Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn) |
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân, doanh nghiệp cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tình hình kinh tế xã hội nước ta năm 2024 tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng; hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu (trong đó vượt 12 chỉ tiêu); các nhận định, đánh giá bám sát, thể hiện sự thống nhất với các kết quả đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 và Kỳ họp bất thường thứ 9 đầu năm 2025. Nhìn chung, tình hình kinh tế xã hội đã phục hồi nhanh, rõ nét hơn, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn.
Về tình hình triển khai kế hoạch năm 2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật tiếp tục được quan tâm, tập trung chỉ đạo. Tăng trưởng được thúc đẩy, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy được triển khai quyết liệt, bám sát chỉ đạo, yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị. Tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực, chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm trong năm 2025. Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tiếp tục được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an sinh xã hội, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền… được chú trọng, quan tâm. Tiến độ triển khai quy hoạch được đẩy nhanh; liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng tiếp tục được thúc đẩy.
Tuy nhiên, tăng trưởng GDP Quý I vẫn thấp hơn kịch bản theo Kết luận số 123-KL/TW (7,7%) do thế giới biến động rất phức tạp, khó lường, trong khi thời gian thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên chưa nhiều, đồng thời triển khai các nhiệm vụ quan trọng về sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Các động lực tăng trưởng nguy cơ bị suy yếu; nguồn lực tài nguyên, khoáng sản chưa được khai thác hiệu quả. Việc hoàn thiện thể chế, pháp luật dù được quan tâm, chỉ đạo, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính chậm được sửa đổi, còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm.
Các đại biểu cũng cho rằng, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu, đánh giá đúng thực tế để có phản ứng chính sách kịp thời, nhất là trong bối cảnh xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ diễn biến phức tạp.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho biết, các kết quả này được đánh giá là tích cực trong điều kiện bình thường, tuy nhiên, hiện nay tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và khó lường với nhiều biến động đột ngột, tiêu biểu là việc Mỹ áp mức thuế đối ứng rất cao, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Theo đại biểu, tình hình cạnh tranh trên thị trường hàng hóa đang diễn ra hết sức gay gắt. Do đó, việc tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu và kiểm soát chặt chẽ nhãn mác hàng hóa trở thành một yêu cầu cấp bách, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những giải pháp hiệu quả và kịp thời.
Ý kiến phát biểu của các đại biểu cũng cho rằng, với những biến động mạnh hiện tại, dự kiến nhiều doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn trong thời gian tới. Việc xem xét và triển khai các chính sách tài khóa mở rộng, đi kèm với các biện pháp hỗ trợ kịp thời và thiết thực cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn là vô cùng cần thiết.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho biết, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng hiện đang ở mức thấp. Để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đại biểu đề xuất xem xét giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong sáu tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026. Ngoài ra, việc giãn thời gian áp dụng đối với một số sắc thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân cũng là những giải pháp cần được cân nhắc nhằm kích cầu tiêu dùng một cách hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn) |
Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại phiên họp, đồng thời đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, gửi ý kiến để Ủy ban Kinh tế và Tài chính tiếp thu, tổng hợp.
Nhấn mạnh kinh tế tài chính là vấn đề hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị các bộ, ngành tiếp tục làm rõ thêm thông tin về các nội dung đã được nêu để hoàn thiện hồ sơ báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/tang-cuong-ho-tro-doanh-nghiep-dam-bao-an-sinh-truoc-bien-dong-kinh-te-toan-cau-212764.html
Bình luận (0)