Hơn mười năm trước, chú tôi trồng cây gì cũng phải giữ dáng cao, uốn thẳng.
Cột mốc trồng trọt của chú bắt đầu khi bệnh cột sống của ông tôi trở nặng.
- Tôi lạy! Ông ngồi yên dùm!
Bà tôi thương lượng khẩn thiết, ông cũng đành dùng dằng nhường “sân khấu vườn nhà” lại cho chú.
Từ đó cái cây nào trong vườn cũng phải thẳng. Hoa trang đỏ, vàng không còn là bụi hoa trang mà phải thành cây - hoa - trang: một thân duy nhất được nâng đỡ thẳng đứng, khi cao hơn một mét mới bắt đầu cho ra cành, giữ nhánh. Ông nhìn mà tiếc cái um tùm mình từng vun tưới, nhưng cũng ráng giữ bình tĩnh cho huyết áp không lên xuống.
Mai vàng gốc lão nhưng dáng thấp không vừa ý chú cũng được dời vào dọc hông nhà. Chú tìm mua, xin về các cây mới, tỉa hết cành ở cận góc, chừa ngọn cho đi lên chót vót như sắp thi đua với đọt đừa.
- Cái gu nó lạ quá hén! - Không biết là ông với bà tôi đang khen hay đang thảng thốt chê.
Cây bằng lăng, câu bàng, cây sao đen… cũng được chú sắp xếp ngay hàng thẳng lối ở sau nhà. Không cần thuyết minh người ta cũng hiểu mục tiêu của chú: thẳng thì sống, cong thì trồng lại.
Ông tôi có vẻ không thích vì cây đó không ăn được, trồng chi cho chật đất.
Rồi có lần, xung đột tư tưởng cũng biến thành hành vi: ông tôi lâu ngày không động tay chân nên lích nhích ra sân trước, cầm kéo tỉa cho hai bồn hoa giấy thành tròn vo. Những cành non khỏe mà ba bốn tháng nay chú tôi dưỡng cho cao, được ông hạ cho thấp bớt. Ông tôi chuộng cành um tùm và hoa tua tủa. Còn chú tôi chờ cái gì ở tương lai thì chưa rõ nét, chú chỉ nói cao mới đẹp.
Chiều về nhìn ngọn cây ngắn ngủn, chú giận đen bầm cả mặt, quay xe trở lại chỗ làm. Tôi dự đoán là ba ngày sau chưa chắc chú đã về - hồi ông còn khỏe, chú thong dong một hai tuần còn được nữa là. Nhưng chiều hôm sau bà tôi gọi, khóc lóc một ít: cha con với nhau không lẽ vì ngọn cây mà trở mặt, nên chú về. Cũng phải, giận thì quay mặt chứ người thân đâu có từ mặt nhau được.
Từ đó không ai xen vào công cuộc của chú. Người ta cũng ngấm ngầm suy nghĩ: lưng chú gù nên chú ghét cái gì cong cong. Chú còn trẻ, bệnh tật không có nhưng lưng chú từ bé đã không thẳng được - chính xác là vậy chứ không hẳn là gù. Uốn thẳng từng cái cây là cách chú phản ứng với khiếm khuyết của bản thân - tôi nghĩ thế.
Trong số cây chú trồng có khoảng chuối sau nhà là được mọi người tán dương nhất. Chuối không rẽ nhánh, thẳng đuột chắc là chú hài lòng lắm. Ở khoảng đó chuối loại nào cũng có, ai cần trái, cần lá, cần giống chú đều sẵn cho. Tôi không thích ăn quả, nhưng thích mùi lá chuối khi làm bánh, khi gói ghém đồ ăn. Mùi lá ngọt ngào, thơm lạ rất đặc trưng. Tôi mơ hồ nghĩ cái thành công của các món ăn nhiều khi là do lá chuối quyết định đấy thôi.
Lập gia đình xong thì mỗi ngày của chú thêm tất bật. Chú chăm lo nhà mình - có ông bà tôi và vợ con chú ở cùng. Hai ba hôm lại sang làm việc lặt vặt bên nhà ba mẹ vợ. Đám tiệc, hữu sự của xóm, ấp chú đều có mặt. Việc khó, việc người ta ngại đều có chú xông pha làm giúp. Tôi thấy hình như địa phương nào cũng có một người như thế. Như tôi đã gặp một anh câm điếc chạy việc ở trại hòm, không chỉ trong nội dung công việc được thuê mướn, nhiều chuyện lặt vặt ở nhà người mất anh cũng xông xáo giúp. Chủ trại hòm cũng nhờ vậy mà thêm điểm cộng về dịch vụ. Có chị gái kia không chồng không con thì hay giúp chăm sóc người neo đơn, đưa đón người liệt đi viện…
Bây giờ với tôi về nhà nội thì được gọi là về quê, bởi nội không còn và tôi chọn dời đi ở gần chỗ làm cũng lâu rồi. Trên mảnh đất đó, nhà chú vẫn theo hướng cũ, chỉ thêm mái che, trông rộng hơn xưa.
Những cái cây chú trồng bây giờ tán sum suê, mát rượi. Mấy thân hoa giấy trước nhà cao gần hai mét, da sần sùi như con người trung niên rám nắng. Tán hoa giấy đang vào mùa khoe sắc trông như cái dù vải hoa khổng lồ - nhìn xa thì sáng bừng rạng rỡ, đứng bên dưới thì mát rười rượi.
Năm xưa trẻ con ăn nhãn rồi vứt hạt vào chỗ ngách hẹp, giữa nhà trên và chái bếp, mưa âm ẩm. Chỗ ấy mọc lên một cây nhãn èo uột, thân gầy nhưng thẳng đứng, vươn lên để tìm nắng. Mọi người tính chặt bỏ dọn sạch, nhưng chú chọn giữ. Cây nhãn giống cũ hạt to không có giá trị kinh tế năm ấy giờ vững vàng đứng trầm ngâm bên chái bếp cũ kĩ đang nhả khói chiều bảng lảng, lại tạo nên một cảnh đẹp cổ kính, nhìn từ hướng nào cũng gợi tình, nên thơ.
Tết rồi, hàng mai chú trồng dọc lối đi vào nhà không uốn mình xoè tay bung cánh. Hàng mai đó chỉ từ trên cao hai ba mét nhẹ nhàng thả hương lờn vờn theo gió, thả cánh lã chã xuống vai người. Cây bằng lăng, câu bàng, cây sao đen ngoài vườn nay cũng cao lắm rồi, đứng dọc bờ mương nhìn sang hàng cau bên kia như đôi câu đối. Khoảng đất ấy không khác gì một phần của khu du lịch sinh thái nào đấy tôi từng ghé qua.
Những khóm chuối thân thẳng đứng được trồng xen, rải rác quanh nhà. À, có cậu bé khi miêu tả cây chuối thì hỏi tôi nên so sánh như thế nào. Quả chuối chín vàng cong cong như cái miệng cười hay như vầng trăng khuyết? Thân chuối như cây cột nhà nhỉ? Tàu lá to bè như cái quạt nhỉ? “À… như cái mái nhà màu xanh, từng mái nhà cao thấp”. Vì hồi nhỏ tôi thấy những chú chim đứng trú mưa hoặc làm tổ dưới những tàu lá lấp xấp đó. Tôi cũng từng thế, ngắt một tàu lá che đầu cho bà khi cùng đưa ông ra vườn.
Những cây chú trồng mười mấy năm trước nay đều ngay thẳng. Xét về đẹp thì rất đẹp. Xét về giá, thì cũng có giá.
Vậy là tôi từng nhầm lẫn.
Cái cây ngay thẳng không phải để bù đắp cho mặc cảm khiếm khuyết nào cả.
Nó ngay thẳng vì tầm nhìn xa trông rộng, ngay thẳng vì muốn chở che, gánh vác.
Trương Văn Tuấn
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/cai-cay-ngay-thang-30042025-a145975.html
Bình luận (0)