"Phun ở đâu thì vứt ngay tại đó"
Gia đình có 5 sào ruộng, bà Mai Thị Hà ở xóm Lộc Tiến, xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn cho biết: Mỗi vụ lúa, bà phun thuốc 6 đến 7 lần - từ diệt cỏ, phun phòng trừ lem lép hạt, đạo ôn, sâu cuốn lá.
“
“Mọi người cơ bản phun thuốc ở đâu thì vứt ngay tại đó, rác thải trôi được đi đâu thì trôi chứ cũng không để ý lắm, hầu như trôi theo mương nước. Thùng chứa rác trên đồng cũng có nhưng cách xa cả cây số nên không mấy ai đem lại thùng thu gom.
Bà Mai Thị Hà - xóm Lộc Tiến, xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn
Hầu hết nông dân phun xong ở đâu thì vứt rác ngay tại đó. Ảnh: Phú Hương
Những năm qua, trên địa bàn xã Thượng Tân Lộc đã được lắp đặt thùng chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi sử dụng, nhưng theo bà Nguyễn Thị Hiệp, cán bộ HTX Dịch vụ nông nghiệp xã thì người dân ít khi đưa bỏ rác vào thùng.
“Trung bình xứ đồng của 1 xóm được đặt 2 thùng, nhưng vì mỗi xứ đồng thường rất rộng nên khoảng cách khá xa, bởi vậy một số người dân sau khi phun thuốc xong sẽ thu gom vào túi nilon đưa về bỏ chung với rác sinh hoạt; nhưng chủ yếu bà con vứt luôn bao bì, vỏ chai thuốc ngay trên bờ ruộng, dưới kênh mương. Xã cũng tổ chức đi thu gom nhưng mỗi vụ chỉ làm một lần; rác thải sau khi được thu gom đều được đem đi cùng với rác thải sinh hoạt” - bà Hiệp cho biết.
Thường sau mỗi vụ sản xuất, xã Thượng Tân Lộc mới tổ chức thu gom rác thải thuốc BVTV trên đồng ruộng. Ảnh: Phú Hương
Trên các cánh đồng hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh vỏ chai, bao bì thuốc BVTV vứt vương vãi trên bờ ruộng, kênh mương, thậm chí ngay trên ruộng. Tình trạng này diễn ra rất phổ biến ở các địa phương trong tỉnh, nhất là vào những thời điểm mùa vụ, khi người dân sử dụng nhiều thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.
Trên cánh đồng rau xã Diễn Thịnh, thùng chứa rác thải thuốc BVTV được lắp đặt để ở cạnh các giếng nước tưới để bà con tiện sử dụng, trên hệ thống loa phát thanh và các cuộc họp dân cũng đều tuyên truyền, nhắc nhở rất nhiều nhưng một số người dân vẫn vứt bừa bãi ngay trên mương nước, lối đi và trên ruộng.
Rác thải thuốc BVTV được vứt dọc bờ ruộng tại cánh đồng màu xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu. Ảnh: Phú Hương
Trong khi đó, xã chỉ thu gom vào những đợt ra quân làm thuỷ lợi 1- 2 lần/năm rồi đem đi đốt. Bà Hoàng Thị Hà, Chi hội trưởng nông dân xóm Đức Hậu cho hay: “Rác thải bị vứt bừa bãi nhiều, nhất là vào những mùa sử dụng thuốc “cao điểm”, 1 tuần tôi phải đi thu gom một lần cho vào túi nilon, bỏ vào nơi tập kết rác thải sinh hoạt để xe hốt rác đưa đi luôn, còn những dịp ít sử dụng hơn thì vài ba tuần, thậm chí cả tháng”, bà cho hay.
Thực trạng đáng báo động
Bình quân mỗi năm, nông dân Nghệ An sử dụng từ 300- 400 tấn thuốc BVTV, và lượng bao bì, chai lọ thải ra môi trường cũng tương ứng, ước tính lên đến khoảng 25-30 tấn bao bì, vỏ chai thuốc các loại. Tuy nhiên trong đó, ngoài lượng rác thải được thu gom tại các bể chứa tập trung, vẫn còn khá phổ biến tình trạng người dân vứt bỏ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.
Nông dân xã Nghi Thuận (Nghi Lộc) vứt bỏ bao bì thuốc BVTV trên bờ ruộng trồng mướp đắng. Ảnh tư liệu: Phú Hương
Đây là thực trạng đáng báo động, cần có biện pháp xử lý kiên quyết bởi theo nghiên cứu, chỉ có hơn 40% lượng thuốc sau khi phun tiếp xúc trực tiếp với sâu bệnh hại và phát huy tác dụng, hơn 50% lượng thuốc còn lại bay vào không khí, tồn dư trong bao bì và bị rửa trôi theo nguồn nước chảy vào kênh mương, ao, hồ khi được vứt bừa bãi.
Không chỉ ngấm vào đất, nước, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt, ảnh hưởng đến chất lượng đất trồng, làm suy giảm hệ sinh thái; mà khi con người tiếp xúc trực tiếp với các chất độc hại từ bao bì hoặc gián tiếp qua thực phẩm, nước uống bị ô nhiễm có thể mắc các bệnh về da, hô hấp, thần kinh, thậm chí ung thư.
Nhiều thùng chứa rác thải BVTV bị hư hỏng, hầu như không phát huy tác dụng. Ảnh: Phú Hương
“
Hành vi không thu gom, để đúng nơi quy định bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 500.000 đồng và thẩm quyền xử phạt thuộc về Chủ tịch UBND cấp xã. Bởi vậy, vai trò của chính quyền địa phương trong tuyên truyền và đặc biệt là giám sát, kiểm tra, xử lý là hết sức quan trọng.
Ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh
.
ADQuảng cáo
Nguồn: https://baonghean.vn/rac-doc-bi-vut-bua-bai-tren-nhieu-canh-dong-o-nghe-an-10295273.html
Bình luận (0)