Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phan Thiết - 50 năm một chặng đường: Từ ngày giải phóng đến đô thị du lịch biển hiện đại, năng động

19/4/1975 – 19/4/2025, tròn nửa thế kỷ kể từ ngày quê hương Phan Thiết hoàn toàn giải phóng. 50 năm không quá dài trong dòng chảy lịch sử, nhưng đủ để mảnh đất anh hùng từng bị tàn phá bởi chiến tranh chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, trở thành đô thị biển hiện đại, năng động và là điểm sáng du lịch của cả nước.

Báo Bình ThuậnBáo Bình Thuận19/04/2025

Tự hào ngày giải phóng Phan Thiết

Mùa xuân năm 1975, cả dân tộc bước vào cao trào tổng tiến công và nổi dậy, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên địa bàn Bình Thuận, khí thế cách mạng dâng cao chưa từng có. Dưới sự chỉ đạo của cấp trên, quân và dân Bình Thuận liên tiếp mở các đợt tấn công mạnh mẽ vào lực lượng địch. Đến ngày 13/4/1975, quân và dân Bình Thuận đã giải phóng được một vùng nông thôn rộng lớn, làm chủ lộ 8, chia cắt quốc lộ 1 ở nhiều đoạn quan trọng, dồn địch về Phan Thiết trong thế cô lập hoàn toàn.

Ngày 18/4, Bộ chỉ huy tiền phương cánh quân Duyên Hải quyết định tung lực lượng chủ lực gồm lữ đoàn xe tăng và quân đoàn 2 bộ binh phối hợp với lực lượng địa phương tiến theo quốc lộ 1 vào giải phóng Phan Thiết. Đúng 18h30, tiểu đoàn 130 của quân ta liên tục bắn phá mãnh liệt các vị trí ở trung tâm thị xã và Tiểu khu, các kho hậu cầu, kho xăng và đạn. Đến 19h, quân đoàn 2 đến khu vực cầu Phú Long bắt liên lạc với tiểu đoàn 15. Từ đây xe tăng chia thành 2 hướng đánh, 1 mũi đánh vu hồi theo hướng Phú Hài , 1 mũi tiến thẳng theo đường I. Bộ binh và xe tăng ta chia thành nhiều mũi xông vào thị xã đánh chiếm các cơ quan đầu não. Đến 21h, tiểu khu Bình Thuận và các Ty, sở đã lọt vào tay quân giải phóng. 22h cùng ngày, một đại đội xe tăng giải phóng bến Cảng và mũi Thương Chánh. Đến 23h30 phút, ta đã chiếm giữ hoàn toàn sân bay và đồn bót địch ở Cảng.

Đỉnh điểm 2h ngày 19/4, lực lượng ta giải phóng nhà lao Phan Thiết – giải thoát hơn 400 đồng bào, chiến sĩ bị giam giữ. Đến 5h ngày 19/4, bộ chỉ huy tiền phương và các cơ quan tỉnh, thị tiến vào thị xã. Một đại đội thuộc tiểu đoàn 482 được điều đi đánh chiếm chi khu Hải Long ở Mũi Né. Một đại đội tiến vào phía Nam giải phóng chi khu Ngã Hai. Phan Thiết đã được giải phóng hoàn toàn.

Sau khi giải phóng quê hương Phan Thiết vào ngày 19/4/1975, Đảng bộ và nhân dân thị xã thực hiện nhiệm vụ hậu phương góp phần giải phóng Sài Gòn vào ngày 30/4/1975 – cũng là ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Bước ngoặt hiện tượng thiên văn đến thành phố du lịch

Sau ngày quê hương được giải phóng, thị xã Phan Thiết khi đó có 9 phường, xã với 88.800 nhân khẩu. Hậu quả chiến tranh để lại vô cùng nặng nề: tình trạng thiếu đói gay gắt, thất nghiệp do bà con trước đây bị địch dồn vào nội thị; cơ sở hạ tầng, cơ sở sản xuất, tư liệu sản xuất hầu như không có gì. Dù muôn vàn khó khăn, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Phan Thiết với truyền thống kiên cường, sáng tạo trong kháng chiến, toàn thị xã đồng lòng đã ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, tổ chức lại đời sống nhân dân.

Nhiều thế hệ lãnh đạo thị xã Phan Thiết từng bước tháo gỡ khó khăn bằng tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm phát huy nội lực, khai thác hiệu quả tiềm năng địa phương. Từ những vùng đất hoang tàn, Phan Thiết từng bước hồi sinh, tạo nền tảng chắc cho phát triển kinh tế - xã hội vững chắc về sau.

Ngày 24/10/1995, hiện tượng Nhật thực toàn phần diễn ra ở nước ta kéo dài từ Phan Thiết đến Lộc Ninh – mà Phan Thiết là địa điểm quan sát thuận lợi nhất. Sự kiện này thu hút hàng trăm nhà khoa học và hàng chục ngàn du khách đến nghiên cứu, trải nghiệm. Cũng từ đây, Phan Thiết bắt đầu được nhìn nhận là vùng đất giàu tiềm năng du lịch với “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”, mở ra bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp không khói. Ngày 24/10 sau đó được chọn là “Ngày Du lịch Phan Thiết - Bình Thuận”.

Tiếp đến, ngày 25/8/1999, Phan Thiết đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và được công nhận là đô thị loại III. Đến năm 2009, thành phố chính thức đạt đô thị loại II. Những mốc son này đánh dấu thời kỳ phát triển mới, hun đúc thêm niềm tự hào và khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố biển anh hùng.

Bứt phá vươn mình mạnh mẽ

Bước vào giai đoạn 2020 - 2025, TP.Phan Thiết chuyển mình mạnh mẽ. Hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm hoàn thành như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Hùng Vương, các khu dân cư mới và sắp tới sân bay Phan Thiết hoàn thành đưa vào khai thác... đã tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị và kinh tế - xã hội.

Trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể cán bộ và nhân dân Phan Thiết, ảnh N.Lân

Đại lộ Lê Duẩn, ảnh N.Lân

Một góc TP. Phan Thiết, ảnh N.Lân

Du lịch tiếp tục phát huy vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố với đa dạng sản phẩm du lịch chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Thương hiệu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né tiếp tục được giữ vững, phát triển theo Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né. Trong khi đó, Tiến Thành, với tâm điểm là Khu du lịch NovaWorld đang vươn lên mạnh mẽ nhờ chuỗi sự kiện văn hóa, giải trí, lễ hội quy mô lớn, thu hút đông đảo du khách. Đặc biệt, năm 2023, cùng với tỉnh thành phố tổ chức thành công chuỗi hoạt động của Năm Du lịch quốc gia “Bình Thuận – Hội tụ xanh”, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa hình ảnh điểm đến sôi động và hấp dẫn.

Du lịch Tiến Thành sôi động 

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khai thác thủy sản, chế biến nước mắm truyền thống tiếp tục duy trì ổn định. Cụm công nghiệp Phú Hài, Nam Cảng Phan Thiết hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào ngân sách. Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm và đời sống người dân nâng lên. 

Giai đoạn 2020 – 2025, tổng thu ngân sách TP. Phan Thiết ước đạt hơn 8.500 tỷ đồng, bình quân mỗi năm trên 1.700 tỷ đồng. Thành phố tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, từng bước hiện đại hóa diện mạo. Gần 650 tỷ đồng được bố trí để phát triển hạ tầng phục vụ kinh tế - xã hội. Các dự án trọng điểm như kè sông Cà Ty tiếp tục được cải tạo, mở rộng, tạo điểm nhấn cho đô thị biển...

Dự án trọng điểm Chung cư Cà Ty

Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Phan Nguyễn Hoàng Tân kiểm tra đôn đốc các dự án trên địa bàn

Phan Thiết đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số

Về cải cách hành chính, TP. Phan Thiết chú trọng tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) Phan Thiết được mở rộng chức năng, kết nối với hệ thống điều hành của tỉnh Bình Thuận. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quốc phòng tiếp tục củng cố…

50 năm, Phan Thiết đã đi qua những chặng đường gian khó để trở thành đô thị du lịch năng động, đáng sống. Với tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển bền vững, Phan Thiết từng bước khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế, du lịch trọng điểm của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.

Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/phan-thiet-50-nam-mot-chang-duong-tu-ngay-giai-phong-den-do-thi-du-lich-bien-hien-dai-nang-dong-129537.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm