“Làng, bản văn hóa quốc phòng, an ninh” ở tỉnh Hòa Bình là một minh chứng điển hình cho tính hiệu quả của việc xây dựng các mô hình. Suốt 16 năm qua, thông qua thực hiện mô hình, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Hòa Bình đã phối hợp xây dựng 38 “làng, bản văn hóa quốc phòng, an ninh” với hàng nghìn hộ dân được hỗ trợ cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế; hơn 60 ngôi nhà cùng gần 3.500 chuồng trại được sửa chữa, làm mới cho hộ nghèo; hàng chục ki-lô-mét đường giao thông nông thôn được bê tông hóa...

Qua đó giúp các bản, làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dần "thay da đổi thịt"; tỷ lệ hộ đói, nghèo liên tục giảm qua các năm, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; hệ thống điện, đường, trường, trạm ngày càng được xây mới khang trang, hiện đại. Kết quả này trực tiếp góp phần vào tăng cường mối đoàn kết quân dân, xây dựng "thế trận lòng dân" trong khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc.

Chia sẻ bí quyết để “nuôi” mô hình hoạt động hiệu quả liên tục trong suốt thời gian dài, Đại tá Triệu Kim Thắng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình cho biết: “Trước khi triển khai, Bộ CHQS tỉnh khảo sát thực trạng, triển khai mô hình với 4 mục tiêu cơ bản là: Làng bản ấm no, không còn đói, nghèo; sạch đường, đẹp ngõ, không có dịch bệnh; gia đình hòa thuận, con cháu thảo hiền; làng xóm yên vui. Các mục tiêu xác định đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng cấp thiết của người dân cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành ở địa phương, nhất là vai trò nòng cốt của LLVT đã giúp mô hình cho hiệu quả ngay từ năm đầu triển khai, sau đó ngày càng lan tỏa đến ngày nay”.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Hòa Bình giúp nhân dân làm đường bê tông tại “Làng, bản văn hóa quốc phòng, an ninh” ở xóm Cam, xã Độc Lập (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). 

Hiện nay, hầu hết các đơn vị đều có mô hình mang tính đặc trưng, tiêu biểu, góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, dân vận, chính sách, hậu phương Quân đội... Mỗi mô hình có những cách thức triển khai riêng, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị nên thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ hưởng ứng tham gia, qua đó ngày càng lan tỏa sâu rộng, có sức sống lâu dài, mang lại hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình duy trì nền nếp, triển khai hiệu quả thì cũng có không ít mô hình nghe tên rất "kêu" nhưng hoạt động không thường xuyên. Cá biệt, có những mô hình xây dựng ra nhưng không hoạt động, hoặc có hoạt động nhưng mang tính hình thức, nửa vời, hiệu quả rất thấp. Nguyên nhân chính là do các cơ quan, đơn vị không chủ động đổi mới nội dung, đa dạng hình thức khi triển khai.

Bên cạnh đó, một số đơn vị sao chép rập khuôn, máy móc mô hình của đơn vị khác dẫn đến việc xác định nội dung, hình thức hoạt động không sát với tính chất nhiệm vụ, đặc điểm và nhu cầu thực tiễn của cơ quan, đơn vị, vì vậy không phát huy được trách nhiệm, sở trường, trí tuệ của cán bộ, chiến sĩ trong triển khai thực hiện. Một số cơ quan, đơn vị còn ôm đồm, xây dựng quá nhiều mô hình dẫn đến việc chồng chéo trong tổ chức thực hiện.

Đại tá Nguyễn Ngọc Bộ, Chính ủy Lữ đoàn 405, Quân khu 3 phân tích thêm: “Có những tổ chức hội phụ nữ chỉ có 5 người, hay có chi đoàn chỉ xung kích vào xây dựng cảnh quan môi trường nhưng cũng triển khai đến 3 hoặc 4 mô hình. Điều này dẫn đến việc đơn vị không đủ nhân lực, vật lực để tổ chức thực hiện. Các đơn vị nên căn cứ vào tình hình cụ thể để thống nhất lựa chọn triển khai mô hình cho phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên vào nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp thiết, hướng đến khắc phục khâu yếu, giải quyết công việc khó. Như vậy, các mô hình sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn”.

Thượng tá Trần Kim Trọng, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 395, Quân khu 3 cho rằng, khi triển khai mô hình cần khảo sát thực tiễn, căn cứ vào đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị và các yếu tố liên quan để xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, trong đó cần xác định rõ lực lượng nào tham gia, hình thức hoạt động ra sao, làm công việc gì, thời gian thực hiện khi nào... Cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ chính trị, cơ quan chính trị phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong duy trì hoạt động của các mô hình; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, đồng thời cần gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân phụ trách trong triển khai thực hiện.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG

---------

Tâm tình - Kiến nghị

Bám sát nhiệm vụ chính trị

Thực hiện Phong trào Thi đua Quyết thắng, những năm qua, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, Quân khu 4 xuất hiện nhiều mô hình, phong trào hiệu quả như: “Nâng bước em tới trường”; “Ước mơ hồng”; “Đàn dê kinh tế”... trong thực hiện công tác dân vận, giúp các địa phương xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thực hiện khâu đột phá về công tác huấn luyện, giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật, Trung đoàn có các mô hình như: “Một tăng, một giảm, ba thực chất”; “Mỗi ngày một câu hỏi, một đáp án; mỗi tuần học một điều luật”... tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật và chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ. Để lan tỏa sâu rộng các mô hình, phong trào thi đua, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 1 luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn bảo đảm thực hiện chất lượng tốt. Tuy nhiên, cũng có thời điểm việc áp dụng mô hình chưa sát với đặc điểm, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị dẫn đến hiệu quả không cao, chưa khơi dậy hết tiềm năng sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ.

Huấn luyện bắn súng tiểu liên AK bài 1 cho chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, Quân khu 4. Ảnh: GIANG ĐÌNH 

Để khắc phục triệt để hạn chế, khuyết điểm, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 1 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để quân nhân nhận thức sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, hiệu quả của các mô hình. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị áp dụng các mô hình, phong trào thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị, hướng vào nhiệm vụ trọng tâm; tập trung giải quyết dứt điểm khâu yếu, mặt yếu. Chỉ đạo thẩm định chặt chẽ về hiệu quả, chất lượng, khả năng ứng dụng của các mô hình trước khi áp dụng rộng rãi trong toàn Trung đoàn; lồng ghép chặt chẽ mô hình, phong trào thi đua với các cuộc vận động lớn. Từ các mô hình, cách làm hay, hiệu quả đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, khích lệ cán bộ, chiến sĩ tích cực phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trung tá ĐẶNG VĂN DANH

(Chính ủy Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, Quân khu 4)

----------

Không chạy theo thành tích

Các trạm ra-đa thuộc Trung đoàn Ra-đa 551 (Vùng 5 Hải quân) đóng quân độc lập, phân tán. Công tác bảo đảm, việc đi lại gặp nhiều khó khăn; điều kiện kinh tế, đời sống của nhân dân trên địa bàn đơn vị đóng quân còn nhiều vất vả, thiếu thốn. Xuất phát từ thực tế đó, ngoài các phong trào chung như: “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Quân đội chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, chiến sĩ thi đua thực hiện văn hóa công sở, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”... chúng tôi cũng xây dựng một số mô hình riêng, sát với thực tế địa bàn đóng quân như: “Mỗi trạm ra-đa gắn với một địa chỉ tình thương”; “Giọt nước nghĩa tình”; “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”. Thực hiện các mô hình, trong 5 năm qua, Trung đoàn đã tặng gần 8 tấn gạo, hơn 500m3 nước ngọt và hàng trăm phần quà tới các gia đình chính sách, hộ nghèo và học sinh nghèo hiếu học... Trung đoàn được Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân đánh giá là điểm sáng trong thực hiện công tác dân vận.

Bộ đội Trung đoàn Radar 551 giao lưu văn nghệ với đơn vị kết nghĩa. Ảnh: BẢO NGỌC 

Tôi cho rằng, sự thành công của các mô hình này xuất phát từ nhiều yếu tố, trước hết là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Cấp ủy, người chỉ huy, nhất là cán bộ chủ trì phải tâm huyết, có ý chí quyết tâm cao trong xây dựng đơn vị, xây dựng địa bàn; biết phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, phương tiện, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không sợ khó khăn, gian khổ. Thực tế cho thấy, có mô hình phù hợp với đơn vị này nhưng lại không phù hợp với đơn vị khác. Chính vì vậy, trước khi áp dụng, triển khai mô hình cho đơn vị cần khảo sát nắm chắc tình hình thực tiễn, tránh tình trạng áp dụng một cách tràn lan, rập khuôn, chạy theo thành tích. Quá trình tổ chức thực hiện phải kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế để giải quyết, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

Thượng tá ĐẶNG TRỌNG SƠN

(Phó chính ủy Trung đoàn Radar 551, Vùng 5 Hải quân)

*Mời  bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan. 

 

Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tha-it-ma-hieu-qua-826925