Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những nhiếp ảnh gia 'tay ngang'

Xuất phát từ những công việc khác nhau, không được đào tạo bài bản về nhiếp ảnh nhưng họ lại đến với nghề như một cái duyên và trở thành những nghệ sĩ thực thụ, được xã hội ghi nhận.

Báo Hải DươngBáo Hải Dương14/04/2025

nhiep-anh-2.jpg
Tác phẩm "Lúa và hoa" đoạt giải nhất tại Triển lãm ảnh tỉnh Hải Dương năm 2001 của tác giả Trương Thế Dùng

Nhiều đóng góp

Liên hệ với nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Thế Dùng, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) thật khó. “Phường tôi đang diễn ra lễ hội đền Sượt. Tôi phải bám sát các hoạt động của lễ hội để lưu lại các phong tục, tập quán của nhân dân qua hình ảnh. Đây cũng là cách giữ gìn văn hóa truyền thống cho các thế hệ sau”, ông Dùng cho biết.

Năm 1988, ông Dùng phụ trách quay phim, chụp ảnh của Ty Văn hóa Hải Hưng. Trong suốt thời gian làm phóng viên, ông có nhiều đóng góp trong việc phản ánh các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng của tỉnh, nhất là những lần đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia. Hiện ông là Trưởng Ban Nhiếp ảnh (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương).

nhiep-anh-1.jpg
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Thế Dùng (trái) nhận giải tại Giải thưởng văn học, nghệ thuật Côn Sơn - Hải Dương lần thứ VIII (giai đoạn 2016 - 2020)

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Hiệp ở xã Ngọc Sơn (TP Hải Dương) là một trong số các nghệ sĩ “mát tay” với nhiều giải thưởng uy tín: Huy chương bạc, đồng tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2019, 2020; giải nhất Cuộc thi ảnh thời sự - nghệ thuật Hải Dương năm 2023, 2024; giải A Giải thưởng văn học nghệ thuật Côn Sơn - Hải Dương lần thứ VIII (giai đoạn 2016 - 2020); giải C của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2022...

nhiep-anh-33.jpg
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Hiệp

Với quan niệm người nghệ sĩ thực thụ phải sáng tạo, tìm ra điểm khác biệt ở chính nơi mình đang sống và bằng tình yêu quê hương, anh đã lan tỏa hình ảnh Hải Dương ra thế giới. Anh từng in sách chung với 100 nhiếp ảnh gia Hàn Quốc, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ. “Tôi tự hào bởi ngay những trang sách đầu tiên của cuốn sách là hình ảnh về Hải Dương thân yêu”, anh Hiệp cho biết.

nhiep-anh-5.jpg
Đây sẽ là hình ảnh đẹp trong lòng mỗi người dân Hải Dương, nhất là với những ai đã từng làm việc, gắn bó ở Nhà máy sứ Hải Dương. Trong ảnh: Ống khói Nhà máy sứ Hải Dương của tác giả Nhật Vi

Khác với những thế hệ đi trước, dù chưa có tên tuổi ở các cuộc thi, triển lãm lớn nhưng anh Đinh Nhật Vi ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) đã cùng nhóm bạn thể hiện tình yêu với nghệ thuật nhiếp ảnh một cách táo bạo: lập fanpage Check-in Hải Dương bằng những hình ảnh đẹp, ấn tượng, góc nhìn lạ về mảnh đất, con người Hải Dương. Anh Vi đã cùng các bạn bỏ công sức, thời gian và tiền bạc, thực hiện nhiều bộ ảnh với những câu chuyện rất đời thường nhưng lôi cuốn mỗi người dân Hải Dương. “Theo dõi trang của các bạn, người ta thấy một Hải Dương rất bình yên, đẹp khác lạ và thêm yêu mảnh đất này”, chị Lê Thu, giáo viên Trường THCS Ngô Gia Tự (TP Hải Dương) nhận xét. Hiện fanpage Check-in Hải Dương đã thu hút trên 19.000 lượt người theo dõi, được nhiều người yêu mến, lan tỏa.

nhiep-anh-44.jpg
Người nghệ sĩ phải hiểu về tập tục sinh hoạt của cò, thời điểm mặt trời mọc, lặn từng mùa... để có được những tác phẩm sinh động về Đảo Cò. Trong ảnh: Tác phẩm "Đất lành" của tác giả Hoàng Hiệp

Đam mê

Ông Trương Thế Dùng là cử nhân ngành quản lý văn hóa (Đại học Văn hóa), không hề được đào tạo chuyên sâu về nhiếp ảnh. Làm ở Ty Văn hóa là cơ may giúp ông được làm quen với công việc chụp ảnh.

Anh Hoàng Hiệp xuất phát là công nhân Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch. Năm 1988, anh cùng 2 người bạn mở hiệu chụp ảnh, phục vụ người dân.

Còn anh Đinh Nhật Vi hiện là công nhân Điện lực Nam Sách đến với nhiếp ảnh như một thú chơi…

Rất nhiều người không phải là dân nhiếp ảnh “xịn” nhưng ở họ đều có chung đam mê với nghệ thuật.

Cũng bởi làm những nghề không liên quan đến nhiếp ảnh và không qua trường lớp nên họ phải đối diện với nhiều khó khăn, áp lực khi làm nghề. Nhưng cũng bởi tình yêu và đam mê đã giúp họ vượt qua những khó khăn ấy.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Cả Quyết ở phường An Lưu (Kinh Môn) may mắn khi được sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề ảnh. Bố ông là lão nghệ sĩ nổi danh Văn Quang Đức. Thời của ông chưa có sự phát triển của mạng internet, sách báo chưa nhiều nên việc học hỏi từ thế hệ đi trước rất quan trọng. “Ngoài chút năng khiếu, người nghệ sĩ cần ham mê tìm tòi, lâu ngày sẽ tích lũy được kinh nghiệm”, ông nói.

nhiep-anh-7.jpg
Ngày nay, các bạn trẻ được tiếp cận với sự phát triển của công nghệ nhưng vẫn cần sáng tạo, nỗ lực không ngừng

Còn với bạn Đinh Nhật Vi, ngoài việc học từ người đi trước, ngày nay, người trẻ còn may mắn được tiếp cận công nghệ. “Người làm ảnh có thể dựa vào công nghệ, học từ những điều cơ bản nhất như bố cục, làm chủ thiết bị rồi đến các vấn đề nâng cao như kỹ thuật xử lý ánh sáng, môi trường, chỉnh sửa ảnh… Tuy nhiên, dù công nghệ phát triển đến đâu vẫn là công cụ hỗ trợ. Con người cần sáng tạo, nỗ lực không ngừng”, bạn Vi nói.

Nhiếp ảnh còn là nghề “ngốn” tiền bạc, sự đầu tư về thời gian, công sức. Năm 1988, chiếc máy ảnh đầu tiên của anh Hoàng Hiệp trị giá 2 chỉ vàng, tới nay, số tiền anh đầu tư cho máy móc, thiết bị đã lên tới cả tỷ đồng. “Nhiều trường hợp không có thiết bị không làm được. Ví dụ muốn chụp được vẻ đẹp sống động của các loài chim cần có ống tê lê, giá có thể vài trăm triệu đồng. Người nghệ sĩ dấn thân vào nghề như vào một cuộc chơi”, anh Hiệp nói.

Không chỉ đầu tư về tiền bạc, để chụp được những bức ảnh ưng ý, người nghệ sĩ còn phải đầu tư về thời gian và công sức. Nghệ sĩ Văn Cả Quyết từng mất 7 năm để chụp thành công bức ảnh “Bức tranh quê” trên đền Cao An Phụ. Trước đó, ông mất nhiều thời gian để tìm đúng thời điểm cảnh sắc nơi đây đẹp nhất: cây cối, trời mây xanh ngát, đồng lúa chín vàng… Nhiều lần lên đến đỉnh núi An Phụ chụp, trời đang trong xanh lại bất ngờ đổ mưa hoặc sương mù…

nhiep-anh-8.jpg
Tác phẩm "Bức tranh quê" của tác giả Văn Cả Quyết

Bức ảnh đoạt giải nhất Cuộc thi ảnh thời sự - nghệ thuật Hải Dương năm 2011. Hay nhiều lần chinh phục đỉnh Nà Lay (Lạng Sơn), săn mây ở Y Tý (Lào Cai), ông và các nghệ sĩ đi bộ đường rừng, đối diện nguy cơ sạt lở, nguy hiểm đến tính mạng… Tuy đánh đổi rất lớn nhưng các nghệ sĩ đã nhận lại những giá trị không nhỏ về văn hóa, tinh thần, được mọi người ghi nhận.

PV

Nguồn: https://baohaiduong.vn/nhung-nhiep-anh-gia-tay-ngang-409071.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm