Cầu vượt cửa biển Thuận An thuộc dự án tuyến đường bộ ven biển của TP. Huế khởi công ngày 26/3/2022 với mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng |
Háo hức chờ ngày hợp long
Về Thuận An những ngày này, ai cũng háo hức chờ đợi ngày cầu vượt cửa biển dài nhất của miền Trung được hợp long. Ông Phan Nản, một cao niên làng Thai Dương Thượng, phường Thuận An, quận Thuận Hóa hướng ánh mắt lên từng chân trụ cầu vượt biển Thuận An cười vui: “3 năm nay, kể từ khi thi công cây cầu này, ngày nào chúng tôi cũng chờ đợi để được đi trên chiếc cầu mới”.
Cùng như ông Nản, không ít người dân nơi đây hiểu rằng, có thêm một cây cầu mới nghĩa là thêm cơ hội không chỉ để giao thông đi lại thuận lợi hơn, mà còn mở ra cơ hội phát triển cho vùng đất, nhất là khu vực đầm phá, ven biển.
“Ngày khánh thành, đưa vào sử dụng cầu vượt cửa biển Thuận An không còn xa. Điều này, đồng nghĩa với việc người dân sẽ được hưởng lợi rất lớn từ chính cây cầu trọng điểm này. Khoảng cách của người dân đôi bờ Thuận An và Hải Dương xích lại gần nhau hơn; mở ra cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương ven biển, đầm phá”, ông Trần Văn Vĩnh, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Hải Tiến, phường Thuận An trò chuyện
Khi cầu vượt cửa biển Thuận An hoàn thành, đưa vào sử dụng, không chỉ người dân phường Thuận An được hưởng lợi mà các xã biển: Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Thanh, Quảng Công, Quảng Ngạn có thêm cơ hội để khai thác du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng và thương mại. Đời sống người dân vùng ven biển, đầm phá sẽ không ngừng được nâng lên.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Huế - chủ đầu tư dự án cho biết: Sau khi hợp long, phấn đấu đến dịp Lễ Quốc khánh 2/9 cầu vượt cửa biển Thuận An sẽ thông xe kỹ thuật. Với diện mạo bề thế và kiến trúc hiện đại, sau cầu vượt cửa biển Tư Hiền (Phú Lộc), cầu vượt cửa biển Thuận An là công trình giao thông trọng điểm bắc qua cửa biển rộng và phức tạp về địa hình còn lại của TP. Huế.
50 năm kể từ ngày quê hương, đất nước được giải phóng, bộ mặt phố thị, cuộc sống của người dân vùng cửa biển, đầm phá Thuận An, Hải Dương và các xã biển, đầm phá trên địa bàn TP. Huế giờ đã khác xưa. Nhiều công trình xây dựng mọc lên khắp nơi. Nối các vùng biển, đầm phá mênh mông là những cây cầu mang dáng dấp của một đô thị hiện đại.
Bí thư Đảng ủy phường Thuận An Ngô Văn Đủ phấn khởi: “Thuận An và Hải Dương đã về chung một nhà. Hải Dương nhập vào phường Thuận An là sự kiện chính trị quan trọng để tạo đà thúc đẩy cho sự phát triển chung của địa phương. Cầu vượt cửa biển Thuận An mở ra nhiều thời cơ thuận lợi để địa phương mời gọi các nhà đầu tư đến phát triển du lịch - dịch vụ ven biển”.
Cầu vượt cửa biển Thuận An thuộc dự án tuyến đường bộ ven biển của TP. Huế, được khởi công ngày 26/3/2022 với mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng; trong đó, hạng mục cầu Thuận An (giai đoạn 1) là 2.400 tỷ đồng. Cầu dài hơn 2,36km, được thiết kế độ cao đảm bảo để tàu trọng tải hơn 5.000 tấn ra vào cảng Thuận An thuận lợi, an toàn. Công trình là điểm nhấn, tạo kết nối giao thông liên vùng biển, đầm phá trên địa bàn TP. Huế.
Động lực mới cho sự phát triển
Tháng Tư về, được đi trên những tuyến đường giao thông kết nối vùng, được ngắm những cây cầu “nối nhịp bờ vui” băng phá, vượt biển, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự phát triển của hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố. Điều này đã và đang tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp; tiếp tục tạo động lực cho vùng ven biển, đầm phá của TP. Huế vươn mình phát triển bền vững.
Cùng với cầu vượt biển Thuận An, tuyến đường bộ ven biển từ TX. Phong Điền đến huyện Phú Lộc có tổng chiều dài 127km, kết nối với tuyến Quốc lộ 49B cùng với những cây cầu Hòa Xuân, Trường Hà, Tư Hiền, Tam Giang (Ca Cút)… băng phá, vượt biển trên địa bàn tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn chạy dọc ven biển từ Bắc vào Nam; liên kết, phát triển bền vững giữa các vùng, các địa phương toàn TP. Huế; rút ngắn khoảng cách giữa các xã ven biển. Sau khi hoàn thành, tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An sẽ giảm tải cho các trục giao thông Bắc - Nam, mở ra nhiều cơ hội mới.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Năm 2024, UBND tỉnh (nay là TP. Huế) đã có quyết định phê duyệt đầu tư dự án cầu qua phá Tam Giang, nối thị trấn Phú Đa đi xã Vinh Xuân (Phú Vang) với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công năm 2026 và hoàn thành năm 2028, sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các xã ven biển với khu vực trung tâm. Sau khi hoàn thành, đây là cây cầu thứ 6 vượt phá Tam Giang - Cầu Hai; tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội cũng như phục vụ nhu cầu dân sinh của người dân vùng biển, đầm phá. Trong tương lai, sẽ có thêm ít nhất 3 cây cầu nữa vượt phá Tam Giang được đầu tư, đưa vào sử dụng.
Trước đó, khi trả lời báo chí về hướng phát triển của Huế, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định: Theo quy hoạch chung đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Chính phủ phê duyệt tháng 1/2024, Huế là cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung về kinh tế biển, kinh tế du lịch, trung tâm về phát triển công nghiệp và cảng biển của quốc gia. Vì vậy, đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối liên vùng được xem là giải pháp mang tính chiến lược của Huế.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/noi-nhip-bo-vui-153124.html
Bình luận (0)