Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quân sự thế giới hôm nay (18-4): Ai Cập sắp mua máy bay...

Quân sự thế giới hôm nay (18-4) gồm những nội dung sau: Ai Cập sắp mua máy bay chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc; Mỹ đầu tư khí cầu giám sát quân sự cố định; Ukraine thử nghiệm phương tiện không người lái mặt đất.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông18/04/2025

Ai Cập sắp mua máy bay chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc

Theo trang DefenceWeb, Ai Cập đang ở giai đoạn đàm phán cuối cùng với Hàn Quốc về kế hoạch mua khoảng 100 máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 Fighting Eagle. Thỏa thuận này không chỉ bao gồm nội dung chuyển giao công nghệ, mà còn cho phép lắp ráp phần lớn số máy bay trên ngay tại Ai Cập, nhằm hiện đại hóa lực lượng không quân và mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng của quốc gia Bắc Phi. Đây cũng được coi là bước tiến mới trong mối quan hệ hợp tác chiến lược ngày càng sâu rộng giữa Ai Cập và Hàn Quốc.

 Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 Fighting Eagle. Nguồn: KAI

Hồi tháng 3 vừa qua, Đại sứ Ai Cập tại Hàn Quốc Khaled Abdelrahman xác nhận trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin Yonhap rằng Cairo đang tiến sát tới việc ký kết hợp đồng với Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Hàn Quốc (KAI). Theo DefenceWeb, hợp đồng dự kiến bao gồm khoảng 100 máy bay FA-50, trong đó lô hàng đầu tiên gồm 36 chiếc, trị giá khoảng 1 tỷ USD. Khoảng 70 chiếc FA-50 còn lại sẽ được lắp ráp tại nhà máy Helwan của Ai Cập, theo thỏa thuận hợp tác ký kết năm 2023 giữa KAI và Tổ chức Công nghiệp hóa Ả Rập (AOI) — doanh nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước của Ai Cập.

FA-50 là dòng máy bay chiến đấu hạng nhẹ, có tỷ lệ linh kiện tương thích với tiêm kích F-16 lên tới 70%. Khi được chuyển giao, FA-50 sẽ chính thức thay thế các máy bay huấn luyện và tấn công Alpha Jet và K-8E đã cũ trong biên chế Không quân Ai Cập.

Thỏa thuận mua sắm FA-50 là bước đi mới nhất trong quá trình tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Ai Cập và Hàn Quốc. Năm 2016, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ký kết một thỏa thuận hợp tác mở rộng về quốc phòng và kinh tế, qua đó thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương. Sau thỏa thuận này, Ai Cập đã tiếp nhận một tàu hộ vệ lớp Pohang của Hàn Quốc vào năm 2017.

Đến năm 2023, Ai Cập tiếp tục ký hợp đồng mua 216 pháo tự hành K9 Thunder, một số lượng chưa xác định xe tiếp đạn K10, và 51 xe chỉ huy hỏa lực K11 với tổng trị giá 1,66 tỷ USD từ Tập đoàn Hanwha Defense của Hàn Quốc. 

FA-50 hiện là một trong những sản phẩm xuất khẩu thành công nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc nhờ khả năng tác chiến linh hoạt, chi phí hợp lý và hiệu quả vận hành cao. 

Mỹ đầu tư khí cầu giám sát quân sự cố định

Nhằm tăng cường năng lực nhận biết tình huống và thu thập thông tin trên chiến trường, Lục quân Mỹ vừa ký kết hợp đồng có giá trị lên tới 4,2 tỷ USD với QinetiQ US, doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp giám sát bằng khí cầu cố định (aerostat).

Khí cầu cố định được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động giám sát của Bộ An ninh Nội địa (DHS) và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP). Nguồn: Army Recognition

QinetiQ US sẽ đóng vai trò nhà thầu chính trong chương trình “Hệ thống khí cầu giám sát cố định” của Lục quân Mỹ, theo hợp đồng khung có thời hạn 10 năm. Ngoài việc cung cấp khí cầu giám sát, QinetiQ US sẽ đảm nhiệm việc tích hợp hệ thống, cung cấp thiết bị phụ trợ, hỗ trợ kỹ thuật, bảo đảm hậu cần, và vận hành khai thác trong suốt vòng đời của sản phẩm.

Khí cầu giám sát cố định được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả giúp Lục quân Mỹ duy trì khả năng quan sát, giám sát diện rộng trong thời gian dài, đặc biệt tại những khu vực có điều kiện tác chiến phức tạp. Theo đại diện QinetiQ US, các khí cầu giám sát cố định hiện tại có thể hoạt động liên tục tới 30 ngày ở độ cao khoảng 4.500m, trang bị hệ thống cảm biến quang điện tử/ảnh nhiệt (EO/IR), radar giám sát, thiết bị phát hiện đa chế độ và hệ thống truyền dữ liệu thời gian thực.

Ngoài khả năng quan sát ngày đêm, các khí cầu giám sát cố định có thể được tích hợp vào hệ thống mạng lưới chia sẻ thông tin chiến trường (PSDS2), giúp kết nối dữ liệu giữa khí cầu, thiết bị bay không người lái, hệ thống cảm biến mặt đất và chỉ huy, qua đó hỗ trợ các đơn vị quân đội Mỹ cũng như đối tác đồng minh tăng cường năng lực nhận biết tình huống, đặc biệt trong các chiến dịch phối hợp đa nhiệm và ở tại nhiều địa bàn tác chiến khác nhau.

Các chuyên gia quân sự đánh giá khí cầu giám sát là giải pháp lý tưởng cho nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, hộ tống đoàn xe, giám sát biên giới, và phát hiện sớm các mối đe dọa như thiết bị nổ tự chế (IED). Với chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với máy bay có người lái hoặc thiết bị bay không người lái tầm cao, khí cầu giám sát ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược bảo toàn lực lượng và kiểm soát các khu vực tác chiến của Lục quân Mỹ.

Ukraine thử nghiệm phương tiện không người lái mặt đất

Ukraine vừa thử nghiệm phương tiện không người lái mặt đất (UGV) lớn nhất từ trước đến nay, trong khuôn khổ sáng kiến công nghệ quốc phòng Brave1, với hơn 70 thiết bị UGV đến từ 50 nhà sản xuất trong nước tham gia.

Một phương tiện không người lái mặt đất (UGV) tham gia cuộc thử nghiệm. Ảnh: Army Recognition

Các phương tiện không người lái mặt đất đã thực hiện bài kiểm tra di chuyển trên hành trình dài 10km, qua nhiều địa hình phức tạp, nhằm đánh giá khả năng vận tải và hiệu suất hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt, bao gồm tác chiến điện tử với tần số liên tục thay đổi và tuyến đường không được đánh dấu sẵn.

Bên cạnh đó, cuộc thử nghiệm còn tập trung kiểm tra khả năng thông tin liên lạc và sự cơ động của UGV trong các nhiệm vụ tác chiến trên phạm vi rộng.

Theo kế hoạch, giai đoạn tiếp theo của sáng kiến Brave1 sẽ tập trung phát triển chiến thuật vận hành UGV trong các nhiệm vụ đảm bảo hậu cần, sơ tán thương binh, đồng thời thiết kế các biến thể UGV chiến đấu được tối ưu hỏa lực và khả năng cơ động.

Theo các chuyên gia quân sự, UGV có thể đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, từ trinh sát, tấn công chính xác đến vận chuyển mìn từ xa, rà phá bom mìn, hỗ trợ tiếp tế đạn dược, khí tài hoặc vận chuyển thuốc nổ. So với các phương tiện bay không người lái (UAV), UGV có ưu thế vượt trội về khả năng mang theo tải trọng lớn.

Đầu năm nay, Ukraine đã bắt đầu triển khai các đơn vị robot hóa chính thức tại một số lữ đoàn tiền tuyến nhằm giảm thiểu rủi ro cho binh sĩ trong các nhiệm vụ có mức độ nguy hiểm cao.

TRUNG THÀNH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn: https://baodaknong.vn/quan-su-the-gioi-hom-nay-18-4-ai-cap-sap-mua-may-bay-chien-dau-fa-50-cua-han-quoc-249784.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm