Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thời điểm tốt nhất ngắm mưa sao băng Lyrid trên bầu trời Việt Nam

Từ đêm 21 đến rạng sáng 22/4, Việt Nam sẽ chứng kiến trận mưa sao băng Lyrid, một trong những hiện tượng thiên văn lâu đời nhất từng được ghi nhận.

VTC NewsVTC News21/04/2025

Từ đêm 21 đến rạng sáng 22/4, bầu trời Việt Nam sẽ đón trận mưa sao băng Lyrid, một trong những hiện tượng thiên văn lâu đời nhất từng được ghi nhận, đạt cực đại. Với vận tốc lên tới 49 km/giây, các vệt sáng rực băng qua bầu trời tạo nên màn trình diễn ánh sáng ngoạn mục giữa đêm khuya tĩnh mịch.

Mưa sao băng huyền diệu có thể quan sát ở Việt Nam vào đêm nay.

Mưa sao băng huyền diệu có thể quan sát ở Việt Nam vào đêm nay.

Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam, Lyrid hoạt động từ ngày 16 - 25/4, nhưng thời điểm lý tưởng để quan sát là từ sau 2 giờ sáng ngày 22/4, khi bầu trời đã đủ tối và điều kiện khí quyển thuận lợi. Nếu thời tiết quang đãng và ánh sáng đô thị không quá chói, người quan sát có thể chiêm ngưỡng từ 15 đến 20 sao băng mỗi giờ - một con số đủ để khiến bất kỳ ai phải ngước nhìn trong im lặng ngỡ ngàng.

Không chỉ dừng lại ở số lượng, Lyrid còn nổi tiếng với những “quả cầu lửa”, sao băng đặc biệt sáng, để lại vệt sáng kéo dài trên bầu trời đêm. Đây cũng chính là lý do vì sao nó được mệnh danh là một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất để chụp ảnh. Chỉ với một máy ảnh có chế độ phơi sáng từ 20 đến 30 giây, khẩu độ mở lớn và ISO dao động từ 800 đến 3.200, bạn hoàn toàn có thể “bắt” được một khoảnh khắc thiên thạch bốc cháy trong bầu khí quyển, một ngôi sao băng đúng nghĩa.

Lyrid được tạo ra từ các mảnh vỡ do sao chổi Thatcher (C/1861 G1) để lại. Đây là sao chổi quay quanh Mặt Trời theo chu kỳ khoảng 415 - 422 năm. Lần cuối cùng sao chổi này ghé thăm hệ Mặt Trời là vào năm 1861, và phải đến năm 2283, nó mới trở lại. Chính vì hiếm hoi và ít được biết đến, mỗi năm, hiện tượng Lyrid diễn ra lại trở thành sự kiện được giới thiên văn quốc tế chú ý.

Lịch sử của Lyrid gắn liền với những ghi chép cổ xưa. Các văn bản Trung Hoa từ 2.500 đến 2.700 năm trước đã mô tả hiện tượng sao sáng rơi dày đặc từ bầu trời. Năm 1136, người Triều Tiên cũng ghi lại cảnh “nhiều sao bay từ hướng Đông Bắc”. Đặc biệt, vào năm 1803, cư dân thành phố Richmond (Mỹ) bị đánh thức bởi hồi chuông báo cháy và chứng kiến bầu trời phủ đầy sao băng, một đêm mà Lyrid bùng nổ dữ dội.

Lyra - chòm sao dẫn đường và kỹ thuật quan sát

Lyrid được đặt tên theo chòm sao Lyra. Chòm sao này chứa ngôi sao sáng Vega, một trong năm sao sáng nhất bầu trời đêm. Vào khoảng sau nửa đêm, Lyra sẽ dần xuất hiện ở hướng Đông, trở thành điểm tỏa sáng cho đêm hội thiên văn.

Để có được tầm nhìn tốt nhất, người yêu thiên văn nên tìm đến những nơi có địa hình thoáng đãng như vùng núi cao, nông thôn hoặc bãi biển, những khu vực ít bị ô nhiễm ánh sáng nhân tạo. Mang theo máy ảnh, chân máy, và một tấm trải nằm ngửa ngắm trời là đủ để bạn có thể trải nghiệm cảm giác như đang đứng giữa vũ trụ bao la.

Ngay sau khi Lyrid khép lại, bầu trời tiếp tục "chiêu đãi" người yêu thiên văn bằng trận mưa sao băng Eta Aquarid – hoạt động từ ngày 19/4 đến 28/5 và đạt cực đại vào rạng sáng 5/5. Eta Aquarid bắt nguồn từ sao chổi Halley nổi tiếng, và có thể đạt tới 60 sao băng mỗi giờ nếu quan sát từ Nam bán cầu. Từ Bắc bán cầu như Việt Nam, con số này là khoảng 30 sao băng mỗi giờ, đủ để tạo nên một đêm đáng nhớ.

Sáng sớm ngày 25/4, một “tam giác vũ trụ” kỳ ảo được tạo nên từ Sao Kim, Sao Thổ và Mặt Trăng lưỡi liềm. Trước khi Mặt Trời mọc, hãy nhìn về phía chân trời Đông để thấy ba thiên thể xếp thành hình tam giác: Sao Kim và Sao Thổ lấp lánh như hai chấm sáng, còn Mặt Trăng là một dải mảnh cong cong giữa không trung. Một cảnh tượng vừa nên thơ, vừa kỳ bí, như thể bầu trời đang mỉm cười với những ai đủ kiên nhẫn để thức dậy thật sớm.

Khánh Huyền(Nguồn: Times of India)

Nguồn: https://vtcnews.vn/thoi-diem-tot-nhat-de-ngam-mua-sao-bang-lyrid-tren-bau-troi-viet-nam-ar939020.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm