Kỹ thuật in cyanotype phương Tây trên chất liệu lụa tạo ra những tác phẩm vừa mang tính hoài niệm, vừa sang trọng, tinh tế. Ảnh: H.L |
Hành trình miệt mài từ Bắc vào Nam
Nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc chia sẻ, để có được bộ sưu tập hoàn chỉnh, anh dành thời gian thử nghiệm trên nhiều chất liệu lụa khác nhau, từ lụa tơ tằm, lụa organza đến lụa satin và nhận ra mỗi chất liệu đều mang đến hiệu ứng thị giác riêng biệt. Theo anh, lụa - chất liệu vải truyền thống của Việt Nam vừa thân thuộc, vừa thanh lịch, do đó, việc áp dụng kỹ thuật in thủ công hoặc tích hợp các họa tiết di sản mà không ảnh hưởng đến tính mỏng nhẹ, óng ánh của lụa là thách thức đòi hỏi sự cẩn trọng và kỹ thuật vững của người nghệ sĩ.
Trên nền lụa trắng ngà óng ánh, các họa tiết di sản được nghệ sĩ Phạm Ngọc Tuấn khắc họa bằng kỹ thuật cyanotype “Prussian blue” để tạo nên những tác phẩm vừa mang tính hoài niệm, vừa sang trọng, tinh tế. Màu xanh đặc trưng cyanotype hòa quyện với độ mềm mại của lụa tạo ra hiệu ứng thị giác huyền ảo, riêng biệt. Chia sẻ với khán giả chương trình nghệ thuật, nam nghệ sĩ cho rằng kỹ thuật in này có thể áp dụng trên nhiều chất liệu vải như cotton, lanh, viscose hay lụa…
Tuy nhiên, đẹp nhất vẫn là lụa vì chất liệu có độ trong suốt, bề mặt óng ánh tự nhiên, giúp phản chiếu ánh sáng và làm nổi bật các họa tiết in cyanotype. “Lụa có khả năng hấp thụ màu sắc theo cách riêng, nơi mà mỗi nếp gấp hay ánh sáng chiếu vào đều có thể tạo ra những màu sắc khác nhau, khiến tác phẩm trở nên sống động”, anh nói.
Khởi nguồn từ năm 2019, dự án nghệ thuật “Soi mây tạc lụa” đã trải qua hơn 100 lần thử nghiệm, trong đó có hơn 20 lần thử nghiệm kỹ thuật in cyanotype và hơn 20 lần thử nghiệm chất liệu vải. Đây được đánh giá là hành trình miệt mài từ Bắc vào Nam của nhóm tác giả để thể hiện trọn vẹn tinh thần nghệ thuật độc đáo: sự hòa quyện giữa cứng và mềm, phương Đông và phương Tây, truyền thống và hiện đại.
Đưa nghệ thuật thủ công lên tầm cao mới
Quá trình in cyanotype trên lụa đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn. Đầu tiên, nghệ sĩ phải chuẩn bị dung dịch nhạy sáng, quét đều lên bề mặt lụa và để khô trong bóng tối. Sau đó, các họa tiết được sắp xếp lên mặt vải, trước khi đem phơi dưới ánh mặt trời. Ánh sáng sẽ kích hoạt phản ứng hóa học khiến vùng không che phủ chuyển sang màu xanh lam đậm. Sau khi rửa bằng nước, các họa tiết sẽ hiện lên dưới những sắc độ khác nhau, tạo nên hiệu ứng thị giác mơ màng, đầy chất thơ. Từ quá trình thử nghiệm, nhóm nghệ sĩ đúc kết tụa tơ tằm có độ mềm mại, sóng sánh, giúp hình ảnh loang màu tự nhiên, trong khi lụa organza tạo hiệu ứng trong suốt, giúp tác phẩm huyền ảo hơn dưới ánh sáng.
Sáng lập thương hiệu thời trang La Phạm tại Việt Nam sau hơn 20 năm định cư, lập nghiệp ở Thụy Sĩ, nhà thiết kế Phạm Ngọc Anh chọn thời trang bền vững để phát triển sự nghiệp. Với chị, cyanotype không dừng ở nghệ thuật in ấn mà còn là chất liệu để sáng tạo thời trang.
Trong bộ sưu tập “Mộng thiên chương”, chị đã thử nghiệm in cyanotype lên vải lụa để tạo nên những bộ trang phục mang phong cách giao thoa giữa cổ điển và hiện đại. Chị cho biết, màu xanh của cyanotype có sự biến đổi kỳ diệu dưới ánh sáng, khi kết hợp với phom dáng của áo dài, váy dạ hội hay áo choàng, nó đã tạo ra vẻ đẹp rất riêng, vừa hoài niệm vừa mới lạ. Khi người mẫu cử động, khán giả sẽ cảm thấy bức hình như chuyển động theo. Bên cạnh thiết kế mang tính trình diễn, Phạm Ngọc Anh hướng đến việc ứng dụng kỹ thuật này vào sản xuất trang phục đời thường, như in trên khăn lụa, áo sơ mi, phụ kiện…
Nhiều ý kiến cho rằng, sự kiện nghệ thuật lần này là sự cộng hưởng đầy cảm hứng giữa văn hóa phương Đông - kỹ thuật in ấn phương Tây và được nhóm nghệ sĩ khéo léo thể hiện qua những họa tiết di sản Việt Nam trên chất liệu lụa. Chưa kể, việc sử dụng kỹ thuật in cyanotype trên lụa thể hiện tinh thần đổi mới trong sáng tạo, qua đó đưa nghệ thuật thủ công Việt Nam lên tầm cao mới.
Được biết, cyanotype có lịch sử hơn 180 năm tại phương Tây, nhưng khi in trên nền lụa Việt, nó lại mang một sắc thái hoàn toàn mới: mềm mại, uyển chuyển và mang đậm dấu ấn Á Đông. Theo nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc, nghệ thuật luôn cần sự đổi mới, sáng tạo và anh tin sự kết hợp lần này sẽ mở ra tiềm năng mới cho lụa Việt trong nghệ thuật và thời trang toàn cầu.
HUỲNH LÊ
Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202504/soi-may-tac-lua-4003219/
Bình luận (0)