Ông Nguyễn Văn Sum (sinh năm 1949)
Ông Nguyễn Văn Sum thường được biết với tên gọi là Nguyễn Quang Trị, nguyên quán xã An Đức, huyện Ba Tri. Ông Nguyễn Quang Trị là cán bộ công tác nhiều năm trong ngành văn hóa thông tin. Giai đoạn kháng chiến, ông từng là đoàn viên công tác hợp pháp ở cơ sở thị trấn Ba Tri, rồi thoát ly, công tác ở Ban Tuyên huấn huyện Ba Tri cho đến ngày giải phóng.
Sau giải phóng, ông công tác và giữ các chức vụ ủy viên, Phó trưởng ban Thường trực, Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Hiệu trưởng Trường Chính trị, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ba Tri, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin. Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục hoạt động nghiên cứu văn hóa và là nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín của tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu từ năm 1996, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam từ năm 2005, hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam từ năm 2010.
Quá trình công tác, ông được nhận 5 huân chương, gồm: Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, 16 huy chương, kỷ niệm chương, danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 39 bằng khen các cấp, 27 giấy khen, 3 giấy biểu dương, chứng nhận đạt giải các cuộc thi viết, giải báo chí trong tỉnh.
Ông có các tác phẩm và công trình tiêu biểu như: Văn hóa Bến Tre - Những góc nhìn (năm 2023), Tinh hoa văn hóa Bến Tre (viết chung tác giả Lư Hội, năm 2011), Trương Vĩnh Trọng - Dấu ấn thời gian (viết chung tác giả Lư Hội), Nguyễn Văn Trung - Cuộc đời và sự nghiệp (viết chung tác giả Lư Hội, năm 2017).
Ông Nguyễn Ngọc Thạch (sinh năm 1950)
Ông Nguyễn Ngọc Thạch được biết đến với bút danh Nguyễn Nhật Nam, nguyên quán ở xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành. Ông bắt đầu tham gia hoạt động sáng tác từ năm 1987 và là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu từ năm 1989.
Tham gia công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, từ năm 2002 đến nay, nhà văn Nguyễn Nhật Nam luôn tích cực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều tác phẩm của ông được chọn đăng trong ấn phẩm Văn nghệ Bến Tre (sau này là Tạp chí Văn nghệ Hàm Luông).
Mấy chục năm qua, ông tham gia vào việc phát hiện, tập hợp các nhân tố có tiềm năng văn học nghệ thuật tại địa phương, vận động thành lập câu lạc bộ để làm tiền đề tiến tới thành lập các chi hội văn học nghệ thuật tại các huyện. Nhà văn Nguyễn Nhật Nam cũng là người tham gia biên soạn và đóng góp tác phẩm “Tài liệu dạy và học Ngữ văn địa phương - Trung học cơ sở tỉnh Bến Tre”.
Đối với hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, nhà văn Nguyễn Nhật Nam luôn chú tâm, tham gia tích cực trong hoạt động sáng tác và đạt giải tại các cuộc thi viết trong và ngoài tỉnh. Đến nay, ông đã xuất bản được 4 tập truyện ngắn và ký; trong đó tập truyện ngắn “Gánh Đào Nguyên” (năm 2006) để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc, đạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Ông Nguyễn An Cư (sinh năm 1953)
Nhà văn Nguyễn An Cư còn sử dụng bút danh là Nguyễn An, nguyên quán ở xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm. Nhà văn Nguyễn An Cư xuất thân là giáo viên. Ông có nhiều năm công tác ở Trường Tiểu học Châu Hòa, thị trấn Giồng Trôm.
Sau hơn 15 năm làm hiệu trưởng (1975 - 1993), ông chuyển sang làm công tác thư viện trường học và chuyên tâm cho hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, viết báo và gắn bó với sáng tác từ đó đến nay hơn 30 năm. Đồng thời, ông còn giữ vai trò là chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ văn Phan Văn Trị, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu. Ông cộng tác thường xuyên với Tạp chí Văn nghệ Hàm Luông, Báo Giáo dục và Thời đại, Báo Đồng Khởi, Báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân, cùng các đặc san của sở ban ngành, địa phương trong tỉnh.
Trong sự nghiệp của mình đến nay, nhà văn Nguyễn An Cư đã xuất bản 8 tập truyện ngắn, tập thơ. Trong đó, tiêu biểu là tập truyện ngắn “Chuyện thầy trò”. Đây là tác phẩm tâm huyết nhà văn Nguyễn An Cư dành cho ngành giáo dục mà mình đã gắn bó. Nhà văn Nguyễn An Cư tham gia cộng tác, có tác phẩm in chung trong 45 ấn phẩm sách là các tuyển tập thơ, bút ký, truyện ngắn từ năm 1996 đến nay.
Ông đã đạt gần 40 giải thưởng trong các cuộc thi viết lĩnh vực văn xuôi, thơ, báo chí, âm nhạc trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Lời (sinh năm 1955)
Ông Nguyễn Văn Lời (Nghệ nhân Minh Lời), sinh năm 1955, trong một gia đình thuộc dòng dõi âm nhạc cổ truyền tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành. Ông là người nghệ sĩ tài năng, với 55 năm tuổi nghề, am tường các loại nhạc cụ như: Ghi-ta phím lõm, tranh, bầu, sến, kìm, cò, violon và các bài bản tổ, tinh hoa của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Suốt thời gian qua, nhiều thế hệ tài tử đờn, tài tử ca, nghệ sĩ sân khấu cải lương chuyên nghiệp, nhiều nhạc công nhạc cụ dân tộc đã được ông đào tạo. Đặc biệt, ông dành thời gian nghiên cứu viết bài bản lời mới với hơn 20 bài ca cổ, hơn 100 bài bản tài tử lời mới.
Những sáng tác của ông mang đậm hơi thở cuộc sống đương đại với niềm tin vào cuộc sống, ca ngợi lãnh tụ, sự hăng hái bảo vệ Tổ quốc cũng như quá trình phát triển quê hương. Tác phẩm của ông được yêu thích sử dụng và phổ biến nhiều trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Năm 2001, ông đã biên soạn sách “Bài bản sân khấu cải lương và tài tử Nam bộ” với hơn 200 bài sáng tác. Năm 2015, ông Nguyễn Văn Lời được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Nổi bật trong các tác phẩm của Nghệ nhân ưu tú Minh Lời là tập sách “Nhạc lễ Bến Tre trong dòng chảy Nhạc lễ Nam Bộ” (biên soạn 2019). Đây là tập sách chuyên khảo, có đóng góp quan trọng cho sự lưu truyền, bảo tồn cũng như bảo vệ nhạc lễ khỏi sự xâm nhập, pha trộn, mai một giá trị nghệ thuật truyền thống của nhạc lễ truyền thống Nam Bộ nói chung và Bến Tre nói riêng.
Thanh Đồng (tổng hợp)
(Còn tiếp)
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/nhung-tac-gia-tieu-bieu-linh-vuc-van-hoc-nghe-thuat-18042025-a145357.html
Bình luận (0)