Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng cường phòng, chống thời tiết cực đoan

Đầu mùa mưa năm 2025, tình hình thời tiết được dự báo sẽ diễn biến phức tạp với các hiện tượng cực đoan. Do đó, UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền biện pháp ứng phó mưa giông kèm lốc, sét, mưa đá và sạt lở, nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Báo An GiangBáo An Giang01/05/2025

Chủ động ứng phó hiện tượng sạt lở đất trong mùa mưa

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, mùa mưa năm 2025 có khả năng bắt đầu cuối tháng 4. Tổng lượng mưa tháng 4/2025 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 5 - 10%; tháng 5 - 6/2025 cao hơn TBNN khoảng 5 - 15%; tháng 7 - 9/2025 xấp xỉ TBNN. Dự báo, tháng 6 - 8/2025 là thời kỳ mùa mưa, tuy nhiên khả năng sẽ có 2 - 3 đợt giảm mưa xảy ra trong tháng 6, khoảng cuối tháng 8 đến đầu tháng 9/2025.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến của thời tiết cực đoan, kịp thời thông tin, tuyên truyền đến các cấp chính quyền, người dân chủ động ứng phó phù hợp. Trong đó, đặc biệt đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như: Giông, sét, lốc, mưa đá, mưa lớn diện rộng, mưa lớn cục bộ, nhất là trong thời kỳ chuyển mùa (khoảng tuần cuối tháng 4) và các tháng đầu mùa mưa 2025.

Bên cạnh đó, cần tổ chức thực hiện, chỉ đạo cấp xã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gia cố, chằng chống, tu sửa nhà ở, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, công trình công cộng để tăng độ vững chắc; cắt tỉa cây xanh, cây to có nguy cơ đổ ngã; kiểm tra biển hiệu, pa-nô, biển quảng cáo có khả năng mất an toàn thuộc phạm vi quản lý. Song song đó, cần chủ động triển khai biện pháp ứng phó mưa, giông, lốc, sét có nguy cơ gây thiệt hại tính mạng, tài sản người dân, tài sản của Nhà nước.

Ngành chuyên môn, địa phương tổ chức rà soát, xác định khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực sườn núi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá núi, khu vực cảnh báo sạt lở đất bờ sông, kênh rạch đặc biệt nguy hiểm nằm trong cảnh báo của Sở Nông nghiệp và Môi trường; chủ động phương án di dời người, tài sản ra khỏi nơi có nguy cơ. Đối với những nơi chưa đủ điều kiện di dời ngay, địa phương phải có phương án chủ động sơ tán, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. 

UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm quy định pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai. Trong đó, phải nghiêm cấm các hành vi: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự ý đào đất lòng kênh, đê bao để đắp mặt bằng, sân, nhà ở; xây dựng công trình, vật kiến trúc lấn chiếm phạm vi bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, đê điều, công trình thủy lợi gây cản trở dòng chảy, tăng nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở…

Các cơ quan truyền thông (Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, hệ thống truyền thanh cấp huyện và cấp cơ sở) đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết, biện pháp ứng phó mưa, giông kèm lốc, sét, mưa đá, sạt lở đất. Đồng thời, nêu cao tinh thần chủ động của người dân trong việc gia cố, chằng chống nhà cửa trước mùa mưa bão, không vi phạm quy định pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin thời tiết trên phương tiện truyền thông, chấp hành cảnh báo, yêu cầu của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương.

Các sở, ban, ngành tỉnh và thành viên Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh, chủ tịch UBND cấp huyện, cơ quan liên quan tuyên truyền về các biện pháp ứng phó mưa giông kèm lốc, sét, mưa đá và sạt lở năm 2025, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, của Nhà nước.

MINH QUÂN

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/tang-cuong-phong-chong-thoi-tiet-cuc-doan-a419986.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm