Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng kết nối vùng từ dự án giao thông

Nằm ở vị trí quan trọng trong khu vực Tây Nguyên, trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, xem đây là “chìa khóa” trong thu hút đầu tư, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, sắp tới khi sáp nhập địa giới hành chính thì phát triển hạ tầng giao thông lại càng cần được ưu tiên...

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk18/04/2025

Hiện nay, giao thông đường bộ chiếm đến 95% tỷ trọng vận chuyển hàng hóa và hành khách ở Đắk Lắk. Do đó, những năm qua, các dự án quan trọng phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng, khu vực đã được phê duyệt và triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, hai công trình trọng điểm quốc gia qua địa bàn tỉnh đang được tập trung mọi nguồn lực triển khai và phấn đấu hoàn thành trong năm nay gồm Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột và Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột.

Trong đó, tuyến tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột hoàn thành sẽ góp phần giảm mật độ phương tiện giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tăng năng lực thông hành và giảm thiểu tai nạn giao thông. Dự án thành phần 3 nói riêng, Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột nói chung khi hoàn thành không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa và vùng lân cận mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và khai thác tiềm năng du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên.

Thi công tại vị trí nút giao cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột.

Nhằm tăng tính kết nối hai dự án giao thông trọng điểm này, mới đây, tỉnh Đắk Lắk có kiến nghị điều chỉnh nút giao cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột CT.02 (nút giao cuối tuyến tại Km117+593). Bởi theo thiết kế ban đầu, nút giao CT.02 chỉ đáp ứng việc kết nối giữa tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột. Trong khi đó, hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang triển khai các thủ tục liên quan để thực hiện Dự án kết nối đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột. Việc điều chỉnh nút giao này dự kiến phát sinh chi phí khoảng 172 tỷ đồng so với thiết kế được duyệt, được sử dụng từ chi phí dự phòng của dự án cao tốc.

Trước đó, tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi bộ, ngành liên quan đề xuất đầu tư xây dựng đường giao thông kết nối điểm cuối cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột với đường Đông Tây, dự kiến tổng mức khoảng 1.500 tỷ đồng. Theo UBND tỉnh, dự án này đã cập nhật vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 và đã có trong Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1747/QĐ-TTg, ngày 30/12/2023. Tổng chiều dài tuyến khoảng 5 km, đi qua xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc) và xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột). Điểm đầu giao với điểm cuối cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, điểm cuối giao với nút giao đường Đông Tây và Quốc lộ 27.

Theo Giám đốc Sở Tài chính Võ Ngọc Tuyên, dự án này được triển khai sẽ góp phần kết nối đồng bộ, khép kín giữa hệ thống giao thông đối ngoại (đường cao tốc Bắc Nam phía Tây, đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Quốc lộ 27) với mạng lưới giao thông đô thị TP. Buôn Ma Thuột. Mặt khác, tăng khả năng kết nối, khai thác hiệu quả Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột; tạo điều kiện cho địa phương tiếp tục hoàn thiện kết nối hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với chủ trương sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh theo hướng Đông - Tây, làm sao để các địa phương vừa có biển vừa có rừng, theo Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khóa XIII), tỉnh Đắk Lắk dự kiến sẽ hợp nhất với tỉnh Phú Yên, lấy tên tỉnh là Đắk Lắk.

Việc đề xuất hợp nhất hai tỉnh mở ra cơ hội kết nối một vùng kinh tế nông nghiệp, với các loại cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk với địa phương có thế mạnh về kinh tế biển như Phú Yên. Hiện nay, Quốc lộ 29 là tuyến đường kết nối giữa tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên, hiện trạng có nhiều đoạn mặt đường hẹp, kết cấu mặt đường chủ yếu là bê tông nhựa, được đầu tư đưa vào sử dụng đã lâu. Do vậy, hai địa phương thống nhất kiến nghị Trung ương xem xét cho chủ trương nâng cấp tuyến đường này để phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân, tăng kết nối hai nền kinh tế rừng – biển.

Quốc lộ 29 đoạn qua Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, tỉnh Đắk Lắk.

Tuyến đường này có chiều dài 293 km, điểm đầu tại cảng Vũng Rô (tỉnh Phú Yên), điểm cuối tại Cửa khẩu Đắk Ruê (tỉnh Đắk Lắk). Đây là tuyến kết nối khu vực Duyên hải miền Trung (Phú Yên) với Tây Nguyên (Đắk Lắk); kết nối cảng biển, cảng cạn, cảng hàng không, đường sắt, cửa khẩu liên thông khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

Dự án nâng cấp Quốc lộ 29 có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kết nối giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương. Theo đó, hai tỉnh thống nhất kiến nghị nâng cấp tuyến đường này nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại, thông thương hàng hóa. Theo đó, phương án được định hướng là đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn từ Km31+300 (giao Quốc lộ 1, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đến điểm giao Quốc lộ 14 (tại Km178+062, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk), với tổng chiều dài tuyến gần 147 km. Quy mô đầu tư đường cấp III, vận tốc thiết kế 60 – 80 km/giờ, 4 làn xe, nền đường rộng 20,5 m.

Năm 2025 là một năm quan trọng, mang ý nghĩa chiến lược đối với ngành giao thông nói riêng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Đắk Lắk nói chung. Do vậy, hoàn thành các dự án giao thông đang triển khai và triển khai các dự án mới sẽ góp phần tăng kết nối khu vực cửa ngõ và các tỉnh lân cận, tạo "cú hích" cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn: https://baodaklak.vn/tin-noi-bat/202504/tang-ket-noi-vung-tu-du-an-giao-thong-08d170b/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm