Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sắc hoa của tấm lòng

Giữa những mênh mông đời sống, người làm thơ bao giờ cũng chiếm lĩnh cho mình những lát cắt đặc biệt của cảm xúc. Thơ từ ấy rung lên, cất cánh và rồi khẳng định được sứ mệnh của mình trong việc nâng đỡ tâm hồn con người, “khơi cho ta những tình cảm mà ta chưa có và luyện cho ta những tình cảm mà ta sẵn có”. Tập thơ “Đêm hoa vàng” của nhà thơ Bình Nguyên Trang là một xác tín sâu sắc cho giá trị tinh thần ấy mà thơ ca đích thực mang lại.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng05/04/2025

Được bình chọn là một trong mười cuốn sách tiêu biểu của năm 2024 và được trao tặng giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội. Tập thơ “Đêm hoa vàng” (NXB Hội Nhà văn) đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng của một nữ nhà thơ gắn liền với ký ức của những thế hệ 7X, 8X sau nhiều năm vắng bóng. Khoảng lặng sáng tạo ấy đã khiến cho ngòi bút của chị đằm sâu hơn, giàu suy nghiệm hơn. Để rồi, mỗi ý thơ, tình thơ trong “Đêm hoa vàng” cứ gần gũi với người đọc, đánh thức những cảm xúc bình dị mà sâu thẳm, đời thường nhưng mang tính nhân bản sâu sắc.

Đọc tập thơ, người đọc lắng sâu trong những cung bậc cảm xúc muôn thuở của tình yêu nhưng được tác giả thể hiện qua những cách lập tứ và dụng ngôn mới mẻ, in đậm dấu ấn chủ quan của Bình Nguyên Trang.

Tình yêu đối với chủ thể chính là miền sâu thẳm, nơi khởi nguồn cho muôn vàn con sóng. Những con sóng ấy chính là những biểu tượng sinh động cho tấm lòng của người phụ nữ: “Trôi lướt trên mặt biển/ tôi rộn ràng làm sóng/ một tình yêu rượt đuổi sau lưng/ tôi rượt đuổi tình yêu trước mặt/ tôi làm nên trò chơi cút bắt/ cho đến lúc vỡ toang mặt trời/ vỡ toang cả mặt trăng đáy nước”.

Không gian của tình yêu trong những bài thơ tình của chị được nới rộng, có chân trời, có dòng sông, có sương mai - những ẩn dụ hết sức tinh tế cho sự bao dung của chủ thể, dẫu chủ thể đã tự nhận: “Em mang về mỗi ngày một nỗi buồn/ như cái cây mọc lên trên tháng năm cằn cỗi/ ngôi nhà của chúng ta ở phía chân trời/ mùa nối mùa gió thổi”. Cách nói đặc biệt ấy khiến cho nỗi buồn thơ mênh mang trên những lối thơ “Đêm hoa vàng”.

Nỗi buồn là yếu tính của cuộc đời và cũng là nguồn cội sâu thẳm để tấm lòng thổ lộ thành thơ. Xúc cảm ấy khiến cho chủ thể phải luôn thao thức, truy vấn và khẳng định với chính mình về lẽ sống cao cả, nguyện ước hy sinh, sự thủy chung cùng tận, những dự cảm, khắc khoải và cả những phản tỉnh mà không phải ai cũng thành thực nhận ra và tự bộc bạch: “Và tháng Tám còn xanh vòm lá nhỏ/ tôi còn ngồi khấn nguyện trước ngày xa/ tôi còn nợ chính tôi lời sám hối/ của một tình yêu đã huyệt mộ trước hiên nhà”.

Bình Nguyên Trang là nhà thơ của những xôn xao hoài niệm sâu thẳm. Trong không khí thơ sâu lắng của nhiều cung bậc cảm xúc, tác giả cũng đã mang đến cho người đọc những trải nghiệm, những trông nhìn sâu hơn về quá khứ, về tuổi trẻ, về quê hương. Sự nhạy cảm thời gian và khắc khoải xa vắng của chủ thể cứ chạm sâu vào lòng người đọc, khiến người đọc thấy rõ những câu chuyện của chính mình trong thi giới.

Thực tại dù thế nào thì sự thao thức về quá khứ luôn khiến cho mỗi người cảm nhận được hơi ấm từ bao điều cũ xưa. Không gian của những hoài niệm cứ thế gợi về: “Có thể một sáng nào thức dậy/ giấc mơ ngày xưa theo gió quay về/ ngoài khung cửa trời xanh màu quá khứ/ và tim ta náo nức mùa hè”. Càng hồi tưởng, chủ thể càng suy nghiệm ra những lẽ điều sâu sắc về tuổi trẻ đã qua. Và rồi, phía sâu trong những day dứt, nỗi buồn, giấc mộng, xa vợi, hoang hoải lại ăm ắp đầy. Sau tất cả là những dặn lòng của một bản lĩnh thơ đã dấn thân vào tầng sâu nỗi buồn rồi tự mình bước ra: “Ta buồn quá nhưng xin đừng khóc nhé/ ve đã than lạc giọng mất rồi/ thuyền đã mất dấu buồm, sông đã vội/ về xa kia đâu biết lở bồi”.

“Đêm hoa vàng” mang đến những khoảng lặng đặc biệt. Những bài thơ khởi phát mạnh mẽ từ chiêm nghiệm nhân sinh. Chủ thể thơ khi trải qua nhiều thăng trầm của đời sống, có nhiều phản tỉnh về thực tại, về con người và phẩm tính thì những ý thơ càng trở nên sâu sắc. Trang thơ ám gợi mỗi người về những rung cảm mới của chính tác giả trước hiện thực. Chiều kích của những thông điệp tinh thần cứ thế được nới rộng và đó chính là chỗ dựa tinh thần cho chủ thể thơ sau mọi cảnh huống đa sắc cuộc đời.

Thơ Bình Nguyên Trang luôn đi sâu vào việc phác thảo hình tượng mẹ. Mẹ luôn trở đi trở lại trong thơ chị từ trước đến nay và trở thành ám ảnh nghệ thuật. Trong “Đêm hoa vàng” cũng không ngoại lệ nhưng tác giả lại mang tới những rung cảm mới, ám gợi hơn, khiến người đọc hiểu thêm những giá trị muôn thuở.

“Đoản khúc dâng mẹ” chính là bài thơ đặc biệt, kết cấu theo lối thơ dài, ý nghĩ trải rộng, khắc sâu vào người đọc những xúc cảm mạnh mẽ về mẹ, từ thấu hiểu đến cảm động và rồi cả những day dứt về đạo làm con ở đời: “Tôi có đi chùa và có cầu kinh/ chùa trong tâm tôi và kinh - lời mẹ/ tôi biết đời này không gì hơn thế/ từ mẹ bước ra để được làm Người/ mẹ dạy thế gian nhiều khóc lắm cười/ mẹ dạy có khi một mình - phải sống/ mẹ dạy có khi một mình – phải cười/ cầm lấy nỗi đau như ngọc mà chơi…”.

“Đêm hoa vàng” của Bình Nguyên Trang đã đem đến cho người đọc những rung cảm sâu sắc và cả những thông điệp tinh thần cao cả về lẽ sống. Giữa mênh mông kia, người thơ đã bản lĩnh dấn thân để rồi chưng cất lại những giá trị muôn thuở cho đời sống. Tấm lòng của người thơ cứ thế đổ bóng vào trang sách, vẫy gọi người đọc đồng hành, thấu hiểu từ đó làm giàu hơn đời sống tâm hồn.

TRẦN VIỆT HOÀNG

Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202504/sac-hoa-cua-tam-long-4003224/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm