Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu

Ngày 21/4, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu” nhằm thảo luận sâu về định hướng hoàn thiện hành lang pháp lý xử lý nợ xấu trong bối cảnh Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng21/04/2025

Toàn cảnh tọa đàm
Toàn cảnh tọa đàm

Khó khăn cản dòng chảy tín dụng

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Thanh Kim, Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân khẳng định, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, được Quốc hội sau 6 năm triển khai đã cho thấy vai trò tạo lập cơ chế pháp lý đặc thù, giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh xử lý nợ xấu, nhiều chỉ số tích cực đã được ghi nhận, các ngân hàng xử lý được nợ xấu nhiều hơn, các hành thức xử lý tài sản bảo đảm được đẩy mạnh... Qua đó, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2024, Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực thi hành, trong khi nhiều quy định cốt lõi chưa được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024. Theo phản ánh của các tổ chức tín dụng, các khoảng trống pháp lý này đã gay nhiều trở ngại cho việc xử lý nợ xấu, làm gián đoạn dòng chảy tín dụng và ảnh hưởng đến kahr năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp, ông Lê Thanh Kim thông tin.

Chia sẻ về tình hình xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, mặc dù các tổ chức tín dụng đã rất tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh, tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình thế giới, trong khi hành lang pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu còn nhiều bất cập, chưa có sự đồng bộ và thống nhất, dẫn đến nợ xấu gia tăng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng chia sẻ, thống kê gần nhất về tổng nợ xấu khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó có 677 nghìn tỷ đồng là nợ ngoại bảng. Đây là khoản nợ mà các tổ chức vẫn đang tích cực thu hồi. Khi đã có nợ xấu phát sinh nghĩa là ý thức thực hiện nghĩa vụ trả nợ của người đi vay này kém. Họ tìm đủ mọi cách đề cách để trì hoãn trả nợ, không bàn giao tài sản, tạo ra những những tranh chấp giả để khởi kiện ra tòa, kéo theo việc các ngân hàng khó xử lý được tài sản đảm bảo.

Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho thấy, trong năm 2024, tỷ lệ khách hàng chủ động trả nợ cho ngân hàng đối với khoản nợ xấu chỉ đạt 36%, phần còn lại là nợ được bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hoặc thực hiện thi hành án thông qua việc bán tài sản bảo đảm. "Chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bảo vệ cho cái sai. Người vay có nghĩa vụ trả nợ đúng cam kết, thay vì vay xong rồi cố tình chây ì, trốn tránh trách nhiệm", ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

Bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên liên quan

Nhằm khắc phục khoảng trống pháp lý, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng nhằm luật hóa một số nội dung của Nghị quyết 42. Theo các chuyên gia, việc tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết 42 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn đã và đang cản trở tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền lợi hợp pháp của mình trong việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.

Đặt nhiều kỳ vọng dự thảo sớm được thông qua song bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc ban pháp chế, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung một số trường hợp được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm, cụ thể, tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc trong trường hợp các bên đã thực hiện mua bán nợ; tổ chức có chức năng mua bán, xử lý nợ theo quy định của pháp luật (không bao gồm tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ) được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng bán nợ...

Bên cạnh đó, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, ở nhiều quốc gia, quyền thu giữ tài sản thế chấp là quyền đương nhiên, được pháp luật bảo vệ. Việc giao kết hợp đồng tín dụng đã bao hàm sự đồng thuận dân sự và nếu bên vay vi phạm, quyền thu giữ sẽ được thi hành nhanh chóng thông qua hệ thống tư pháp hiệu quả. Tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này vẫn chưa được thể chế hóa đầy đủ.

Do đó, cần luật hóa rõ ràng quyền thu giữ tài sản để bảo vệ lợi ích hợp pháp của ngân hàng, cổ đông, người gửi tiền - những người thực chất đang góp vốn cho nền kinh tế thông qua hệ thống tín dụng. Việc các thủ tục như kê biên, thu giữ tài sản, quy trình xử lý rút gọn cần được quy định cụ thể, có giá trị pháp lý đủ mạnh để tránh tình trạng thỏa thuận mang tính hình thức.

Dưới góc nhìn vĩ mô, bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội khẳng định, mục tiêu cuối cùng của xử lý nợ xấu không phải vì lợi ích của ngân hàng mà là trách nhiệm bảo đảm quyền và lợi ích các bên, trong đó có bên thứ ba là người gửi tiền.

Cùng chung nhận định này, TS. Lê Duy Bình cũng khẳng định, dù theo hướng sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng hay ban hành một đạo luật riêng, thì mục tiêu cuối cùng vẫn là tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, rõ ràng, hiệu quả, bảo vệ lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan. Bởi điều này, không chỉ phục vụ mục tiêu xử lý nợ xấu trước mắt mà còn thiết lập một trật tự kỷ cương bền vững trong quan hệ tín dụng - yếu tố sống còn của nền kinh tế hiện đại.

"Với một hành lang pháp lý đồng bộ, minh bạch và khả thi, công tác xử lý nợ xấu sẽ được đẩy nhanh, dòng vốn tín dụng được khơi thông, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững", Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân kỳ vọng.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tao-lap-khuon-kho-phap-ly-dong-bo-ve-xu-ly-no-xau-163105.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm