Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tạo đà phát triển tỉnh từ những công trình được khởi công, khánh thành dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam

BDK.VN - Trong không khí kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025); 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bến Tre (1-5-1975 - 1-5-2025), tỉnh đã khởi công, khánh thành nhiều công trình, dự án. Chuỗi sự kiện khơi dậy tinh thần phấn khởi cho các cán bộ, đảng viên, người dân nỗ lực hơn trong năm 2025 - năm tăng tốc, bứt phá về đích để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, phấn đấu đạt tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực để đạt mức tăng trưởng 2 con số trong những năm tới.

Báo Bến TreBáo Bến Tre01/05/2025

1. Khánh thành công trình Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh

Ngày 17-4-2025, UBND tỉnh long trọng tổ chức lễ khánh thành công trình Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh (nay đổi tên là Bệnh viện Y học cổ truyền Trần Văn An) giai đoạn 2. Công trình được triển khai từ ngày 25-5-2022. Sau thời gian 2,5 năm xây dựng, công trình đã hoàn thành có quy mô và hạng mục chính gồm: Khối nhà chính 4 tầng với đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại. Hệ thống cầu dẫn, hồ nước, nhà xe và các hạng mục phụ trợ đạt chuẩn; cơ sở vật chất tối thiểu phục vụ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Lãnh đạo tỉnh và đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành công trình Bệnh viện Y học cổ truyền Trần Văn An. Ảnh: Phan Hân

Tổng mức đầu tư là 120 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, chi phí xây dựng 68,93 tỷ đồng, chi phí thiết bị 29,83 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười đánh giá: Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt chính trị. Với cơ sở vật chất đầy đủ, tiện nghi và hiện đại sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, làm việc, góp phần thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao ngành y tế.

2 Hợp long cầu Rạch Miễu 2

Ngày 19-4-2025, Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận tổ chức lễ hợp long cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Toàn Dự án đầu tư xây dựng công cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre (dự án cầu RM2) đã hoàn thành 85%, vượt tiến độ chung hơn 5% so với kế hoạch. Đặc biệt, phần cầu chính-cầu Rạch Miễu 2 đang vượt tiến độ hơn 15%.

Hợp long cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, cầu Rạch Miễu nhiều năm qua trở thành nút thắt giao thông, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc nhất là vào những ngày cuối tuần, đặc biệt là dịp lễ, tết, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh trong khu vực. Trong không khí phấn khởi của ngày hợp long cầu RM2, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam phát biểu: “...Lễ hợp long cầu chính dây văng Rạch Miễu 2, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình xây dựng công trình, tạo tiền đề để phấn đấu hoàn thành toàn bộ Dự án, đưa vào sử dụng trước ngày 2-9-2025, rút ngắn tiến độ hoàn thành trước khoảng 6 tháng so với hợp đồng”.

Khi Dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành sẽ là một “mảnh ghép” rất quan trọng để góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông hiện hữu, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, đồng thời phát huy hiệu quả các công trình đã được xây dựng như: cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ và các cầu Cổ Chiên, cầu Hàm Luông... rút ngắn thời gian từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Cầu Rạch Miễu 2 khi hoàn thành góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông hiện hữu, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông.

Ông Cù Văn Thành - nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Công ty TNHH Chế Biến Dừa Lương Quới (1 trong 22 doanh nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu của tỉnh Bến Tre) - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ: “Kỷ niệm 50 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một sự kiện lớn. Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, tôi thấy tỉnh nhà mình đã phát triển. Đặc biệt, thời gian gần đây, tỉnh sắp có thêm cây cầu Rạch Miễu 2, đây là động lực rất lớn để giao thông huyết mạch của tỉnh được thông suốt, nhờ đó, Bến Tre sẽ phát triển. Mừng hơn nữa, đối với doanh nhân, hiện Đảng và Nhà nước đã xác định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”, qua đó cho thấy, sản xuất kinh doanh là thành phần quan trọng để góp sức, đưa quê hương đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Tôi tin rằng, với những quyết sách như sáp nhập tỉnh, tinh gọn bộ máy, xác định động lực phát triển... tất cả những yếu tố đó làm cho doanh nghiệp rất phấn khởi, tràn đầy niềm tin và sức sống, tiến bước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

3.  Khởi động Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (giai đoạn 2)

Ngày 22-4-2025, tại Khu Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức lễ khởi động Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (giai đoạn 2).

Phối cảnh Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (giai đoạn 2).

 Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (giai đoạn 2) tọa lạc tại xã Thạnh Phong, Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú với tổng diện tích khu đất 104.245m2, trong đó có 103.528m2 tại khu vực Cồn Bửng và 717mở khu vực vàm Khâu Băng. Tôn tạo và xây mới các hạng mục chính như: Cổng hướng biển, cổng tường rào, đài tưởng niệm trung tâm, điểm dừng chân, nhà trưng bày, phù điêu, tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 110 tỷ đồng (UBND TP. Hà Nội hỗ trợ 100 tỷ đồng và còn lại là ngân sách địa phương).

Tại buổi khởi động dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đã có phát biểu nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử mang tầm chiến lược, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc thành lập tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, với nhiều bến tại các tỉnh như: Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau và Bà Rịa - Vũng Tàu. Những chuyến tàu lịch sử cách mạng đã cập bến tại tỉnh Bến Tre, góp phần lập nên nhiều chiến thắng vang dội, thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

4. Khởi công công trình Khu di tích lịch sử - văn hóa cách mạng Bưng Lạc Địa và lễ khởi động dự án Tu bổ, tôn tạo Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Phú Lễ

Ngày 23-4-2025, tại xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, UBND tỉnh tổ chức lễ khởi công công trình Khu di tích lịch sử - văn hóa cách mạng Bưng Lạc Địa và lễ khởi động dự án Tu bổ, tôn tạo Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Phú Lễ.

Phối cảnh Khu di tích lịch sử - văn hóa cách mạng bưng Lạc Địa. Ảnh do chủ đầu tư cung cấp

Dự án Khu di tích lịch sử - văn hóa cách mạng bưng Lạc Địa được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3020, ngày 25-12-2023. Công trình Khu di tích lịch sử - văn hóa cách mạng bưng Lạc Địa tọa lạc tại ấp Phú Khương, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Về quy mô đầu tư, khu di tích có tổng diện tích khoảng 130.113 m2, phân thành các khu chức năng như khu trung tâm, khu vui chơi, giải trí, khu tái hiện, phục dựng, khu nghỉ dưỡng. Chia làm 29 hạng mục. Tổng mức đầu tư của dự án là 89,983 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách địa phương.

Dự án Tu bổ, tôn tạo Di tích kiến trúc Đình Phú Lễ, do UBND tỉnh đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Việc tu bổ, tôn tạo Di tích kiến trúc Đình Phú Lễ nhằm lưu giữ lại tối đa những yêu tố nguyên gốc của Di tích; khôi phục lại chính xác các yếu tố đã bị thiếu hụt, mất mác trong quá trình tồn tại của di tích; trả lại cho di tích hìng dáng vốn có; tăng cường độ bền vững của di tích... Dự án đang trong giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ, dự kiến khởi công trong quý IV-2025. Đình Phú Lễ được công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1993.

Phối cảnh Đình Phú Lễ. Ảnh do chủ đầu tư cung cấp

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười cho rằng: “Công trình Khu di tích lịch sử - văn hóa cách mạng bưng Lạc Địa có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, cùng với các di tích khác như: di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Phú Lễ; di tích Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng; di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình Hòa; di tích Nhà ông nguyễn Văn Trác; di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu… sẽ góp phần làm cho hệ thống các điểm đến sinh hoạt văn hóa, tưởng nhớ kết hợp với tham quan du lịch trong tỉnh ngày càng hoàn thiện và phát triển. Qua đó, thu hút thêm khách tham quan, du lịch về nguồn, giúp cho kinh tế địa phương phát triển, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân”.

Chị Phạm Thị Mỹ Hạnh - người dẫn chương trình song ngữ tự do và ca sĩ tự do cho hay: “Năm nay 23 tuổi, tôi cảm thấy bản thân rất may mắn được sinh ra trong thời bình. Trong vai trò người dẫn chương trình và ca sĩ, tôi tham gia nhiều sự kiện gần đây của tỉnh trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025). Trong không khí lễ kỷ niệm, tôi cảm thấy tự hào và biết ơn thế hệ ông cha đã rất vất vả, hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc, nhờ đó, thế hệ của chúng tôi hôm nay được sống trong cảnh bình yên. Cảm nhận này thôi thúc tôi nhiều hơn phải góp sức trẻ cho quê hương, bằng cách làm thật tốt công việc của mình qua lời ca, tiếng hát phục vụ quê hương, qua những chương trình được dẫn một cách chỉn chu và nhiều năng lượng”.

5.  Khánh thành dự án Nâng cấp gia cố chống sạt lở đê bao cồn Tam Hiệp

Ngày 26-4-2025, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp UBND huyện Bình Đại tổ chức Lễ khánh thành Dự án Nâng cấp gia cố chống sạt lở đê bao cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương cắt băng khánh thành công  trình Nâng cấp gia cố chống sạt lở đê bao cồn Tam Hiệp.

Dự án Nâng cấp chống sạt lở đê bao cồn Tạm Hiệp có tổng chiều dài hơn 20km; kinh phí khoảng 325 tỷ đồng. Việc hoàn thành tuyến đê giúp chống sạt lở bờ sông, ngăn triều cường, chủ động ngăn mặn, trữ ngọt, điều tiết nước tạo thuận lợi cho sản xuất, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và bảo vệ an toàn dân sinh, ổn định kinh tế hơn 3.000 hộ dân trong khu vực. Bên cạnh đó, việc gia cố, nâng cấp giúp bảo vệ khoảng 565ha đất nông nghiệp, chủ yếu là vườn nhãn và dừa, tạo điều kiện chuyển đổi sang các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu.

6. Thông xe đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2

Sáng ngày 27-4-2025, tại nút giao Quốc lộ 57B với tuyến Đường gom và tuyến chính cầu Rạch Miễu 2 thuộc thị trấn Châu Thành (trước đây là xã An Khánh), huyện Châu Thành diễn ra lễ thông xe đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2.

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2.

Dự án Đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2 gồm đường gom bên phải và đường gom bên trái có tổng chiều dài 18,1km, nền đường rộng 8m, mặt đường rộng 7m, vận tốc thiết kế 40 km/giờ, tải trọng trục xe thiết kế 10 tấn, các cầu trên tuyến gồm: Ba Lai, Tam Sơn, Sông Mã. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.158 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách địa phương đối ứng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh phát biểu tại buổi thông xe: “Cùng với công trình xây dựng cầu Rạch Miễu 2 do Bộ Giao thông (nay là Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư đã được hợp long vào ngày 19-4-2025, công trình đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2 được xác định là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Bến Tre trong giai đoạn 2021 - 2025, là điểm nhấn để tiếp tục khơi thông toàn lực tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà... Lễ thông xe đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2 đánh dấu một mắt xích quan trọng trong quá trình xây dựng của công trình, tạo tiền đề để hoàn thành toàn bộ dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối liền tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre trước ngày 2-9-2025”.

Đoàn xe của đại biểu di chuyển trên cầu Ba Lai thuộc Đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2.

“Dự án Đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2 được xây dựng và khánh thành hôm nay kiến người dân chúng tôi thấy rất phấn khởi. Bởi vì đó giờ chúng tôi ở trong vườn là khu vực nông thôn, bây giờ công trình đi qua, nhà dân được ra mặt đường. Mặt khác, việc đi lại của người dân được dễ dàng, thông suốt, thoải mái hơn so với trước đây” - Huỳnh Kim Sang, hộ dân xã An Khánh (hiện tại là Thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành).

7.  Đóng điện kỹ thuật 3 công trình trạm biến áp và đường dây 110kV

Ngày 29-4-2025, Tổng công ty Điện lực miền Nam phối hợp UBND tỉnh tổ chức lễ đóng điện kỹ thuật các công trình: Trạm biến áp 110kV An Hiệp và Đường dây 110kV Bến Tre -An Hiệp; Đường dây 110kV Giao Long - Phú Thuận; Trạm 110kV Phú Thuận.

Kéo đường dây 110kV Giao Long - Phú Thuận, vượt sông An Hóa.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam Nguyễn Phước Đức phát biểu tại buổi lễ: “Giai đoạn 2020-2025, Tổng công ty Điện lực miền Nam dành nguồn vốn đầu tư trên 2.260 tỷ đồng để phát triển lưới điện tại Bến Tre. Trong giai đoạn 2020-2024, đã đầu tư 1.012 tỷ đồng; đến năm 2025, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã đầu tư phần còn lại xấp xỉ khoảng 1.000 tỷ đồng cho các công trình điện trên địa bàn tỉnh...”.

Trong không khí phấn khởi của buổi lễ đóng điện, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn nhấn mạnh: “Việc hoàn thành và đóng điện kỹ thuật công trình 3 công trình sẽ truyền tải đủ điện để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, giải quyết được bài toán cấp điện cho nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao; cấp điện cho các khu, cụm công nghiệp hiện có, các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch trong giai đoạn sắp tới. Nhất là giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo cho các nhà máy điện gió hiện có trên địa bàn các huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 và chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới”.

Các đại biểu bấm nút khởi động cho các công trình trạm biến và đường dây 110KV đã được đóng điện.

Có mặt trong sự kiện một số sự kiện khỏi công, khánh thành trên địa bàn tỉnh dịp kỷ niệm 50 năm Ngày miền Nam giải phóng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Ngẫu phấn khởi chia sẻ: “Kỷ niệm 50 năm Ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước đã đem đến cho tôi sự phấn khởi vô cùng. Bởi vì, nếu nhìn tỉnh sau giải phóng, tỉnh ta quá nghèo do chiến tranh tàn phá, cơ sở vật chất không có gì. Và hôm nay, 50 năm sau, tỉnh Bến Tre có sự phát triển rất tốt, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển kinh tế. Văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng tiếp tục được giữ vững... Từ đó, mang đến những thành tựu to lớn, có ý nghĩa, thiết thực, làm thay đổi diện mạo quê hương, cuộc sống người dân từ nông thôn đến thành thị được tốt đẹp hơn. Đem lại sự phấn khởi, tin tưởng của người dân đối với Đảng và Nhà nước chúng ta”.

Thạch Thảo (tổng hợp)

Nguồn: https://baodongkhoi.vn/tao-da-phat-trien-tinh-tu-nhung-cong-trinh-duoc-khoi-cong-khanh-thanh-dip-ky-niem-50-nam-ngay-giai--01052025-a146005.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm