Vào lúc 6 giờ 30, sáng nay 30.4, tại TP.HCM diễn ra lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia, nhân kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).
Sự kiện trọng đại này do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP.HCM phối hợp tổ chức. Trong đó, TP.HCM đóng vai trò chủ trì thực hiện, phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ VH-TT-DL cùng các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động cụ thể.
Các chiến sĩ binh chủng tăng - thiết giáp được trang bị súng tiểu liên STV-215, sải bước trong đội hình diễu binh
ẢNH: NHẬT THỊNH
Từ giữa tháng 4.2025, các lực lượng tham gia đã tiến hành nhiều buổi hợp luyện để hoàn thiện đội hình, động tác. Các buổi hợp luyện chính thức diễn ra vào ngày 18.4 và 22.4; sơ duyệt cấp nhà nước được tổ chức ngày 25.4 và tổng duyệt toàn bộ vào ngày 27.4.
Đội hình diễu binh năm nay quy tụ nhiều khí tài và trang thiết bị hiện đại, như súng tiểu liên STV-215, STV-022, STV-380, mũ chống đạn tích hợp thiết bị quang học điện tử (gồm đèn pin, ống nhòm quan sát đêm, camera ảnh nhiệt…), thiết bị thông tin liên lạc, mũ chống đạn K59, áo giáp chống đạn K56 do Nhà máy Z117 (thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng) sản xuất.
Súng STV-215 tại lễ diễu binh 30.4
Súng tiểu liên STV-215 là phiên bản carbine của dòng súng STV (súng trường Việt Nam), do Nhà máy Z111 sản xuất và thiết kế. Đây là một trong những mẫu súng hiện đại do Việt Nam tự nghiên cứu và chế tạo, dựa trên nền tảng súng Galil ACE nhưng được điều chỉnh theo yêu cầu chiến thuật, thể trạng của bộ đội Việt Nam.
Súng STV-215 sử dụng đạn 7,62×39 mm (chung với AK). Với chiều dài nòng 215 mm, trọng lượng khoảng 3,7 kg và tốc độ bắn 700 viên/phút, STV-215 nhỏ gọn, cơ động, phù hợp cho tác chiến đô thị và các nhiệm vụ đặc biệt.
Súng cũng được trang bị thanh ray Picatinny, cho phép gắn thêm ống ngắm, đèn pin..., có độ ổn định, độ bền cao, thích hợp cho bộ binh tác chiến thông thường.
Trong lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất tại TP.HCM, súng STV-215 được trang bị cho các khối chiến sĩ tăng - thiết giáp, nữ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, lực lượng tác chiến không gian mạng, chiến sĩ đặc nhiệm dù.
Các nữ quân nhân lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam, đội mũ beret xanh đặc trưng, cầm súng tiểu liên STV-215
ẢNH: NHẬT THỊNH
Chiến sĩ khối tác chiến không gian mạng được trang bị súng tiểu liên STV-215
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Khối chiến sĩ đặc nhiệm dù đội mũ bảo hiểm chiến thuật (có lắp đèn pin, kính bảo hộ mắt), mang súng STV-215 và đeo máy thu phát vô tuyến điện sóng cực ngắn
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Súng STV-022
Súng tiểu liên STV-022 là một biến thể nhỏ gọn nhất trong dòng súng STV, do Nhà máy Z111 thiết kế và chế tạo.
Được phát triển dựa trên nền tảng của STV-215, STV-022 có thiết kế ngắn hơn, trọng lượng khoảng 2,8 kg, sử dụng đạn 7,62×39 mm và có tầm bắn hiệu quả khoảng 250 m. Súng có chiều dài 470 mm, tốc độ bắn lý thuyết là 700 phát/phút và hộp tiếp đạn có 15 viên.
Đây là loại súng gọn nhẹ, trang bị cho lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt và vệ binh. Súng cũng được trang bị ray Picatinny để lắp các thiết bị bổ sung.
Trong lễ diễu binh 30.4, khối chiến sĩ đặc công được trang bị STV-022
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Súng STV-380
Súng STV-380 là mẫu súng do Việt Nam tự thiết kế và sản xuất tại Nhà máy Z111. Đây là phiên bản cải tiến từ súng Galil ACE của Israel, được điều chỉnh để phù hợp điều kiện tác chiến và thể trạng của bộ đội Việt Nam.
Súng STV-380 sử dụng cỡ đạn 7,62×39 mm, có trọng lượng khoảng 3,6 kg (chưa nạp đạn) và 4,1 kg (khi nạp đầy đạn).
STV-380 có thiết kế cân đối, thuận tiện cho bộ binh cơ động trên nhiều địa hình. Nòng súng dài 380 mm, cho phép đạt sơ tốc đầu đạn từ 700 đến 715 m/s, tấn công hiệu quả trong tầm bắn khoảng 300 m.
Tốc độ bắn của STV-380 đạt khoảng 700 - 950 phát/phút, phù hợp yêu cầu tác chiến cường độ cao. Súng cũng trang bị ray Picatinny tiêu chuẩn, cho phép lắp thêm kính ngắm, ống phóng lựu, đèn pin chiến thuật...
Ngoài ra, báng gập linh hoạt giúp xạ thủ dễ dàng thao tác trong các môi trường hẹp hoặc khi di chuyển liên tục. Súng thích hợp cho các đơn vị cần tầm bắn xa và độ chính xác cao hơn như bộ binh cơ động hoặc các lực lượng gìn giữ hòa bình.
Trong dịp diễu binh 30.4 ở TP.HCM, các khối được trang bị súng STV-380 có thể kể đến là chiến sĩ lục quân, nam sĩ quan cảnh sát gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, chiến sĩ tác chiến điện tử.
Khối chiến sĩ lục quân mang súng STV-380 có gắn ống phóng lựu dưới nòng OPL-40M. Đây là loại ống phóng lựu 40 mm được thiết kế để gắn dưới nòng các súng trường như STV-380, nhằm tăng cường hỏa lực cho bộ binh. Lực lượng này cũng được trang bị một số khí tài mới như máy thu phát vô tuyến điện sóng cực ngắn, mũ bảo hiểm chiến thuật có thể tích hợp các trang bị hiện đại
ẢNH: ĐÌNH HUY
Khối chiến sĩ tác chiến điện tử mang súng STV-380 có gắn ống phóng lựu OPL-40M
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Súng tiểu liên bắn nhanh MP5A3
Súng tiểu liên MP5A3 là một biến thể của dòng súng MP5 nổi tiếng, do hãng Heckler & Koch (H&K) của Tây Đức thiết kế và phát triển vào thập niên 1960.
MP5A3 sử dụng đạn 9x19 mm Parabellum, có tốc độ lên đến 800 phát/phút, tầm bắn hiệu quả khoảng 100 m.
Súng có thiết kế nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ và độ giật thấp, phù hợp cho các nhiệm vụ tác chiến trong không gian hẹp hoặc đô thị.
MP5A3 cũng được trang bị các ray Picatinny để lắp thêm phụ kiện như ống ngắm, đèn pin hoặc laser, tăng cường khả năng tác chiến trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc môi trường phức tạp.
Nữ chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm mang súng tiểu liên bắn nhanh MP5A3
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Súng trường bán tự động CKC
Súng CKC (viết tắt của "Симоновский Карабин Самозарядный" trong tiếng Nga) hay SKS (Simonov Self-loading Carbine) là loại súng trường bán tự động do kỹ sư người Liên Xô Sergei Gavrilovich Simonov thiết kế vào đầu thập niên 1940.
CKC sử dụng đạn cỡ 7,62x39 mm, cùng loại với súng AK-47. Tại Việt Nam, CKC là một trong những vũ khí gắn liền với hình ảnh người lính trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là lực lượng dân quân tự vệ.
Khối nam dân quân biển mang súng CKC. Súng có kiểu dáng cổ điến, với báng gỗ dài và thẳng, có lưỡi lê gắn cố định phía dưới nòng súng
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Súng AR-15
Súng AR-15 do Công ty ArmaLite của Mỹ phát triển vào cuối thập niên 1950. AR-15 được thiết kế với cơ chế hoạt động bằng khí trích trực tiếp, cho phép giảm trọng lượng và tăng độ chính xác.
Với thiết kế mô-đun, AR-15 cho phép người dùng dễ dàng thay thế các phụ kiện như tay cầm, báng súng và kính ngắm, phù hợp nhiều tình huống sử dụng khác nhau.
Trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng du kích miền Nam đã sử dụng súng AR-15, chủ yếu là các phiên bản như M16 và CAR-15, thu được từ quân đội Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Sau ngày đất nước thống nhất, lực lượng vũ trang ta thu giữ được số lượng lớn súng AR-15 do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, loại súng này sử dụng đạn cỡ 5,56 mm, trong khi nguồn đạn này ở ta rất hạn chế.
Để tận dụng hiệu quả, ta đã tiến hành cải biên AR-15 thành súng sử dụng đạn 7,62 mm, cùng cỡ với đạn tiểu liên AK. Đầu năm 1982, Viện Vũ khí chính thức triển khai đề tài "Nghiên cứu thiết kế cải biên súng tiểu liên AR-15 thành trung liên bắn đạn 7,62 mm".
Khối nữ du kích miền Nam đội mũ tai bèo, quấn khăn rằn Nam bộ và đeo súng AR-15
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Khí tài khác
Ngoài ra, các khối diễu binh còn được trang bị nhiều khí tài hiện đại, như máy vô tuyến điện VRH-811S, ăng ten 3 lá ngụy trang.
Trong đó, máy vô tuyến điện là thiết bị thông tin chiến thuật do Viettel High Tech nghiên cứu và sản xuất. Thiết bị này sử dụng công nghệ SDR (Software Defined Radio), cho phép việc cập nhật và nâng cấp tính năng qua phần mềm được linh hoạt. Cự ly liên lạc của máy vô tuyến điện lên đến 8 km với ăng ten dài trên địa hình bằng phẳng. Chức năng liên lạc chính là hỗ trợ truyền thoại tương tự và số có bảo mật, truyền tin nhắn, dữ liệu văn bản và hình ảnh.
Khối lực lượng tác chiến không gian mạng đeo máy thu phát vô tuyến điện sóng cực ngắn (do Viettel sản xuất)
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Khối nữ sĩ quan thông tin đeo súng ngắn, đội mũ bảo hiểm chiến thuật, đeo máy vô tuyến điện VRH-811S (do Viettel sản xuất) với ăng ten 3 lá ngụy trang
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Ngoài ra, lực lượng pháo binh triển khai 18 khẩu pháo 105 mm, trong đó có 15 khẩu sử dụng chính thức và 3 khẩu dự phòng, được bố trí tại công viên bến Bạch Đằng để bắn chào mừng lễ kỷ niệm.
Lễ diễu binh năm nay cũng có sự tham gia của 23 máy bay chiến đấu thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng), bao gồm:
- 7 tiêm kích Su-30MK2. Đây là loại máy bay chiến đấu đa năng hiện đại, thực hiện các màn bay biểu diễn như nhào lộn, thả bẫy nhiệt trên bầu trời TP.HCM.
- 6 máy bay huấn luyện - chiến đấu Yak-130.
- 10 trực thăng quân sự (Mi-171, Mi-17, Mi-8), bay theo đội hình 3-4-3, treo cờ Đảng và cờ Tổ quốc, bay qua khu vực lễ đài và trung tâm TP.HCM.
Đội hình tiêm kích Su-30MK2 bay qua trung tâm TP.HCM sáng 27.4, mở màn cho buổi tổng duyệt diễu binh cấp nhà nước
ẢNH: ĐỘC LẬP
Máy bay huấn luyện - chiến đấu đa năng Yak-130 cất cánh
ẢNH: MAI THANH HẢI
4/10 trực thăng quân sự (Mi-171, Mi-17, Mi-8)
ẢNH: MAI THANH HẢI
Nguồn: https://thanhnien.vn/vu-khi-va-khi-tai-toi-tan-tai-le-dieu-binh-304-o-tphcm-185250429153419344.htm
Bình luận (0)