ chồng, bà ấy đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho tôi. Ngày bước chân về nhà chồng với nhiều bỡ ngỡ, bố mẹ già yếu, chồng thương tật... cuộc sống khó khăn, nhưng bà không nề hà, luôn cố gắng làm con dâu hiếu thảo và người vợ đảm đang. Ngoài quán xuyến việc đồng áng, về nhà bà làm tròn bổn phận người con dâu, người vợ và người mẹ".

Hiện nay, bố mẹ chồng không còn nữa và con gái của hai ông bà đã có gia đình riêng, đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Tuy không về thường xuyên nhưng con, cháu hàng ngày đều gọi điện hỏi thăm sức khỏe ông bà.

Bà Thủy - vợ ông Chiến cho biết: "Do thương tật, tuổi già nên 2 năm trở lại đây sức khỏe của ông giảm sút nhiều, phải đi bệnh viện nhiều. Với số tiền trợ cấp hàng tháng của ông được 5,4 triệu đồng không đủ trang trải cuộc sống của 2 ông bà cũng như tiền thuốc men cho ông. Vì vậy, ngoài tranh thủ làm 3 sào lúa, tôi xin vào nấu cơm cho doanh nghiệp tư nhân ở gần nhà với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Công việc tuy vất vả nhưng tôi luôn tự động viên mình cố gắng vượt qua để chăm sóc chồng cho thật tốt, vì dù sao ông ấy còn may mắn hơn rất nhiều so với những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường”.

Trên đây chỉ là hai trong số hàng nghìn người vợ thương binh, bệnh binh đã và đang từng ngày, từng giờ vượt qua khó khăn để vun đắp, xây dựng cuộc sống gia đình. Dù mỗi người, mỗi hoàn cảnh khác nhau, song điểm chung ở họ là sự đảm đang, tần tảo, đức hy sinh, lòng vị tha và nghị lực phi thường. Vẫn biết rằng, cuộc sống ở phía trước còn nhiều gian nan nhưng việc làm của các mẹ, các chị tạo dựng hôm nay như một sự tri ân đối với người chồng thân yêu của mình đã hiến dâng tuổi đời và máu, xương vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Chính tình yêu thương đã góp phần xoa dịu bớt những mất mát, đau thương của chiến tranh để viết tiếp nên những câu chuyện cảm động giữa thời bình.

Bài và ảnh: Minh Lý

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nhung-nguoi-vo-nbsp-thuong-binh-tao-tan-256105.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm