Vụ lúa Hè Thu năm nay, các địa phương trong tỉnh có kế hoạch xuống giống khoảng 36.500ha. Đến nay, nông dân đã thực hiện gần 32.800ha, đạt gần 90% kế hoạch.
Nông dân cần thăm đồng thường xuyên để phòng trừ bệnh trên lúa kịp thời. |
Ghi nhận tại các địa phương, nông dân chú trọng sử dụng các giống lúa chất lượng cao như OM18, OM5451, ít sử dụng các giống lúa thơm do dễ nhiễm sâu bệnh hại. Nông dân chủ động giảm lượng giống gieo sạ và áp dụng các kỹ thuật giảm chi phí sản xuất, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường cơ giới hóa vào khâu gieo sạ, bón phân, phun thuốc…
Chủ động các biện pháp chống đổ ngã cho lúa ngay từ đầu vụ, chú Nguyễn Văn Tám (xã Bình Phước, huyện Mang Thít) cho biết: “Sau vụ Đông Xuân là tôi làm đất rất kỹ, cho đất thoáng, tiêu diệt một số loại dịch hại trong đất, giúp lúa phát triển tốt hơn, bộ rễ cứng cáp hơn, hạn chế đổ ngã. Bên cạnh đó, tôi cũng sạ hàng giống OM5451, chỉ 8-9 kg/công”.
Theo nhiều nông dân, thời tiết từ đầu vụ đến nay vừa có nắng nóng vừa có mưa trái mùa, nên có nguy cơ xuất hiện nhiều bệnh hại trên lúa. Vừa phun thuốc trị đạo ôn, chú Trần Văn Hạnh (xã Long Phước, huyện Long Hồ) cho biết: “Vụ này, dự báo bệnh trên lúa có thể nhiều hơn nên tôi thường xuyên thăm ruộng, thấy bệnh xuất hiện là phòng trừ, phun xịt đúng thời điểm, nếu qua thì bệnh sẽ lây lan nhanh và tốn thêm nhiều chi phí”.
Theo ngành chức năng, thời gian qua, một số loại bệnh trên lúa xuất hiện và có khả năng gia tăng khá mạnh. Cụ thể, trong tuần qua, diện tích gây hại do sâu cuốn lá trên 500ha, tăng trên 230ha so với tuần trước; diện tích nhiễm đạo ôn, đốm vằn, vàng lá trên 350ha, tăng 100ha, với tỷ lệ phổ biến 5-10%, gây nhiễm trên trà lúa đẻ nhánh đến trổ. Phân bố rải rác các xã của huyện Long Hồ, Mang Thít, Bình Tân, Tam Bình, Trà Ôn và TX Bình Minh…
Trong đó, tỷ lệ bệnh đạo ôn, đốm vằn, vàng lá nhiễm nhẹ có khả năng tăng do điều kiện thời tiết trưa nắng nóng, xuất hiện nhiều đợt mưa trái mùa và giai đoạn lúa thích hợp cho bệnh phát sinh phát triển trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ; sâu cuốn lá có khả năng xuất hiện và gây hại ở mức độ nhẹ trên lúa giai đoạn đẻ nhánh- đòng trổ. Đặc biệt, trên những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm,… có thể nhiễm mức trung bình.
Bên cạnh đó, tình hình diễn biến thời tiết khí hậu nắng nóng khô hạn phức tạp nên rất thuận lợi cho sâu bệnh hại lúa giai đoạn mạ nhất là bọ trĩ sẽ gây hại nặng. Bọ trĩ gây hại làm lá bị cuốn lại ở chóp, lá héo, tóp lại và khô vàng đi, đặc biệt, nặng ở các ruộng khô nước. Sâu năn (muỗi hành) xuất hiện và gây hại cục bộ trên các trà lúa ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến làm đòng.
Dự báo, diện tích nhiễm sẽ tiếp tục tăng khi gặp nhiệt độ thấp, ẩm độ không khí cao và sử dụng giống nhiễm, bón thừa phân đạm. Nếu phát hiện, không quản lý kịp thời có khả năng sẽ gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất lúa. Ngoài ra, cần chú ý chuột ở giai đoạn lúa mới gieo sạ, rầy phấn trắng, bệnh cháy bìa lá ở giai đoạn đòng trổ…
Chi cục Trồng trọt và BVTV khuyến cáo, điều kiện thời tiết giao mùa kết hợp cùng giai đoạn lúa thích hợp cho sâu bệnh phát sinh và gây hại. Vì vậy, nông dân cần thăm đồng thường xuyên kiểm tra kỹ đồng ruộng để có biện pháp quản lý hiệu quả, đặc biệt đối với bệnh hại khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh nên ngưng bón phân đạm, xử lý thuốc đặc trị kịp thời, không pha chung với phân bón lá. Phun ngừa đạo ôn cổ bông, lem lép hạt trước khi lúa trổ và sau khi lúa đã trổ đều. Tiếp tục theo dõi, chăm sóc và quản lý tốt những diện tích đã nhiễm bệnh.
Trong khi đó, diện tích nhiễm lúa cỏ có chiều hướng tăng nhanh qua các vụ lúa khuyến cáo nông dân làm đất thật kỹ trước khi xuống giống để tránh thiệt hại đến năng suất lúa. Đối với trên lúa Hè Thu giai đoạn mạ, không nên chú ý bọ trĩ, hạn chế can thiệp thuốc BVTV khi mật số thấp, áp dụng giải pháp đưa nước vào ruộng kết hợp bón phân để tăng cường sức đề kháng, giúp cây lúa vượt qua và phục hồi nhanh hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Chi cục đã phối hợp với địa phương tuyên truyền, tập huấn và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là vấn đề canh tác lúa theo hướng bền vững đến nông dân. Đến nay thông qua những kết quả đạt được, chi cục tiếp tục tuyên truyền vận động, hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp tiến bộ kỹ thuật đã được tập huấn vào thực tiễn sản xuất giúp cho vụ lúa Hè Thu đạt hiệu quả cao.
Mặc dù việc sản xuất vụ lúa Hè Thu năm nay dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do thời tiết, dịch bệnh nhưng với sự hỗ trợ từ ngành chuyên môn, sự tích cực chăm sóc từ nông dân, tin tưởng vụ lúa sẽ đạt hiệu quả cao, giúp nâng cao lợi nhuận cho nông dân.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHAN
Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/202505/tap-trung-cham-soc-lua-he-thu-34c4db0/
Bình luận (0)