Từ dòng chảy lịch sử đến khát vọng vươn mình
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cùng với cả nước, Cần Thơ bước vào giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh. Năm 1976, các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng và TP. Cần Thơ sáp nhập thành tỉnh Hậu Giang. Đây là thời kỳ Cần Thơ bắt đầu tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước ổn định đời sống Nhân dân, khôi phục hệ thống giao thông, thủy lợi để phát triển nông nghiệp, và từng bước xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Ngày 26.12.1991, Quốc hội Khóa VIII đã thông qua nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang thành 2 tỉnh riêng biệt là Cần Thơ và Sóc Trăng. Đến năm 2004, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh địa giới hành chính của tỉnh Cần Thơ. Theo quyết định mới, tỉnh Cần Thơ được tách thành 2 đơn vị hành chính riêng biệt là TP. Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang mới. Ngày 1.1.2004, Cần Thơ chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 của Quốc hội Khóa XI. Từ đây, TP. Cần Thơ bước vào giai đoạn phát triển với vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ của vùng ĐBSCL.
Giai đoạn 2004 - 2024, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật: đến cuối năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 133.065 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng đạt 7,12%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 105,07 triệu đồng/năm. Nhiều công trình trọng điểm được đầu tư như: cầu Cần Thơ, Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ, cảng Cái Cui, Quốc lộ 91B, Quốc lộ 61C, khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn đi qua TP. Cần Thơ... Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 0,15%, thấp nhất vùng ĐBSCL.
Trong giai đoạn này, nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn ra đời và ngày càng phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả vùng... Đáng chú ý, những năm gần đây, trên địa bàn thành phố ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển xanh, bền vững như: Khu đô thị xanh Hưng Phú – Cần Thơ, Trang trại nông nghiệp hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Tân Long (Phong Điền); Nhà máy điện rác Cần Thơ (Trung An, Cờ Đỏ); “Trường học xanh” ở Trường THPT Châu Văn Liêm; Hệ thống thoát nước và chống ngập đô thị tích hợp; Du lịch cộng đồng sinh thái Cồn Sơn…
Xứng tầm đô thị trung tâm động lực vùng
Trải qua 50 năm xây dựng, phát triển, sau hơn 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành đô thị trung tâm, động lực phát triển của cả vùng ĐBSCL. Quá trình nỗ lực phấn đấu xây dựng, phát triển thành phố trong nửa thế kỷ qua đã để lại cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố nhiều bài học quý báu.
Trước hết, phải giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Thứ hai, chính quyền các cấp phải thật sự gần dân, sát dân, trọng dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo để tạo đồng thuận xã hội. Từ đó, huy động được sức mạnh của người dân và doanh nghiệp trong vai trò là chủ thể để xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đô thị, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Thứ ba, để xứng tầm là đô thị trung tâm động lực vùng ĐBSCL, Cần Thơ phải luôn chú trọng hợp tác phát triển với các tỉnh trong vùng, với TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trong cả nước cũng như các nước, các tổ chức quốc tế trên thế giới để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các mô hình liên kết du lịch, chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao, thu mua - tiêu thụ nông sản thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nhanh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng phục vụ cho các ngành, các lĩnh vực của thành phố.
Thứ tư, phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tự tin bước vào kỷ nguyên mới
Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với khát vọng hùng cường, thịnh vượng vào giữa thế kỷ XXI, TP. Cần Thơ được xác định là một cực tăng trưởng quan trọng, là đầu tàu phát triển vùng và là đô thị trung tâm cấp quốc gia theo Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 5.8.2020, của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, là trung tâm động lực của ĐBSCL, Cần Thơ đã xây dựng lộ trình phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 3 trụ cột chiến lược là: phát triển kinh tế xanh - bền vững; phát triển đô thị thông minh, hiện đại và phát triển con người, xã hội hài hòa, nhân văn. Thời gian tới, thành phố sẽ chú trọng tạo động lực và tập trung khai thác tốt các nguồn lực để thực hiện tốt các định hướng phát triển sau:
Phát triển nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, nâng cao giá trị gia tăng trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong lĩnh vực công nghiệp, thành phố ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sạch, chế biến sâu nông - thủy sản, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp công nghệ cao. Tập trung phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ, các mô hình canh tác thông minh ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao thu nhập cho nông dân.
Trở thành trung tâm logistics cấp vùng, với các tuyến cao tốc, cảng biển, cảng sông và cảng hàng không kết nối liên hoàn, thương mại - dịch vụ sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là dịch vụ logistics, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, giáo dục - đào tạo và y tế chất lượng cao của TP. Cần Thơ. Cùng với đó, phát huy lợi thế sông nước, văn hóa miệt vườn, di sản lịch sử và ẩm thực độc đáo để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và du lịch MICE gắn với chuỗi giá trị khu vực.
Để phấn đấu trở thành một đô thị xanh kiểu mẫu, với hệ thống hồ điều hòa và công viên sinh thái được quy hoạch đồng bộ, bảo vệ hệ sinh thái sông nước tự nhiên, từ nay đến 2030, thành phố sẽ từng bước hoàn thiện quy hoạch đô thị thông minh theo định hướng tích hợp giữa hạ tầng kỹ thuật, công nghệ số và mô hình quản trị hiện đại.
Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ sẽ được áp dụng mạnh mẽ trong quản trị đô thị, cung cấp dịch vụ công và giám sát môi trường, giao thông, y tế. Cần Thơ phấn đấu đến năm 2030 kinh tế số chiếm trên 30% GRDP và hạ tầng số bao phủ toàn thành phố.
Với quan điểm con người là trung tâm của mọi chiến lược phát triển, Cần Thơ cũng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành then chốt như công nghệ thông tin, logistics, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, y tế. Trường Đại học Cần Thơ và các trường thành viên trong hệ sinh thái giáo dục đại học của thành phố sẽ được định hướng trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo cấp vùng và hội nhập quốc tế.
Song song đó, an sinh xã hội, bình đẳng giới, chăm lo cho người yếu thế, người dân tộc thiểu số cũng được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển. Thành phố hướng đến xây dựng một xã hội “không ai bị bỏ lại phía sau”, phấn đấu thành phố không còn hộ nghèo đến cuối năm 2025 và 100% người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, nước sạch, nhà ở đạt chuẩn.
Tới đây, khi Cần Thơ đảm nhận vai trò quản lý không gian phát triển mở rộng sau sáp nhập với các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, thành phố sẽ hình thành một vùng đô thị - công nghiệp - dịch vụ liên kết chặt chẽ, mở ra không gian phát triển mới, giảm áp lực nội đô và thúc đẩy tăng trưởng toàn vùng. Các trục động lực phát triển sẽ được hình thành dọc theo tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, hành lang ven sông Hậu và vùng ven biển. Khu kinh tế ven biển, trung tâm logistics quốc tế Trần Đề (Sóc Trăng) và Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ sẽ là “tam giác vàng” chiến lược của vùng ĐBSCL.
Với nền tảng đã được xây dựng đồng bộ, vững chắc sau 50 năm thống nhất đất nước và từ đó hướng tầm nhìn đến năm 2045, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Cần Thơ tự tin bước vào thời kỳ phát triển mới cùng cả nước; nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng xây dựng Cần Thơ thành một thành phố văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/thanh-pho-can-tho-nua-the-ky-chuyen-minh-post411880.html
Bình luận (0)