Hơn 4 năm thực hiện, nhiều chỉ tiêu của chương trình cơ bản đã hoàn thành, tác động tích cực đến đời sống văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thời đại mới, nhất là khi Thủ đô cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhiều chỉ tiêu vượt mức
Chương trình số 06-CTr/TU đề ra 18 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu, được cụ thể hóa thành 22 chỉ tiêu. Sau hơn 4 năm triển khai, 17/18 chỉ tiêu của Chương trình đã hoàn thành, trong đó nhiều chỉ tiêu vượt mức.
Điển hình là: Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa; số di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tỷ lệ người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên; xây dựng thêm trường liên cấp ngang tầm các nước trong khu vực; số lao động được đào tạo nghề hằng năm…
Điểm nổi bật của việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU là thành phố đã xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, Tổ dân phố văn hóa. Môi trường văn hóa trong gia đình được triển khai với phương châm “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình” và thực hiện hệ giá trị gia đình Việt Nam “Ấm no - Tiến bộ - Hạnh phúc - Văn minh”. Môi trường văn hóa trong cộng đồng được triển khai cụ thể bằng mô hình xây dựng Thôn văn hóa, Tổ dân phố văn hóa; xã - huyện nông thôn mới.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài cho biết, nhiều mô hình hay về bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ đã tạo sự lan tỏa sâu rộng, tiêu biểu như: “Thôn, tổ dân phố thông minh”, “Thôn, tổ dân phố 5 không, 3 sạch”, “Tổ dân phố, thôn không ma túy”, xây dựng và giữ gìn “Ngõ phố sáng - xanh - sạch - đẹp”. Môi trường văn hóa trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được cụ thể hóa bằng mô hình “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” gắn với “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô”…
Văn hóa học đường được cải thiện rõ nét với nhiều mô hình được đưa vào trường học hiệu quả và có tính lan tỏa như: Mô hình “Nói không với bạo lực học đường”, “Học sinh Thủ đô ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông”, “Em yêu Hà Nội”, “Học sinh Thủ đô chăm ngoan, lễ phép”, “Nhà giáo Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Nhiều trường học đã ban hành tiêu chí xây dựng “Trường học hạnh phúc”… Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, văn minh nơi thờ tự, chuyển biến rõ nét. Các lễ hội truyền thống diễn ra ngày càng văn minh, an toàn và hấp dẫn người dân, du khách.
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được thực hiện hiệu quả, góp phần không nhỏ vào phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành công tác kiểm kê di tích, tiếp tục là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước với 6.489 di tích.
Điểm sáng nổi bật là Hà Nội đi đầu cả nước về thực hiện phát triển công nghiệp văn hóa. Trong các đợt kiểm tra công tác triển khai Chương trình số 06-CTr/TU tại cơ sở, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định, thành phố đã thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với việc định vị thương hiệu mới, mục tiêu mới cho thành phố Hà Nội. Trong đó, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động bảo đảm thực hiện các cam kết tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực “Thiết kế sáng tạo”.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU, Thủ đô đã xây dựng 5 không gian văn hóa sáng tạo tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, các công viên sáng tạo tại các địa phương Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Đống Đa... Nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa được xây dựng gắn với ứng dụng công nghệ mang đến hiệu quả cao cho việc thu hút du khách như ứng dụng 3D mapping trong sản phẩm tour đêm tại đền Ngọc Sơn, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Lễ hội ánh sáng hồ Tây, Lễ hội sen Tây Hồ... Đến nay, du lịch Thủ đô đã cơ bản phục hồi kể từ sau đại dịch Covid-19. Năm 2024, tổng số khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 27,88 triệu lượt, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 6,35 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 110,66 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2023…
Văn hóa và con người là động lực phát triển
Trong các cuộc họp với Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong luôn nhấn mạnh: “Hà Nội xác định rõ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị”. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, việc phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội có nhiều dấu ấn rõ nét, đúng chủ trương về việc lấy văn hóa, con người làm động lực cho phát triển Thủ đô.
Trong quá trình triển khai, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào ngày 24-11-2021 và kế hoạch triển khai đợt sinh hoạt chính trị “Nghiên cứu, quán triệt tuyên truyền tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo hệ thống chính trị các cấp tập trung quán triệt sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 và phương hướng, nhiệm vụ công tác hằng năm của địa phương, đơn vị. Trong đó, đề cao vai trò của Bí thư cấp ủy các cấp, trực tiếp chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và thực hiện theo tinh thần đổi mới, thiết thực, tránh qua loa, hình thức, tập trung vào những nội dung cơ bản, các giải pháp thực hiện, phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực. Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19-2-2024 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Nhận định về xu hướng phát triển thế giới và khu vực ngày càng coi trọng văn hóa và gắn văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thành phố Hà Nội luôn bám sát chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đề cao tính đặc thù của bản sắc văn hóa dân tộc. Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU cũng nhận định, sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng còn diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn.
Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số... vừa đem lại những cơ hội, vừa tạo ra thách thức mới trong việc xây dựng và phát triển văn hóa của Thủ đô và đất nước. Trong các cuộc họp với cơ sở thời gian gần đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà luôn nhấn mạnh, các địa phương cần triển khai thực hiện Chương trình số 06/CTr-TU hiệu quả, sáng tạo và phù hợp với sự đổi mới, phát triển của Thủ đô và đất nước.
Bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc, Hà Nội xác định việc phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh cần mang yếu tố thời đại. Ban Chỉ đạo Chương trình số 06/CTr-TU xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tiếp tục triển khai hiệu quả các kế hoạch xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; thúc đẩy phát triển văn hóa sáng tạo trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố sáng tạo, lấy con người làm trung tâm, văn hóa làm thế mạnh, nền tảng tinh thần để tạo động lực và nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là việc đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài sẽ được quan tâm, phát triển hơn nữa. Hà Nội sẽ xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, thu hút, sử dụng các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, triển khai Luật Thủ đô 2024; xây dựng tiêu chí người Hà Nội tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam…
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, việc phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội đã có chuyển biến rõ nét, tác động sâu sắc đến đời sống, xã hội, góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng hình ảnh Thủ đô thân thiện, an toàn, văn minh, hiện đại. Thành phố Hà Nội liên tiếp được Tổ chức Du lịch thế giới vinh danh “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam”, “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2024”, “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á 2024” và nhiều giải thưởng khác…
Những ghi nhận từ quốc tế đã phần nào cho thấy sự phát triển của Hà Nội trong thời gian qua, trong đó có đóng góp hiệu quả của các chính sách phát triển văn hóa, nguồn nhân lực và xây dựng con người thời đại mới.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/hon-4-nam-thuc-hien-chuong-trinh-so-06-ctr-tu-xay-dung-van-hoa-con-nguoi-ha-noi-trong-ky-nguyen-moi-697114.html
Bình luận (0)