
Người dân vào cuộc
Làng cổ Lộc Yên vẫn vẹn nguyên, hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên và những ngôi nhà cổ trăm tuổi. Nhà cổ được nhân dân lưu giữ, Nhà nước chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di tích, từ đó phục vụ cho việc phát triển loại hình du lịch văn hóa miệt vườn nơi đây.
Làng có 8 ngôi nhà cổ, tuổi từ 150 - 200 năm, vẫn nguyên vẹn hình hài qua thời gian. Sống trong căn nhà đã được 186 năm tuổi do cha ông để lại, vợ chồng ông Nguyễn Đình Hoan và bà Nguyễn Thị Kim Sương mỗi ngày đều chăm chút ngôi nhà, đón tiếp khách tham quan.
Bà Sương nói: “Kể từ ngày Lộc Yên được công nhận là làng cổ, du khách trong và ngoài nước đến làng ngày một đông. Vợ chồng tôi cũng như các gia đình có nhà cổ khác đều cố gắng mỗi ngày phục vụ khách du lịch tốt hơn. Khi các đoàn khách đến có liên hệ trước thì sự chuẩn bị chu đáo hơn, khách lẻ đi không báo trước nên có lúc gia đình bận công việc, không thể mở cửa tham quan được. Khách đến với làng thì mùa nào thức ấy, cây trái trong vườn, các loại bánh như bánh tét, bánh ú, bánh ít lá gai, bánh thuẫn... đều mang ra phục vụ cho khách”.

Người dân Làng cổ Lộc Yên đã dần quen với việc làm du lịch và tham gia vào Hợp tác xã Du lịch xanh Làng cổ Lộc Yên để cùng kết nối, đón tiếp khách tham quan.
Ông Trần Quang Tin, Bí thư Chi bộ 4 cho biết: “Khi làm du lịch, ban đầu cả ban nhân dân thôn và người dân đều chưa có kinh nghiệm, chưa quen, nhưng khi có hợp tác xã, được hướng dẫn hỗ trợ cách làm du lịch, kết nối được tour tuyến với các đơn vị lữ hành thì hiện nay ngày nào cũng có đoàn đến tham quan Lộc Yên. Người dân đã thấy được giá trị mang lại từ du lịch, đặc biệt là những giá trị riêng có, độc đáo của Lộc Yên với nhà cổ, bờ đá rêu phong, thức ăn, sản vật mang đặc sắc của làng quê, vườn cây trái... nên chăm sóc căn nhà, mảnh vườn ngày càng sạch đẹp để phục vụ du lịch”.
Phát huy giá trị di tích và danh thắng
Xã Thạnh Bình đang có 2 di tích cấp quốc gia là Khu lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng và Làng cổ Lộc Yên, cùng với 6 di tích, danh thắng cấp tỉnh. Đây là điều kiện, lợi thế rất quan trọng để Thạnh Bình khai thác tiềm năng, cơ hội phát triển du lịch, tạo thêm những sản phẩm mới dựa trên những nguồn lực tài nguyên tự nhiên của địa phương. Xã có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch trải nghiệm dựa trên lợi thế có sẵn.

Ông Dương Đức Lin, Chủ tịch UBND xã Thạnh Bình cho biết: “Để du lịch trở thành thế mạnh kinh tế của Thạnh Bình, thời gian tới xã phải đồng bộ thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, xã, thôn sẽ tập trung vận động người dân đầu tư phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, ưu tiên trồng các loại cây ăn quả và dược liệu bản địa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng.
Bên cạnh đó kết nối các mô hình sản xuất nông nghiệp với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nhằm tạo sinh kế bền vững. Xây dựng, hình thành các tour, tuyến du lịch gắn với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tiêu biểu như Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, Làng cổ Lộc Yên, Hang Dơi, Lò Thung. Xã cũng sẽ tìm nhà đầu tư, chủ động phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành để đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút du khách đến với Thạnh Bình”.
UBND xã Thạnh Bình sẽ tiếp tục tham mưu Đảng ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.
Đồng thời kiến nghị UBND thành phố và các sở, ngành liên quan quan quan tâm, ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch trọng điểm của xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút du khách và phát triển kinh tế địa phương.
Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về phát triển kinh tế vườn kết hợp homestay để làm cơ sở cho người dân tham quan, học tập và nhân rộng hiệu quả trên toàn xã.
Qua đó đưa du lịch Thạnh Bình vào bản đồ du lịch của thành phố Đà Nẵng, hỗ trợ kết nối tour, tuyến du lịch của thành phố, quan tâm kêu gọi kết nối đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.
Nguồn: https://baodanang.vn/the-manh-du-lich-cua-thanh-binh-3297616.html
Bình luận (0)