Chia sẻ tại toạ đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, mặc dù chúng ta đang nói nhiều đến thế giới số, nhưng đích đến cuối cùng của con người vẫn là thế giới thực. Thế giới số chỉ đóng vai trò hỗ trợ, nhằm làm cho thế giới thực trở nên phong phú và tốt đẹp hơn. Tương tự, giữa không gian số và không gian thực, điều con người hướng tới sau cùng vẫn là giá trị và trải nghiệm trong không gian thực.
Chính vì vậy, từ vài năm gần đây, Đại học Kinh tế Quốc dân đã xác định rõ quan điểm không cấm sinh viên sử dụng AI hay các công cụ như ChatGPT. Điều quan trọng không nằm ở việc có sử dụng hay không, mà là cách sinh viên vận dụng những công cụ này một cách hiệu quả và đúng mục đích.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương cho rằng, đối với sinh viên, yêu cầu cốt lõi là phải có khả năng làm chủ công nghệ và làm chủ tình huống. Trong quá trình học tập, các công cụ như ChatGPT có thể hỗ trợ đưa ra câu trả lời, tuy nhiên, điều quan trọng là sinh viên cần hiểu, phân tích và vận dụng được những câu trả lời đó.
![]() |
Quang cảnh toạ đàm |
“Làm chủ” có nghĩa là sinh viên phải biết đặt ra vấn đề, nắm được quy trình tư duy và giải quyết vấn đề. Khi đó, các công cụ chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong việc đưa ra lời giải. Vai trò của giảng viên là trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng và phương pháp tư duy phù hợp, từ đó giúp các em có thể hiểu sâu, sử dụng công nghệ một cách chủ động và hiệu quả.
Trong thời đại số, những nội dung mang tính ghi nhớ hay tổng hợp hoàn toàn có thể được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra đối với sinh viên thế hệ mới không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận thông tin, mà còn là khả năng đặt vấn đề, hiểu phương pháp, phát triển tư duy phản biện và sáng tạo.
AI sẽ là một công cụ, một người bạn đồng hành trong quá trình học tập và nghiên cứu, nhưng yếu tố then chốt vẫn là tư duy và nền tảng kiến thức của mỗi cá nhân - để hiểu, đánh giá và làm chủ những gì công nghệ mang lại.
Đại học Kinh tế Quốc dân đang từng bước triển khai mô hình đào tạo theo phương thức Lecture/Seminar. Với mô hình này, khoảng một nửa thời lượng của mỗi học phần cho phép sinh viên lựa chọn đến lớp hoặc không, tùy theo nhu cầu. Các bài giảng tại phòng học thông minh sẽ được ghi hình đầy đủ, giúp sinh viên có thể theo dõi trực tuyến hoặc lưu lại để học bất kỳ thời điểm nào. Phần còn lại của môn học sẽ diễn ra dưới hình thức Seminar - nơi sinh viên tăng cường tương tác với nhau, thảo luận với giảng viên và giải quyết các tình huống thực tiễn, bài tập ứng dụng hoặc nhiệm vụ cụ thể.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương bày tỏ kỳ vọng, với phương thức đào tạo Lecture/Seminar kết hợp cùng các công cụ hỗ trợ như ChatGPT và nhiều phần mềm ứng dụng khác, quá trình học tập của sinh viên sẽ trở nên thuận lợi hơn, rút ngắn thời gian tiếp thu nhưng vẫn tiếp cận được khối lượng kiến thức lớn, đồng thời làm chủ tốt hơn các công nghệ hiện đại. Đây cũng là mục tiêu đào tạo của nhà trường trong bối cảnh chuyển đổi số và sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo hiện nay.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân đặt mục tiêu phát huy những năng lực nội tại, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu công nghệ vào hoạt động giảng dạy và đào tạo. Nhà trường đang từng bước đổi mới từ việc xây dựng giáo trình, phương pháp đánh giá sinh viên, đến việc tích hợp AI vào bài giảng nhằm tăng tính sinh động, nâng cao hiệu quả truyền đạt kiến thức và tạo cảm hứng học tập cho sinh viên.
![]() |
Phó Giám đốc Đại học Kinh tế quốc dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Huy Nhượng phát biểu tại toạ đàm. |
Trong khi đó, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế quốc dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Huy Nhượng cho biết, trong những năm vừa qua, Đại học Kinh tế Quốc dân đã có sự thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ cả về cơ cấu tổ chức cũng như việc nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường đặt mục tiêu phát huy những năng lực nội tại, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu công nghệ vào hoạt động giảng dạy và đào tạo; đang từng bước đổi mới từ việc xây dựng giáo trình, phương pháp đánh giá sinh viên, đến việc tích hợp AI vào bài giảng nhằm tăng tính sinh động, nâng cao hiệu quả truyền đạt kiến thức và tạo cảm hứng học tập cho sinh viên.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy - học tập để thích ứng với sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo.
Hiệu trưởng Trường Công nghệ, Đại học Kinh tế quốc dân, Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy cho biết: Ứng dụng AI vào giáo dục sẽ giúp giảng viên nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua việc tạo đề cương, bài giảng. Đồng thời, tự động hóa các công việc lặp đi lặp lại như chấm bài, kiểm tra ngữ pháp, dành thời gian cho các công việc giá trị hơn như hướng dẫn sinh viên, đổi mới phương pháp dạy học. AI hỗ trợ giảng viên tự phát triển bản thân, tự học thêm các kiến thức mới, công nghệ mới, kỹ năng mới. AI cũng hỗ trợ các giảng viên trong nghiên cứu khoa học bởi sẽ giúp tự động hóa các công đoạn: tìm kiếm tài liệu, trích dẫn, tóm tắt tự động giúp hiểu nhanh nội dung cốt lõi; giúp viết bài báo học thuật hiệu quả: gợi ý cấu trúc bài viết, chuẩn hóa theo học thuật quốc tế, kiểm tra chính tả, ngữ pháp, diễn đạt tự nhiên.
![]() |
Hiệu trưởng Trường Công nghệ, Đại học Kinh tế quốc dân, Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy chia sẻ ứng dụng AI vào giáo dục |
Đối với sinh viên, AI giúp tối ưu hóa thời gian và hiệu quả học tập. Khi sử dụng AI đúng cách, sinh viên học được cách đặt câu hỏi, kiểm chứng thông tin, tư duy phản biện. AI cũng có thể gợi ý phản biện lại một luận điểm, giúp sinh viên nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, cũng như hỗ trợ học ngoại ngữ và kỹ năng.
Tọa đàm được tổ chức nhằm tạo không gian trao đổi, thảo luận giữa các chuyên gia và giảng viên về những xu hướng đổi mới trong phương pháp giảng dạy và học tập thời kỳ chuyển đổi số, đặc biệt trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo và công nghệ đang tác động sâu rộng đến lĩnh vực giáo dục.
Đây cũng là dịp để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ và AI vào hoạt động giảng dạy, hướng tới nâng cao hiệu quả đào tạo, thúc đẩy cá nhân hóa trong quá trình học tập và phát triển tư duy sáng tạo cho người học. Sự kiện thu hút sự quan tâm và tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên cùng các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ.
Nguồn: https://nhandan.vn/tri-tue-nhan-tao-thuc-day-doi-moi-phuong-phap-giang-day-va-hoc-tap-post872900.html
Bình luận (0)