Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển xanh, bền vững cần trở thành lối sống của từng người dân

NDO - Chuyển đổi xanh là một chặng đường dài. Cần xây dựng một hệ sinh thái xanh hoàn chỉnh và cân bằng bao gồm thể chế xanh, hạ tầng xanh, nhân lực xanh, công nghệ xanh, dữ liệu xanh và văn hóa xanh. Trong hệ sinh thái này, công nghệ xanh có vai trò quyết định.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân17/04/2025

Sáng 17/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì phiên thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề: "Công nghệ đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh".

Phiên thảo luận tập trung vào ba nội dung thảo luận trọng tâm chính, đó là: ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và số hóa trong giảm phát thải và tối ưu hóa tài nguyên; tăng cường hợp tác công-tư nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo; và giải pháp vượt qua các rào cản về kỹ thuật, hạ tầng, an ninh dữ liệu trong quá trình chuyển đổi xanh.

Phát triển xanh dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, phát triển xanh là một bước tiến lớn của văn minh nhân loại. Lịch sử phát triển của con người từ trước đến nay cơ bản là dựa trên tiêu thụ và làm cạn kiệt tài nguyên, và với tốc độ ngày một cao hơn. Phát triển xanh và bền vững là một thách thức rất lớn của nhân loại. Và vì thách thức này là rất lớn nên trí tuệ con người sẽ được kích hoạt và cũng sẽ trở nên rất lớn để giải quyết thách thức này.

Phát triển xanh, bền vững cần trở thành lối sống của từng người dân ảnh 1
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Cũng theo Bộ trưởng, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 chuyển hướng từ mô hình tăng trưởng truyền thống sang tăng trưởng xanh và kinh tế số. Đây là những cam kết mạnh mẽ, tạo một áp lực lớn cho chính mình, để kích hoạt trí tuệ Việt Nam, tìm kiếm đổi mới sáng tạo toàn cầu để giải bài toán phát triển xanh của Việt Nam và nhân loại.

Phát triển xanh và bền vững là phát triển dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng hướng vào phục vụ phát triển xanh và bền vững. Việt Nam đã đưa bộ 3 này về chung một bộ quản lý nhà nước. Coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu.

Ưu tiên ứng dụng và phát triển các công nghệ mới

Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, với Việt Nam, các công nghệ đột phá có thể tạo ra sự thay đổi căn bản sự phát triển xanh của nhân loại là hydrogen, pin thế hệ mới, công nghệ carbon thấp, công nghệ tuần hoàn. Các công nghệ số thế hệ mới tạo động lực cho chuyển đổi xanh là AI, IoT, Big Data, Chip bán dẫn. Đó đều là các công nghệ được Chính phủ Việt Nam lựa chọn là các công nghệ chiến lược để ưu tiên phát triển.

Cũng như cả thế giới, Việt Nam coi AI là công nghệ cốt lõi nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyển đổi số của Việt Nam đang được chuyển thành chuyển đổi AI. Nhưng cách tiếp cận AI của Việt Nam là AI không thay thế con người mà chỉ tăng thêm quyền năng cho con người.

Đề cập tới chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Xanh và số là một cặp song sinh. Phát triển xanh và bền vững phải trở thành lối sống của từng người dân. Việc tuyên truyền hiệu quả nhất là phát triển một trợ lý ảo 24/7 có thể trả lời mọi vướng mắc và hướng của người dân sống xanh và tiêu dùng xanh”.

Nhằm kêu gọi hành động toàn cầu, thúc đẩy hợp tác đa phương, sáng tạo những mô hình hợp tác mới, chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và hỗ trợ các nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi xanh, Bộ trưởng Nguyễn mạnh Hùng cho biết, Việt Nam đề xuất thành lập trang web để các quốc gia thuộc P4G, các tập đoàn, công ty có thể tiếp cận một cách thuận lợi và nhanh nhất thông tin về các công nghệ, kinh nghiệm trong chuyển đổi xanh.

Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi xanh

Tại phiên thảo luận, bà Hon Soipan Tuya, Bộ trưởng Quốc phòng Kenya nhấn mạnh vai trò của AI trong phát triển bền vững. Theo bà, trí tuệ nhân tạo có tiềm năng lớn trong nhiều lĩnh vực như tài chính, năng lượng, nông nghiệp, nhưng đặt ra thách thức như nguy cơ mất việc, thiếu an toàn dữ liệu và khoảng cách số.

Phát triển xanh, bền vững cần trở thành lối sống của từng người dân ảnh 3

Bà Hon Soipan Tuya, Bộ trưởng Quốc phòng Kenya nhấn mạnh vai trò của AI trong phát triển bền vững.

Bà cho rằng, để phát huy vai trò của AI trong phát triển xanh, các quốc gia cần đầu tư hạ tầng số, từ mạng Internet tốc độ cao, điện toán đám mây dễ tiếp cận, đến các trung tâm dữ liệu tại chỗ.

Chia sẻ công nghệ về môi trường và vệ sinh, Thứ trưởng Môi trường Nhật Bản Katsume Yasushi cho biết, các cơ sở xử lý rác thải thành năng lượng đóng vai trò quan trọng trong quản lý rác thải tại Nhật Bản vì chúng có thể xử lý hiệu quả khối lượng lớn rác thải và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.

Theo ông, công nghệ này không chỉ cải thiện vấn đề vệ sinh mà còn giảm phát thải khí nhà kính bằng cách tạo ra điện từ rác thải không cần thiết được sử dụng làm nhiên liệu và hạn chế phát thải khí mê-tan từ các bãi chôn lấp.

Ông Katsume Yasushi cũng cho biết, Nhật Bản đã thiết lập Cơ chế tín dụng chung, hay JCM, với 29 quốc gia đối tác theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris, nhằm thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững thông qua việc phổ biến các công nghệ này.

“Tại Việt Nam, chúng tôi đã lắp đặt một cơ sở xử lý rác thải thành năng lượng lớn với công nghệ của Nhật Bản tại tỉnh Bắc Ninh theo chương trình JCM. Chúng tôi cũng đã lắp đặt Johkasou tại Vịnh Hạ Long bằng nguồn viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản và với sự hợp tác của JICA, góp phần cải thiện môi trường nước tại địa phương, duy trì cảnh quan đẹp và phát triển ngành du lịch địa phương”, ông Katsume Yasushi cho hay.

Cũng tại phiên thảo luận, các nhà lãnh đạo đến từ các nước, các chuyên gia cũng tập trung thảo luận về ba trọng tâm: ứng dụng trí tuệ nhân tạo và số hóa trong giảm phát thải và tối ưu hóa tài nguyên; tăng cường hợp tác công-tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo; và giải pháp vượt qua rào cản về kỹ thuật, hạ tầng, an ninh dữ liệu trong quá trình chuyển đổi xanh.

Phát triển xanh, bền vững cần trở thành lối sống của từng người dân ảnh 4

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Phiên thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề: "Công nghệ đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh", trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư.

Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư diễn ra tại Hà Nội, với chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm" từ ngày 14 đến 17/4. Đây là sự kiện đa phương cấp cao lớn nhất về tăng trưởng xanh do Việt Nam đăng cai tổ chức trong giai đoạn 2021-2026.

Các hoạt động do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì tập trung vào vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh và tăng trưởng bền vững.

Với vai trò là cơ quan chủ trì ba hoạt động then chốt tại P4G 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục khẳng định vị thế trung tâm trong việc kết nối tri thức, công nghệ và sáng tạo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi xanh của Việt Nam.

Phát triển xanh, bền vững cần trở thành lối sống của từng người dân ảnh 5

Phiên thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề: "Công nghệ đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh". (Ảnh: DUY LINH)

Trước đó, diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm về Tăng trưởng xanh, giới thiệu các sáng kiến, công nghệ tiên tiến và mô hình khởi nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực xanh và Diễn đàn đối thoại chính sách với chủ đề "Khuyến khích đầu tư, kinh doanh và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và phát triển bền vững".

Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) được hình thành năm 2017 trên cơ sở sáng kiến của Chính phủ Đan Mạch, nhằm thúc đẩy hợp tác công-tư, kết nối Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị-xã hội để thúc đẩy tăng trưởng xanh và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Trọng tâm hợp tác của P4G hiện tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên, gồm: Giảm thất thoát và lãng phí lương thực; nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu; nguồn nước bền vững; năng lượng tái tạo và giao thông không phát thải.

Đến nay, Diễn đàn P4G có 12 quốc gia thành viên, bao gồm: Đan Mạch, Chile, Mexico, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Bangladesh, Indonesia và Nam Phi cùng với sự tham gia của hơn 90 quốc gia, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp. Hội nghị Thượng đỉnh là hoạt động quan trọng nhất của P4G, được tổ chức định kỳ hai năm một lần. Ba kỳ hội nghị trước đó được tổ chức tại Đan Mạch (2018), Hàn Quốc (2021) và Colombia (2023).

Nguồn: https://nhandan.vn/phat-trien-xanh-ben-vung-can-tro-thanh-loi-song-cua-tung-nguoi-dan-post873095.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm