Chương trình biểu diễn thời trang 'Áo dài Việt Nam – Di sản kết nối'. (Ảnh: Thu Trang) |
Hoạt động nhằm góp phần tôn vinh giá trị của áo dài Việt Nam trong đời sống, văn hóa, xã hội; đồng thời khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị di sản áo dài. Thông qua tà áo dài tăng cường quảng bá hình ảnh, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, để văn hóa áo dài ngày càng gắn bó và lan tỏa trong đời sống tinh thần người Việt và bè bạn quốc tế.
Chương trình do Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức, với sự tham gia của phu nhân Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, phu nhân Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu và đông đảo cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc.
Chương trình có sự tham dự của bà Hoàng Hương Giang, Phu nhân Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc (giữa); bà Bùi Thị Minh Tuyết, Phu nhân Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu (phải); bà Bùi Thị Hồng Hải, Phu nhân Công sứ (trái). |
Bà Phạm Thị Thanh Loan, đại diện Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc, Trưởng Ban tổ chức chương trình phát biểu khai mạc sự kiện. (Ảnh: Thu Trang) |
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Phạm Thị Thanh Loan, đại diện Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc, Trưởng Ban tổ chức chương trình đề cao giá trị, vẻ đẹp của áo dài Việt Nam - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo bà Phạm Thị Thanh Loan, áo dài có lịch sử phát triển lâu đời, luôn song hành và gắn bó mật thiết trong cuộc sống người dân Việt Nam. Áo dài chứa đựng vẻ đẹp và sức sáng tạo của con người Việt Nam, mỗi tà áo dài đều mang theo quốc hồn, quốc túy của dân tộc.
Xuyên suốt quá trình lịch sử, tà áo dài được bảo tồn và phát triển mạnh mẽ, đây chính là kết tinh của trí tuệ, quá trình lao động sáng tạo con người Việt Nam, tôn lên vẻ đẹp dịu dàng, trang nhã và tinh thần người Việt.
Bà Phạm Thị Thanh Loan nhấn mạnh, sự kiện không chỉ là chương trình biểu diễn thời trang đơn thuần mà còn là thể hiện tinh thần đoàn kết của các doanh nghiệp, lưu học sinh, kiều bào Việt Nam tại Trung Quốc, gắn kết tình cảm của đồng bào với quê hương, đồng thời thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước trong Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc 2025 đầy ý nghĩa.
"Mỗi tà áo dài bay trong gió hôm nay sẽ là sợi chỉ vàng thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng, tô thắm thêm mối tình hữu nghị Việt-Trung. Chúc quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước đời đời bền vững, chúc văn hóa áo dài sẽ tiếp tục tỏa sáng trên mọi nẻo đường thế giới!", bà Phạm Thị Thanh Loan bày tỏ tin tưởng.
Bộ sưu tập áo dài truyền thống với các họa tiết thêu tay tinh xảo của NTK Tuấn Sành. (Ảnh: Thu Trang) |
NTK Tuấn Sành mang đến chương trình 3 bộ sưu tập mang hương sắc mùa Xuân. (Nguồn: BTC) |
Sự kiện không chỉ là chương trình biểu diễn thời trang đơn thuần mà còn là thể hiện tinh thần đoàn kết của các doanh nghiệp, lưu học sinh, kiều bào Việt Nam tại Trung Quốc, gắn kết tình cảm của đồng bào với quê hương. (Nguồn: BTC) |
Tại sự kiện, khán giả đã được chiêm ngưỡng các bộ sưu tập áo dài đặc sắc từ các nhà thiết kế hàng đầu, như NTK Tuấn Sành, NTK Hàn Phượng; CLB Đình Làng Việt... do hơn 84 thí sinh từ cuộc thi “Áo dài qua ảnh” đã được tổ chức sôi nổi trong cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc trước đó.
Mỗi thí sinh, cũng chính là những sinh viên, kiều bào Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Trung Quốc, khoác lên mình tà áo truyền thống, đã trở thành những sứ giả văn hoá, thêu kết tình hữu nghị giữa hai nước thêm bền chặt.
Mở màn chương trình là ba bộ sưu tập áo dài truyền thống với các họa tiết hoa mang hơi thở, hương sắc mùa Xuân và đậm hồn cốt dân tộc mang tên: Hương Xuân, Nắng Xuân, và Sắc Xuân của NTK Tuấn Sành. Từng tà áo dài trong bộ sưu tập đều được cắt may thủ công đơn chiếc trên nền vải lụa tuyết mềm mại, các chi tiết sau khi cắt đều được khâu tay tỉ mỉ như tà áo, gấu tay đến cổ áo. Các hoa văn họa tiết hoa lá được các nghệ nhân thêu tay, thổi hồn vào từng đường kim mũi chỉ để từng cánh hoa cành lá sau khi thêu xong sẽ sống động như thật làm say đắm lòng người.
Bộ sưu tập áo dài nam ngũ thân của CLB Đình Làng Việt. (Nguồn: BTC) |
Tiếp đến là bộ sưu tập áo dài nam ngũ thân của CLB Đình Làng Việt. Áo dài ngũ thân xuất hiện từ năm 1744 dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong, là tiền thân của áo dài nam hiện đại ngày nay. Nam giới mặc áo thường kết hợp với khăn quấn đầu màu đen hoặc màu đậm. Từng được sử dụng phổ biến và xem như quốc phục của người Việt, trang phục này tồn tại và phát triển cùng nhiều loại hình y phục truyền thống khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Kết màn biểu diễn là bộ sưu tập "Áo dài dân tộc Việt Nam" của NTK Hàn Phượng mang đậm dấu ấn văn hoá của các dân tộc đại diện cho 54 dân tộc anh em. Những tà áo dài thướt tha, được thiết kế tinh xảo với họa tiết rồng phượng, sen, trống đồng… đã khéo léo tôn vinh vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời thể hiện sự giao thoa văn hóa Á Đông.
Bộ sưu tập "Áo dài dân tộc Việt Nam" của NTK Hàn Phượng. (Nguồn: BTC) |
Bộ sưu tập mang đậm dấu ấn văn hoá của các dân tộc đại diện cho 54 dân tộc anh em. (Nguồn: BTC) |
NTK Hàn Phượng (giữa) và các thí sinh tham gia trình diễn. (Nguồn: BTC) |
Mỗi mẫu thiết kế, tà áo là sự kết hợp tinh tế giữa chất liệu lụa truyền thống cùng ý tưởng thiết kế độc đáo và đường kim mũi chỉ lành nghề của những nghệ nhân áo dài, phản chiếu nét văn hóa cổ kính mang dấu ấn thời gian mà vẫn mang lại luồng gió mới, truyền tải thông điệp mới của Việt Nam trong thời đại vươn mình phát triển.
Chương trình được tổ chức trong tiết Xuân ấm áp, muôn hoa đua nở, dưới chân Vạn Lý Trường Thành. Sự kết hợp giữa áo dài Việt Nam trong không gian của kỳ quan nổi tiếng của Trung Quốc lan tỏa thông điệp về giao lưu văn hoá không biên giới, tạo nên sự kết nối di sản thông qua tà áo dài Việt.
Tại sự kiện, khán giả còn được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc, đậm chất truyền thống. Bên lề sự kiện còn có hoạt động tập thể tham quan và giao lưu tại Vạn Lý Trường Thành.
Thông qua những hoạt động giao lưu văn hóa đặc sắc, chương trình đã góp phần gắn kết tinh thần đoàn kết, hướng về quê hương đất nước của cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc, đồng thời tô điểm cho tình hữu nghị Việt-Trung trong một năm đặc biệt ý nghĩa.
Chương trình biểu diễn thời trang 'Áo dài Việt Nam – Di sản kết nối' nhân kỷ niệm 75 quan hệ ngoại giao hai nước và Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc 2025. (Nguồn: BTC) |
Sự kết hợp giữa áo dài Việt Nam trong không gian của Vạn Lý Trường Thành - kỳ quan nổi tiếng của Trung Quốc lan tỏa thông điệp về giao lưu văn hoá không biên giới, tạo nên sự kết nối di sản thông qua tà áo dài Việt. (Nguồn: BTC) |
Hoạt động góp phần lan tỏa văn hóa áo dài trong đời sống tinh thần người Việt và bè bạn quốc tế. (Nguồn: BTC) |
Bộ sưu tập áo dài nam ngũ thân của CLB Đình Làng Việt. (Nguồn: BTC) |
Nguồn: https://baoquocte.vn/theu-ket-tinh-huu-nghi-viet-nam-trung-quoc-qua-ta-ao-dai-truyen-thong-311570.html
Bình luận (0)