Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sở hữu trí tuệ Động lực nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo đang trở thành yếu tố then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Báo Bà Rịa - Vũng TàuBáo Bà Rịa - Vũng Tàu26/04/2025

Bảo vệ tài sản trí tuệ

Công ty CP KH-CN Việt Nam (Busadco) thành lập năm 2007, chuyên nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, dịch vụ KH-CN trong lĩnh vực xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn; bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Công trình KH-CN bờ kè bảo vệ hồ Võ Thị Sáu (TP. Vũng Tàu) của Công ty BUSADCO đã được đăng ký bằng độc quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp.
Công trình KH-CN bờ kè bảo vệ hồ Võ Thị Sáu (TP. Vũng Tàu) của Công ty BUSADCO đã được đăng ký bằng độc quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp.

Đến tháng 3/2025, Busadco đã nghiên cứu và cho ra đời 101 sản phẩm KH-CN được Sở KH-CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận. Các sản phẩm này được ứng dụng thực tiễn và thương mại hóa, đạt hiệu quả cao. Hiện sản phẩm của công ty đã được ứng dụng rộng rãi tại 52/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó 19 tỉnh đã ban hành chủ trương cho phép áp dụng sản phẩm tại địa phương. Doanh thu bình quân hằng năm của công ty đạt gần 400 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ hoạt động KH-CN chiếm khoảng 75%.

Busadco đã ký kết hơn 2.200 hợp đồng trong và ngoài nước để ứng dụng sản phẩm KH-CN vào các lĩnh vực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu (như bờ kè lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển); hạ tầng kỹ thuật (hào kỹ thuật ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật đô thị, hố ga thu nước mưa và ngăn mùi, sản phẩm kênh mương nội đồng...); bảo vệ môi trường (bể phốt bảo vệ môi trường, cụm tời nạo vét cống rãnh thoát nước đô thị); nhà lắp ghép bê tông cốt sợi phi kim...

Ông Hoàng Đức Thảo, Tổng Giám đốc Busadco, cho biết: Là một doanh nghiệp KH-CN, hầu hết sản phẩm của công ty được hình thành từ các sáng kiến công nghệ, kiểu dáng công nghiệp, mẫu mã mới và giải pháp hữu ích nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đây chính là lợi thế cạnh tranh nên công ty đặc biệt chú trọng công tác đăng ký, bảo hộ tài sản trí tuệ để chống bị đánh cắp mẫu mã, hàng gian, hàng giả, mất hợp đồng...

Đến nay, sản phẩm của Busadco đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 88 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích; 242 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và 126 quyết định đang chờ cấp bằng.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo Sở KH-CN, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh luôn xác định sở hữu trí tuệ là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư chất lượng cao và kích hoạt mạnh mẽ tinh thần sáng tạo trong toàn xã hội.

Các sản phẩm từ mật ong của Công ty Kim Trúc Plus (TX.Phú Mỹ) nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính sách khởi nghiệp của Sở KH-CN và Sở Công Thương BR-VT.
Các sản phẩm từ mật ong của Công ty Kim Trúc Plus (TX. Phú Mỹ) nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính sách khởi nghiệp của Sở KH-CN và Sở Công Thương BR-VT, để phát triển nhãn hiệu.

Tỉnh đã và đang triển khai nhiều chủ trương, chính sách lớn về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển KH-CN. Trong đó, xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ được xác định là giải pháp căn cơ, góp phần hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đồng bộ, gắn kết và bền vững.

UBND và HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sở hữu trí tuệ, như: Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; các nghị quyết hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, giống cây trồng mới; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo...

Các chính sách hỗ trợ được triển khai đồng bộ đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Hoạt động hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ được đẩy mạnh, số lượng đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ tăng đều hằng năm.

Cụ thể, trong năm 2024, tỉnh ghi nhận 409 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ (gồm 15 đơn sáng chế, 8 đơn giải pháp hữu ích, 26 đơn kiểu dáng công nghiệp và 360 đơn nhãn hiệu), tăng 58,8% so với mức trung bình hằng năm giai đoạn 2018–2022 (bình quân 255 đơn/năm).

Năm 2024, tỉnh cũng được Bộ KH-CN xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về chỉ số PII (Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương), tăng 3 bậc so với năm 2023.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kỳ, Phó Giám đốc Sở KH-CN, sự phát triển hiện nay vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm nhãn hiệu, trong khi đó các tài sản trí tuệ có hàm lượng công nghệ cao như sáng chế, giải pháp hữu ích và khả năng thương mại hóa còn khiêm tốn.

Hiện mỗi năm tỉnh chỉ có khoảng 15-20 đơn sáng chế và giải pháp hữu ích. Con số này dù đã tăng so với trước, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và định hướng phát triển trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo mà tỉnh đang hướng tới.

Bài, ảnh: NGỌC MINH

Nguồn: https://baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202504/so-huu-tri-tue-dong-luc-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-1040961/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm