Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương tập trung số lượng cơ sở giáo dục đại học nhiều nhất cả nước.Trong 50 năm qua, cùng với xu hướng mở rộng quy mô, tăng số lượng cơ sở giáo dục đại học, thành tựu quan trọng trong phát triển giáo dục đại học phải kể đến việc đẩy mạnh đào tạo theo hướng chuẩn quốc tế và sớm triển khai đào tạo lĩnh vực công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Cùng với đó, lĩnh vực nghiên cứu ở các trường được chú trọng đầu tư, cả về con người và cơ sở vật chất phòng thí nghiệm; qua đó có những đóng góp quan trọng thúc đẩy khoa học - công nghệ phát triển.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết đề cập một số kết quả nổi bật cũng như định hướng đào tạo và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong quá trình phát triển và hội nhập.
Bài 1:Thực hiện chiến lược đột phá,hướng đến chuẩn quốc tế
Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững. Bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng cùng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện, các cơ sở giáo dục đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện chiến lược đột phá để phát triển nguồn nhân lực với những kỹ năng và kiến thức phù hợp xu thế phát triển toàn cầu.
Đào tạo hướng đến chuẩn quốc tế
Chương trình đào tạo hướng đến chuẩn quốc tế là một trong những giải pháp trọng yếu để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhiều trường đại học xác định quốc tế hóa giáo dục trong hoạt động đào tạo là nhiệm vụ chiến lược; trong đó đẩy mạnh kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn mực quốc tế được các trường chú trọng.
Là trường đại học hàng đầu về kỹ thuật, công nghệ ở phía Nam, việc phát triển và chuẩn hóa chương trình đào tạo theo chuẩn mực quốc tế là một trong những kết quả nổi bật trong công tác đào tạo của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua.Theo Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường, đẩy mạnh quốc tế hóa, trường có 22 ngành đào tạo hoàn toàn bằng Tiếng Anh với khoảng 23% sinh viên đại học tham gia. Việc giảng dạy còn được triển khai theo mô hình đồng giảng với giảng viên nước ngoài. Mỗi năm có hơn 100 lượt môn học có giảng viên nước ngoài giảng dạy. Trường đã và đang tiến hành tuyển dụng giảng viên toàn thời gian là người nước ngoài để tăng cường tính quốc tế trong đào tạo. Hoạt động trao đổi quốc tế cho sinh viên và giảng viên, các chương trình phát triển năng lực cá nhân sinh viên cũng được tăng cường. Đến năm 2024, trường có 66 chương trình đào tạo đã được kiểm định quốc tế (ABET, ASIN, AQAS, FIBAA, CTI, AUN-QA), dẫn đầu cả nước.
Định hướng giai đoạn tới, trường xác định xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, tăng cường trải nghiệm cho sinh viên, nâng cao mức độ sẵn sàng quốc tế hóa cho sinh viên và nhà trường là các điểm nhấn chiến lược để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngang tầm thế giới. Một trong những mục tiêu đặt ra là 30% sinh viên theo học các chương trình đào tạo quốc tế; ít nhất 72% sinh viên đạt chuẩn ngoại ngữ vượt trội.
Tại Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, các chương trình đào tạo cũng đều được xây dựng theo định hướng chuẩn quốc tế. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo của nhà trường chia sẻ, việc xây dựng chương trình đào tạo của trường mang tính liên ngành. Cùng với các môn cốt lõi, trường có nhiều môn mang tính mở, tự chọn để sinh viên ra trường có thể tiếp cận ngành nghề ở nhiều hướng khác nhau, trong bối cảnh có sự thay đổi rất nhanh về công nghệ. Công tác kiểm định quốc tế các chương trình đào tạo cũng được nhà trường chú trọng.
Hiện, trường có 23 chương trình đạt chuẩn kiểm định AUN, 6 chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET; hướng tới tất cả chương trình đào tạo đều được kiểm định quốc tế. Nhà trường tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong sinh viên, giảng viên thông qua hoạt động thực tập ở nước ngoài, tổ chức các chương trình học thuật quốc tế…
Công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng cũng được Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng ngày từ những ngày đầu thành lập. Trường đã được công nhận đạt chuẩn ASIIN (2023), AUN-QA (2018) và chuẩn MOET (2016). Gần 80% chương trình đào tạo bậc đại học được kiểm định thành công bởi các tổ chức đánh giá, kiểm định có uy tín trong và ngoài nước.
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Nắm bắt nhu cầu nhân lực chất lượng cao trước yêu cầu phát triển bền vững, các trường đại học đã sớm triển khai đào tạo các ngành công nghệ cao, lĩnh vực then chốt như trí tuệ nhân tạo (AI), vi mạch bán dẫn, robot… và đẩy mạnh đào tạo theo hướng liên ngành.
Từ hơn 20 năm trước, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đào tạo về vi mạch với việc tích hợp nội dung này trong một số ngành đào tạo thuộc khoa Điện - Điện tử. Trước nhu cầu cấp thiết từ thực tiễn về nguồn nhân chất lượng cao về thiết kế vi mạch, năm học 2024 - 2025, trường chính thức tuyển sinh 2 mã ngành đào tạo mới là Thiết kế vi mạch (đại học) và Vi mạch bán dẫn (sau đại học).Trước đó một năm, chương trình này đã được vận hành thông qua việc phân ngành sinh viên đang học năm hai ở các ngành hiện có về vi mạch. Hai chương trình đào tạo mới của trường được kỳ vọng góp phần tăng cường lực lượng kỹ sư cho ngành thiết kế vi mạch bán dẫn trong cả nước.
Tiến sĩ Huỳnh Phú Minh Cường, Phó khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, thiết kế vi mạch và bán dẫn là một trong những lĩnh vực trường chú trọng đầu tư cả trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Đây cũng là lĩnh vực mang tính chiến lược của quốc gia giai đoạn hiện nay.
Cùng với tiếp tục đẩy mạnh các ngành đào tạo truyền thống, những năm gần đây, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát triển các chương trình đào tạo mới, gắn với nhu cầu xã hội, như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Khoa học dữ liệu... Trường là một trong những đơn vị đi đầu trong mở ngành đào tạo về AI (đào tạo bậc đại học từ năm 2021 và thạc sĩ, tiến sĩ từ năm 2022). Chương trình đào tạo bao gồm các môn học về học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính và hệ thống thông minh. Chương trình đào tạo khoa học dữ liệu với định hướng phù hợp nhu cầu xã hội...
Nhiều trường khác cũng đẩy mạnh đào tạo lĩnh vực công nghệ cao, cả ở mức độ ngành đào tạo chuyên sâu và theo hướng tích hợp. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh triển khai ngành đào tạo về robot từ năm 2019. Năm 2024, trường tuyển sinh khóa đầu tiên cho chương trình Thiết kế vi mạch. Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh đào tạo lĩnh vực công nghệ cao, nổi bật như khoa học dữ liệu và AI, IoT và AI ứng dụng...
Cùng với bắt tay doanh nghiệp trong đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học và các địa phương còn thúc đẩy hợp tác với mục tiêu đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nhằm phát huy nguồn lực các trường đại học trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, năm 2017, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên thành lập Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn. Thành phố đã đặt hàng nhiều trường xây dựng đề án và triển khai thí điểm đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở một số ngành theo nhu cầu phát triển như: Công nghệ thông tin - Truyền thông; Trí tuệ nhân tạo; Tài chính - Ngân hàng; Quản lý đô thị...
Là đơn vị triển khai thí điểm đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao, bám sát chuẩn mực quốc tế; trong đó nhấn mạnh vào sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn, giúp sinh viên đáp ứng các yêu cầu việc làm, thích ứng nhanh với sự phát triển của công nghệ và quá trình hội nhập toàn cầu.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đã đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên,đặc biệt phối hợp với các giảng viên nước ngoài đến từ các đại học danh tiếng để tham gia đào tạo.Đặc biệt, sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp là điểm nhấn quan trọng trong quá trình triển khai chương trình này. Các doanh nghiệp sẽ tham gia tíchcực vào quá trình đào tạo, cung cấp cơ hội tham quan, kiến tập, thực tập và việc làm cho sinh viên. Điều này không chỉ giúp sinh viên tăng cường kiến thức thực tế và kỹ năng, tự tin bước vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp, mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp tuyển chọn được những nhân tài chất lượng cao.
Bài cuối: Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/trung-tam-dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao-bai-1-thuc-hien-chien-luoc-dot-pha-huong-den-chuan-quoc-te/20250502024331199
Bình luận (0)