Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

TS, Bác sĩ Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa: Cần phải giải quyết những thách thức về nguồn lực...

(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, ngành y tế Thanh Hóa đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, từng bước xây dựng hệ thống y tế thông minh, đưa tỉnh nhà trở thành trung tâm y tế kỹ thuật cao trong khu vực, xứng đáng là 1 trong những trụ cột tăng trưởng với mục tiêu cao nhất là đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc, khám, chữa bệnh của Nhân dân. Đây là tiền đề quan trọng để ngành y tế Thanh Hóa triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW (sau đây viết tắt là NQ 57) ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Xoay quanh nội dung này, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với TS, bác sĩ Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa21/04/2025

TS, Bác sĩ Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa: Cần phải giải quyết những thách thức về nguồn lực...

Làm chủ được nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu, phức tạp

Phóng viên (PV): Thưa ông, đột phá về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, CĐS được xem là động lực then chốt để đưa dân tộc Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên vươn mình. Ngành y tế nói chung, y tế Thanh Hóa nói riêng cũng không nằm ngoài "dòng chảy" chung ấy. Xin ông cho biết trong những năm qua, ngành y tế Thanh Hóa đã đạt được những kết quả nổi bật nào trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS?

TS Lê Văn Cường: Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương có hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở phát triển tương đối đồng bộ, toàn diện, bao trùm, chuyên sâu. Toàn tỉnh đã có 38 bệnh viện công lập, 4 trung tâm y tế tuyến tỉnh, 26 trung tâm y tế tuyến huyện, 547 trạm y tế xã, phường, thị trấn, 20 bệnh viện tư nhân; 100% thôn, bản, tổ dân phố đều có cộng tác viên dân số, nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản để thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Toàn tỉnh đã đạt được 44 giường bệnh/vạn dân, thuộc nhóm cao nhất cả nước và vượt mục tiêu đề ra.

Để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, ngành y tế Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, dành nhiều nguồn lực, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật, không ngừng đầu tư và phát triển y tế chuyên sâu, kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị.

Đặc biệt, ngành y tế Thanh Hóa đã thành lập các nhóm hỗ trợ online gồm các chuyên gia y tế, quản lý y tế, công nghệ thông tin giúp hỗ trợ hội chẩn và nâng cao trình độ chuyên môn nhân viên y tế...

Hiện nay, ngành y tế Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc phát triển các dịch vụ kỹ thuật, làm chủ được nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu, phức tạp. Nhiều kỹ thuật mà trước đây chỉ thực hiện được ở tuyến Trung ương nhưng với y tế Thanh Hóa đã trở thành kỹ thuật thường quy. Một số bệnh viện đã được trang bị thiết bị y tế hiện đại có tích hợp trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ chẩn đoán và điều trị. Có thể khẳng định, thời gian qua, ngành y tế Thanh Hóa không ngừng nỗ lực, phấn đấu để hòa mình vào “dòng chảy” CĐS mạnh mẽ, đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS, đóng góp quan trọng vào công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Theo đó, 100% bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; tại các trạm y tế xã đã thực hiện triển khai và duy trì phần mềm y tế cơ sở HMIS; dữ liệu được kết nối thành công và thông suốt giữa cơ sở khám chữa bệnh với cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 100% đơn vị y tế công lập triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, được kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ việc gửi, nhận các văn bản điện tử từ Trung ương đến địa phương và giữa các đơn vị trong tỉnh...

Ngành y tế Thanh Hóa cũng đã từng bước chuẩn hóa, số hóa dữ liệu hành nghề y dược tư nhân, nghiệp vụ y dược, thanh tra, tiến tới hình thành cơ sở dữ liệu chung; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được đưa vào thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần; tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thí điểm sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID trên địa bàn tỉnh, đề xuất lựa chọn nhiệm vụ triển khai sổ sức khỏe điện tử là bước đột phá về CĐS năm 2025; đẩy mạnh việc triển khai bệnh án điện tử...

Cần có các giải pháp về tài chính, đào tạo nhân lực, hợp tác công tư và đồng bộ hóa chính sách...

PV: Sự ra đời của NQ 57 được xem là nguồn động lực mạnh mẽ, “chìa khóa” mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành y tế. Tuy nhiên, vấn đề nguồn lực để đáp ứng và triển khai đồng bộ, hiệu quả NQ 57 là một trong những thách thức lớn nhất, đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở. Ý kiến, nhận định của ông như thế nào về vấn đề này?

TS Lê Văn Cường: Sự ra đời của NQ 57 thực sự là một bước đi quan trọng, tạo ra nhiều cơ hội phát triển, không chỉ cho ngành y tế mà còn cho toàn bộ các ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, việc vận dụng được tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng tại NQ 57, Chương trình hành động của Chính phủ, đưa nhiệm vụ đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS thành phong trào có sức lan tỏa rộng khắp, mang lại hiệu quả thiết thực, tác động đến từng cá nhân, đơn vị là điều không dễ dàng. Song hành với thời cơ, thuận lợi, NQ 57 đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực, đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở.

Tuyến y tế cơ sở là nơi tiếp cận dịch vụ y tế của đại đa số người dân nhưng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cũng như đội ngũ nhân lực tại đây chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân. Việc triển khai CĐS và áp dụng công nghệ vào y tế tại đây đòi hỏi một sự đầu tư lớn về hạ tầng mạng, hệ thống phần mềm, thiết bị y tế hiện đại và đào tạo nhân lực.

Để NQ 57 có thể phát huy hiệu quả, việc đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ y tế cơ sở, là rất quan trọng. Họ cần được trang bị kiến thức về khoa học công nghệ, kỹ năng số và khả năng sử dụng các công nghệ mới trong công tác khám chữa bệnh. Điều này đòi hỏi một hệ thống đào tạo chuyên sâu và liên tục, cũng như các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ y tế.

Việc triển khai NQ 57 không chỉ là một cuộc cách mạng công nghệ, mà còn là một cuộc cách mạng sâu rộng trong nhận thức, quy trình và cơ chế hoạt động của ngành y tế. Do đó, các chính sách, quy định và kế hoạch hành động cần được đồng bộ, đặc biệt là trong việc kết nối các cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương, tạo ra một hệ thống y tế thông minh và hiệu quả.

Giải pháp tài chính và đầu tư cũng là điều cần phải bàn nhiều trong quá trình triển khai NQ 57, nhất là ở tuyến cơ sở. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có những giải pháp tài chính, như đầu tư ngân sách công, các quỹ hỗ trợ, hoặc các chương trình vay ưu đãi, để các cơ sở y tế có thể tiếp cận được nguồn lực cần thiết để triển khai CĐS và ứng dụng khoa học công nghệ. Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở y tế công lập với các doanh nghiệp công nghệ, các tổ chức nghiên cứu để phát triển các giải pháp y tế thông minh sẽ góp phần cải thiện hiệu quả công tác điều trị và nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Tóm lại, NQ 57 có thể trở thành “chìa khóa” để thúc đẩy ngành y tế phát triển mạnh mẽ, nhưng để đạt được thành công, cần phải giải quyết những thách thức về nguồn lực, đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở. Các giải pháp về tài chính, đào tạo nhân lực, hợp tác công tư và đồng bộ hóa chính sách là rất quan trọng để triển khai nghị quyết này một cách hiệu quả.

Phát triển mạng lưới y tế số và y tế từ xa...

PV: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia – Đó không phải là câu chuyện của nay, mai mà đòi hỏi quyết tâm cao độ với chiến lược dài hơi, bài bản. Thời gian tới, ngành y tế Thanh Hóa sẽ ưu tiên, tập trung vào những giải pháp cụ thể nào để tận dụng tốt các thời cơ, tạo sự đột phá hơn nữa về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, CĐS?

TS Lê Văn Cường: Bám sát quan điểm, định hướng, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, thời gian tới, ngành y tế Thanh Hóa sẽ ưu tiên, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trên toàn hệ thống y tế.

Bên cạnh việc nâng cao công tác quản lý, điều hành, tăng cường vai trò lãnh đạo với tinh thần đổi mới, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu, ngành y tế Thanh Hóa sẽ triển khai đồng bộ, liên tục, có lộ trình các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp thái độ phục vụ, nâng cao tay nghề và chuyển giao kỹ thuật cho nhân lực y tế, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở. Đồng thời khuyến khích phát triển các đề tài, nghiên cứu khoa học và công nghệ trong ngành y tế. Ưu tiên các đề tài nghiên cứu khoa học về ứng dụng AI, CĐS trong chẩn đoán và hỗ trợ điều trị...

Đầu tư đồng bộ và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng y tế, nhất là y tế cơ sở, phát triển hệ thống y tế chuyên sâu về các lĩnh vực như ung bướu, tim mạch, thần kinh, để dần trở thành một trung tâm y tế uy tín trong khu vực Bắc Trung bộ. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, điều chuyển thiết bị y tế giữa các đơn vị y tế trong ngành nhằm phát huy hiệu quả sử dụng.

Phát triển mạng lưới y tế số, tạo ra một mạng lưới các cơ sở y tế kết nối với nhau, nơi mà các bệnh viện, trung tâm y tế có thể chia sẻ thông tin về bệnh án, kết quả xét nghiệm và các thông tin liên quan đến bệnh nhân. Điều này không chỉ giúp cải thiện quy trình làm việc mà còn nâng cao sự đồng bộ trong công tác chăm sóc sức khỏe và tiết kiệm chi phí trong khám, chữa bệnh.

Phát triển y tế từ xa và kết nối các chuyên gia, các bác sĩ có thể từ xa hỗ trợ chẩn đoán và điều trị cho các bệnh nhân, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là một giải pháp quan trọng trong việc bảo đảm người dân ở mọi khu vực đều có thể tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao.

Thúc đẩy CĐS và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám, chữa bệnh. Chủ động ưu tiên các nguồn lực của đơn vị để đầu tư triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (EMR), tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt; chữ ký số; khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, sổ sức khỏe trên ứng dụng VNeID và cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại hóa nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, giảm thiểu chi phí và tăng cường hiệu quả điều hành của toàn ngành.

PV: Trân trọng cảm ơn ông !

Hương Thảo (thực hiện)

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ts-bac-si-le-van-cuong-pho-giam-doc-so-y-te-thanh-hoa-can-phai-giai-quyet-nhung-thach-thuc-ve-nguon-luc-246297.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm