Với bà con dân tộc thiểu số Tây Nguyên, việc vay vốn để sản xuất và hoàn trả vốn vay, là việc đầy áp lực, từng khiến nhiều hộ thà cam chịu nghèo. Thế nhưng, từ khi Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng được các phòng giao dịch ở khắp các địa phương cấp huyện, từng xã và nhiều thôn có các tổ vay vốn..., thì vay vốn chính sách lãi suất thấp đã trở nên quen thuộc, phát huy hiệu quả lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nhiều hộ, nhờ có nguồn vốn này, đã có kinh tế vững.
Giữa tháng 4 đỉnh điểm mùa khô nắng cháy, vườn sầu riêng trồng xen cà phê của gia đình chị H’Sen, dân tộc Mạ, ở bon Bu Sốp, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa vẫn nở lứa hoa bói đầy hứa hẹn. Chị H’Sen cho biết, 90 cây sầu riêng trong vườn và 900 cây cà phê tái canh đều chỉ mới trồng từ năm 2021, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Năm ngoái, chị đã thu cà phê; năm nay, triển vọng sẽ thu bói sầu riêng nên kinh tế gia đình được cải thiện nhanh chóng, và việc trả nợ ngân hàng cũng rất nhẹ nhàng.
“Nhờ nguồn vay từ Ngân hàng Chính sách 90 triệu, gia đình sẽ có thu nhập từ cà phê, sầu riêng vào cuối năm nay. Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi này, gia đình không thể tái canh vườn cà phê, cũng như trồng thêm sầu riêng để tăng thu nhập. Năm nay thu bói thì một phần thu nhập sẽ trả ngân hàng, còn lại sẽ tái đầu tư” - chị H’Sen chia sẻ.
Chị H'Sen ở bon Bu Sốp, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa sử dụng hiệu quả vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để thoát nghèo. (Ảnh: VOV.VN) |
Mạnh dạn vay vốn và sản xuất thành công cũng là câu chuyện của gia đình ông K’Biêng, ở bon Phai Kol Pruđăng, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa. Ông K’Biêng cho biết, gia đình mình từng xếp ở nhóm nghèo của bon. Dù sở hữu tới 2 ha đất canh tác, nhưng vì thiếu vốn, ông chỉ trồng được ngô, sắn và điều nên thu nhập rất thấp. Bước ngoặt đến với ông vào năm 2015, khi được vay 90 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ nguồn vốn này, gia đình bắt đầu đầu tư trồng cà phê, sau đó phát triển thêm hồ tiêu. Hiện gia đình có 1.000 cây cà phê, 200 trụ tiêu, thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.
“Năm nay thu cà phê được khoảng 2,5 - 3 tấn nhân, và cả tiêu nữa. Bán đi cũng phải được trên 300 triệu đồng. Tất cả đều nhờ nguồn vốn vay đầu tư sản xuất từ Ngân hàng Chính sách nhiều năm trước. Mới đây tôi còn vay thêm 12 triệu để khoan giếng, mua bồn nước. Nhờ đó có nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh sử dụng, sức khỏe cả nhà được tốt” – ông K’Biêng nói.
Cán bộ Ngân hàng chính sách, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. (Ảnh: VOV.VN) |
Đắk Nia là một trong ba xã vùng ven của thành phố Gia Nghĩa, với 2.628 hộ, trong đó hơn 56% là đồng bào dân tộc thiểu số. Để giúp bà con có nguồn lực đầu tư cho sản xuất, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay ưu đãi đối với 1.538 hộ, tổng dư nợ hơn 75 tỷ đồng. Ông Ngô Ngọc Khanh – Chủ tịch UBND xã Đắk Nia – cho biết, nhờ tín dụng chính sách, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã qua từng năm.
“Bà con nhân dân trên địa bàn xã Đắk Nia thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống khó khăn, được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách để đầu tư phát triển sản xuất như mua phân bón, con giống, cây giống về phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Đạt hiệu quả đã nâng cao thu nhập. Việc nhiều hộ có thu nhập trên 62 triệu đồng/năm đã đưa tiêu chí thu nhập của xã đạt và vượt chỉ tiêu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương” - ông Ngô Ngọc Khanh đánh giá.
Tính đến hết quý I/2025, toàn tỉnh Đắk Nông có gần 71 nghìn hộ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ gần 4.800 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ vay khoảng 68 triệu đồng. Trong đó, hơn 24.000 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, vay trên 1.655 tỷ đồng. Ông Vũ Anh Đức - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Nông - cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông và Nghị định 28 năm 2022 của Chính phủ.
“Đối với người nghèo vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, chúng tôi thực hiện phương châm: Làm hồ sơ tại nhà, giải ngân tại xã. Ở mỗi địa phương đều có tổ khuyến nông cộng đồng xuống tận thôn, bon, xã để hỗ trợ tín dụng chính sách xã hội. Ngân hàng cũng chủ động tuyên truyền đến những hộ vay vốn có mô hình làm ăn hiệu quả để chia sẻ, nhân rộng trong cộng đồng, giúp mọi người học hỏi, làm theo. Ngoài cho vay, ngân hàng luôn tính đến hiệu quả sử dụng đồng vốn, sinh kế bền vững cho người nghèo, và đặc biệt là đồng bào dân tộc tại chỗ” - ông Vũ Anh Đức cho hay.
Một phòng giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội ở Đắk Nông. (Ảnh: VOV.VN) |
Tín dụng chính sách đã và đang mang đến nguồn vốn thiết thực, thắp lên niềm tin, tạo cơ hội vươn lên cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo và đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Nông. Từ những nương rẫy kém giá trị, nhiều gia đình đã chuyển hướng thành công, thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/tin-dung-chinh-sach-don-bay-giup-ba-con-dan-toc-thieu-so-tay-nguyen-thoat-ngheo-post1194073.vov
Nguồn: https://thoidai.com.vn/tin-dung-chinh-sach-don-bay-giup-ba-con-dan-toc-thieu-so-tay-nguyen-thoat-ngheo-212936.html
Bình luận (0)