Theo bà Giang, tài sản số được hiểu là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối, mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan. Tài sản số không cần hình thức vật lý, tồn tại trên blockchain, điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu; có thể chia nhỏ, lập trình, giao dịch toàn cầu, chống làm giả. Đây là động lực tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên số hóa.
Hiện nay, khung pháp lý cho tài sản số vẫn đang trong quá trình xây dựng. Đáng chú ý, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã bước đầu xác lập khái niệm tài sản số và quyền sở hữu với tài sản này. “Đây là bước đi quan trọng mở đường cho việc xác lập và giao dịch bảo đảm đối với tài sản số trong tương lai”, bà Giang nhấn mạnh.
Còn tín chỉ carbon là loại tài sản gắn với xu hướng chuyển đổi xanh và được quan tâm ngày càng nhiều trong lĩnh vực tài chính. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 xác định tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch, thể hiện quyền phát thải một tấn CO₂ hoặc tương đương. Tín chỉ này thường được tạo ra từ các dự án giảm phát thải như trồng rừng, sử dụng năng lượng tái tạo hoặc cải tiến công nghệ. Trên thực tế, tín chỉ carbon đang dần trở thành công cụ tài chính hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc xác lập giao dịch bảo đảm đối với tín chỉ carbon vẫn chưa có quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo |
Chính vì vậy, nếu coi tài sản số, tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm ngân hàng, ngân hàng sẽ e ngại bởi khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào phải dựa trên cơ sở pháp lý được quy định rõ ràng. Hiện chưa có quy định pháp luật nào chỉ ra, ngoài các tài sản bảo đảm thông thường, truyền thống thì tín chỉ carbon, tài sản số có thể coi là tài sản bảo đảm.
Dù chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh, song một số quy định hiện hành đã manh nha định hướng cho việc này. Tại điểm 8, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tài sản bảo đảm bao gồm tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai trừ tài sản đang bị cấm mua bán, cấm chuyển nhượng, cấm chuyển giao. Vì vậy hoàn toàn có thể khẳng định, Luật đã quy định rất rộng về tài sản bảo đảm.
Nếu đối chiếu với quy định này, có thể thấy Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã trực tiếp đề cập đến tín chỉ carbon. Hiện nay, tại Việt Nam, hoạt động giao dịch tín chỉ carbon đang ngày càng phổ biến và không bị cấm mua bán, chuyển nhượng.
Do đó, có thể hiểu rằng việc nhận bảo đảm bằng tài sản là tín chỉ carbon là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế lại là một bài toán vô cùng khó đối với các ngân hàng. Nếu như đối với tài sản truyền thống như đất đai, nhà ở, các ngân hàng đã có nhiều kinh nghiệm nghiệp vụ, thì với tín chỉ carbon còn là một loại tài sản rất mới mẻ nên việc nhận tài sản bảo đảm là carbon sẽ là thách thức không nhỏ đối với những ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực này.
“Theo tôi, những gì đã tồn tại và ngày càng phát triển cho thấy sự hiện diện của nó là thực sự cần thiết đối với đời sống. Trước hết, cần xác lập rõ ràng địa vị pháp lý của tài sản số và tín chỉ carbon, coi đây là loại hình tài sản trong Bộ luật Dân sự. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để hai loại tài sản này có thể sử dụng làm tài sản bảo đảm trong các giao dịch tài chính”, bà Giang nhấn mạnh.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/thua-nhan-tai-san-so-va-tin-chi-carbon-la-tai-san-bao-dam-se-mang-lai-nhieu-loi-ich-163456.html
Bình luận (0)