Nhiều người chia sẻ cách uống nước cốt chanh buổi sáng để chữa bệnh - Ảnh minh họa
Sức hút từ một “liệu pháp tự nhiên”
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, việc uống nước chanh - đặc biệt là nước cốt chanh nguyên chất - mỗi sáng đang trở thành xu hướng phổ biến trên mạng xã hội và các nền tảng quảng bá chăm sóc sức khỏe.
Với lời hứa về khả năng “giải độc”, “giảm cân”, “làm đẹp da” hay “tăng miễn dịch”, nhiều người chọn thói quen này mà không cân nhắc kỹ lưỡng về mặt y học.
Đặc điểm nổi bật trong nước cốt chanh là chứa lượng calo thấp nhưng rất giàu các chất có lợi như vitamin C. Một quả chanh cung cấp 20-50mg vitamin C, hỗ trợ miễn dịch, bảo vệ tế bào khỏi oxy hóa.
Axit citric chiếm 5-6% nước cốt, hỗ trợ ngăn sỏi thận và hấp thu khoáng chất.
Kali, flavonoid và polyphenol, có vai trò điều hòa huyết áp và chống viêm.
Tuy nhiên nước cốt chanh lọc kỹ không còn chất xơ, mất đi lợi ích tạo cảm giác no hay ổn định đường huyết.
Theo đó, chanh giúp tăng cường miễn dịch nhờ vitamin C và flavonoid. Ngăn ngừa sỏi thận canxi oxalat bởi axit citric tăng lượng citrate trong nước tiểu, ngăn hình thành tinh thể.
Tăng hấp thu sắt khi vitamin C và axit citric giúp hấp thu sắt non-heme từ thực vật, phòng thiếu máu.
Ngoài ra chanh còn giúp làm đẹp da, hỗ trợ tổng hợp collagen, chống oxy hóa; hỗ trợ hydrat hóa - đặc biệt hiệu quả khi pha loãng. Có thể giúp giảm calo gián tiếp khi thay nước ngọt bằng nước chanh pha loãng.
“Tuy nhiên, các lợi ích như “giải độc gan”, “đốt mỡ” hay “kiềm hóa máu” chưa bao giờ được khoa học xác nhận”, bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Rủi ro khi dùng nước cốt chanh hằng ngày
Theo bác sĩ Hoàng, rủi ro đầu tiên đó là khiến men răng bị ăn mòn. Axit citric hòa tan men răng, dẫn đến ê buốt, vàng răng và sâu răng. Nguy cơ cao khi uống nguyên chất, không dùng ống hút, hoặc uống trước khi đánh răng.
Thứ hai là có thể gây kích ứng đường tiêu hóa. Đặc biệt với người bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD), viêm loét dạ dày. Uống khi bụng đói dễ gây ợ nóng, buồn nôn.
Thứ ba là ảnh hưởng thận, đặc biệt người bệnh thận cần hạn chế kali, có thể gặp vấn đề nếu uống quá nhiều. Một số nghiên cứu còn nghi ngờ về ảnh hưởng đến pH nước tiểu.
Bên cạnh đó, uống nước cốt chanh hằng ngày có thể gây đau nửa đầu (Migraine) do tyramine trong chanh; gây loét miệng, tăng nhạy cảm ánh nắng (nếu dùng ngoài da) do tính axit và các hợp chất nhạy cảm ánh sáng.
Đặc biệt, nước cốt chanh có thể gây tương tác thuốc, do axit citric và limonene có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa thuốc như warfarin (chống đông máu), statin (giảm mỡ máu), itraconazole (thuốc chống nấm),…
Nên uống nước chanh thế nào?
Cũng theo chuyên gia này, với những rủi ro khi uống nước cốt chanh mang lại thì việc pha loãng nước chanh là hình thức an toàn hơn rõ rệt, không khuyến khích dùng nước cốt nguyên chất hằng ngày.
Thay vào đó nên pha loãng nước chanh theo cách 1/4-1/2 quả chanh với 240-300ml nước; ưu tiên uống bằng ống hút, tránh tiếp xúc với răng; súc miệng sau khi uống, chờ 30-60 phút mới đánh răng.
Đặc biệt, không uống khi bụng đói nếu có bệnh dạ dày. Không uống quá 1-2 ly/ngày.
Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bệnh lý nền hoặc đang dùng thuốc.
Ngoài ra, một số người nên tránh sử dụng nước chanh thường xuyên như người bị viêm loét dạ dày, bệnh thận mạn, đang dùng thuốc tương tác với chanh, bị mòn men răng, người dị ứng với trái cây họ cam quýt.
“Việc uống nước chanh pha loãng có thể là một phần hữu ích trong chế độ ăn uống lành mạnh nếu được thực hiện đúng cách. Trái lại, thói quen uống nước cốt chanh nguyên chất hằng ngày tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt về răng và tiêu hóa”, bác sĩ Hoàng khuyến cáo.
Nguồn: https://tuoitre.vn/trend-uong-nuoc-cot-chanh-suc-hut-tu-lieu-phap-tu-nhien-tiem-an-nhieu-rui-ro-20250502104231153.htm
Bình luận (0)