Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sáng tác mới cho thiếu nhi: Khát vọng đồng hành cùng trẻ thơ

Trong bối cảnh văn hóa đọc đang đối mặt với nhiều thách thức, văn học cho thiếu nhi Việt Nam vẫn ghi nhận những bước tiến đáng kể. Sự ra đời của nhiều tác phẩm mới, sáng tạo và giàu cảm xúc đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học dành cho lứa tuổi nhỏ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả nhí hiện nay.

Hà Nội MớiHà Nội Mới25/05/2025

thieu-nhi.jpg
Trẻ đọc sách thiếu nhi tại Phố sách Hà Nội (quận Hoàn Kiếm).

Dấu ấn đa dạng của tác giả Việt

Mùa hè năm nay đón chờ các em nhỏ bằng nhiều tác phẩm văn học mới, đa dạng, hấp dẫn, sáng tạo của đội ngũ tác giả Việt. Nổi bật nhất là mảng văn xuôi, truyện ngắn với sự vào cuộc sáng tạo của nhiều thế hệ tác giả từ 6X, 7X, 8X đến 9X…

Tác phẩm mới nhất dành cho thiếu nhi phải kể đến là “Tớ tên là Hy Vọng” của nhà văn kỳ cựu Y Ban, kể về hành trình sinh tồn của những đứa trẻ lạc trong rừng sâu, vượt qua nỗi đau và sợ hãi bằng hy vọng và niềm tin. “Cuốn cổ thư của một mẫu thần” của tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy là chuyện hai chị em Mai và Pu về quê ở với ông bà, tách rời khỏi điện thoại, máy tính bảng. Cùng bối cảnh, “Trang trại cuối rừng” của tác giả Phạm Công Luận mang đến chuyến phiêu lưu của hai cậu bé thành phố được ba mẹ cho về sống trọn vẹn một mùa hè tại một trang trại rộng lớn. Tác giả Đặng Ngọc Hưng lại đưa các em nhỏ trở về vài chục năm trước qua tập truyện ký “Khu tập thể đường tàu”. Trong khi đó, truyện dài “120 năm lưu lạc của rùa xám đen Hy Lạp” của tác giả Đặng Chương Ngạn là hành trình của một chú rùa suốt hơn một thế kỷ, qua nhiều vùng đất và chứng kiến những sự kiện lịch sử lớn của nhân loại.

Hai cuốn truyện của Dy Duyên “Từ những ruộng rau ở trang trại Cúc Cu” và “Những thứ bạn dùng để lấp đầy một cái hố” đều là những tác phẩm đặc sắc dành cho thiếu nhi. “Từ những ruộng rau ở trang trại Cúc Cu” mở ra vẻ đẹp “siêu thực” ở nông trại Cúc Cu. Còn “Những thứ bạn dùng để lấp đầy một cái hố” là tác phẩm kết hợp phần vẽ rất lý thú, đưa người đọc bước vào thế giới giả tưởng hấp dẫn...

Mảng thơ cũng có nhiều sáng tác mới thú vị, như tập thơ chứa đựng khát vọng gìn giữ dòng chảy tâm hồn Việt Nam - “À ơi” của tác giả Vũ Thị Thanh Tâm. Thơ và tranh minh họa hòa quyện vào nhau một cách nhịp nhàng, khiến toàn bộ tác phẩm như một bức tranh chi tiết của những giấc mơ thơ trẻ. “Có một Trái đất phẳng trong mắt em” của tác giả Lý Thăng Long là tập thơ cho thiếu nhi rất đặc biệt, giàu triết lý và suy tư, thể hiện tầm nhìn sâu sắc của người trẻ viết cho thế giới của trẻ em.

Mảng truyện tranh có “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá” của nghệ sĩ Quang Thảo và Comicola Studio. Tác phẩm về thuyền trưởng Sinbad và hành trình bảo vệ chân lý, tiêu diệt cái ác, nhắc nhở các em về tầm quan trọng của tình yêu thương và ý thức bảo vệ đại dương, môi trường sống của muôn loài. Đáng chú ý, tập truyện xuất phát từ chuỗi kịch “Ngày xửa ngày xưa” đã bán được hơn 14.000 vé…

Thêm không gian cổ vũ sáng tạo

Là đồng tác giả của “Chiếc xe buýt bay” - tác phẩm đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024, mảng sách thiếu nhi, tác giả Huỳnh Long chia sẻ, thời nay, trẻ em thường dùng thời gian rảnh để chơi game, hòa mình vào thế giới tưởng tượng trong game. Với mong muốn để trẻ em thấu hiểu tình yêu thương, khơi gợi trí tưởng tượng tốt lành qua văn học, cùng với sự quan tâm đến việc đọc sách của trẻ từ phụ huynh, tác giả Huỳnh Long vẫn tiếp tục dấn thân.

Theo sát văn học cho thiếu nhi nhiều năm qua, nhà văn Văn Thành Lê (Nhà Xuất bản Kim Đồng) cho rằng, văn xuôi với những tác phẩm mới của tác giả trẻ như Dy Duyên, Lạc An... đang tạo sự chuyển mình cho mảng sáng tạo này. “Cảm giác một thế hệ nghĩ khác, viết khác, mới hơn, gần với văn học thiếu nhi thế giới hơn đã hiển hiện”, nhà văn Văn Thành Lê nhận định.

Em Vũ Khánh My (10 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: “Em thích đọc truyện phiêu lưu, kỳ ảo hoặc về các loài vật có năng lực siêu nhiên. Em cũng muốn tìm hiểu về tuổi thơ thời trước như những gì bố mẹ hay kể, qua sách, truyện”. Nhà văn Thái Chí Thanh, Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam) cho rằng, tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi phải chú trọng trước hết ở tính nhân văn, sự hồn nhiên nhằm tạo sự hấp dẫn. Để phù hợp với đối tượng độc giả hiện nay, văn học viết cho lứa tuổi này phải đổi mới, thâm nhập các đề tài thiên về siêu thực... thay vì dừng ở các hình tượng mặt trăng, mặt trời, con mèo, quả na… đơn điệu.

Đáng mừng là cùng với các giải thưởng văn học thiếu nhi được tổ chức như: Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn (Báo Thể thao & Văn hóa), Giải thưởng Văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam), Giải thưởng Văn học Kim Đồng (Nhà Xuất bản Kim Đồng)…; đón mùa hè này, Hội đồng Văn học thiếu nhi cùng với Báo Thiếu niên và Nhi đồng ra mắt ấn phẩm chuyên đề “Văn học thiếu nhi” số 1. Trong đó vừa có sáng tác của các nhà văn viết cho thiếu nhi quen biết, vừa có những sáng tác của các cây bút đang sung sức và các em thiếu nhi khắp mọi miền đất nước. Ngoài ra, ấn phẩm còn có những bài lý luận phê bình về văn học thiếu nhi, hội họa, âm nhạc trẻ em, tranh minh họa của các họa sĩ nổi tiếng và của các em thiếu nhi…

Với nhiều không gian cổ vũ như thế, văn học cho thiếu nhi sẽ có động lực để phát triển, tiếp tục đồng hành, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ Việt Nam.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/sang-tac-moi-cho-thieu-nhi-khat-vong-dong-hanh-cung-tre-tho-703407.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm