VNPAY được ví như "ông lớn" trong lĩnh vực thanh toán điện tử tại Việt Nam với độ phủ, nhận diện thương hiệu cao - Ảnh: VNPAY
Công ty cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) được biết đến là fintech lớn trong lĩnh vực thanh toán điện tử ở Việt Nam.
Đây cũng là cái tên được nhắc đến khá nhiều tuần qua sau những phản ứng khác nhau liên quan buổi tổng duyệt trình diễn drone nghệ thuật.
Theo dữ liệu từ hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, VNPAY được thành lập từ tháng 3-2007, có trụ sở chính tại quận Đống Đa, Hà Nội.
Ba cổ đông sáng lập VNPAY là ông Lê Tánh với 5% vốn, tương ứng 7,5 tỉ đồng, ông Trần Trí Mạnh góp 28,15% (42,22 tỉ đồng), còn ông Trần Văn Kỳ nắm 21,67% vốn (32,50 tỉ đồng).
Trong đó, ông Lê Tánh giữ vai trò tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Ông Trần Trí Mạnh là chủ tịch HĐQT, trong khi ông Trần Văn Kỳ được biết với vai trò chủ tịch hội đồng sáng lập.
Qua nhiều lần tăng vốn, từ mức 100 tỉ đồng ban đầu, hiện vốn điều lệ cập nhật trên dữ liệu đăng ký kinh doanh là hơn 3.568 tỉ đồng, tăng gấp gần 36 lần.
Đáng chú ý, đến cuối tháng 3 năm nay, cơ cấu cổ đông của VNPAY có sự thay đổi lớn. Theo đó, một cổ đông mới xuất hiện là Công ty cổ phần Tập đoàn Cuộc sống Việt (VNLife).
VNLife có tỉ lệ nắm giữ lên tới 99,99% vốn điều lệ VNPAY, tương ứng 3.568 tỉ đồng.
Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, VNLife chính thức được thành lập vào tháng 12-2018. Doanh nghiệp này có địa chỉ cùng tòa nhà với VNPAY, chỉ khác tầng.
Công ty này có vốn điều lệ theo đăng ký gần 225 tỉ đồng. Hai người đại diện theo pháp luật là ông Trần Trí Mạnh - chủ tịch HĐQT, ông Mai Thanh Binh - tổng giám đốc. Trong đó, ông Mai Thanh Binh có quốc tịch Singapore.
VNLife vốn là cái tên khá kín tiếng trên thị trường. Doanh nghiệp này xuất hiện mấy năm qua chủ yếu từ thông tin liên tục tăng vốn và thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
VNLife từng huy động thành công hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B do General Atlantic và Dragoneer Investment dẫn dắt, với sự tham gia của PayPal Ventures, EDBI, GIC và SoftBank Vision Fund 1.
Trong khi đó, VNPAY là một trong những ứng dụng thanh toán phổ biến nhất ở Việt Nam. Năm 2009, VNPAY trở thành một trong những công ty đầu tiên được thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ thanh toán ví điện tử.
Đến năm 2015, thương hiệu này được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đến nay, theo giới thiệu trên website, VNPAY đang hợp tác với khoảng 40 ngân hàng, 5 nhà mạng lớn và 350.000 doanh nghiệp trên toàn quốc.
Dữ liệu từ Vietdata, VNPAY có doanh thu tăng trưởng tốt giai đoạn 2020-2022 (trên 20%/năm), nhưng tốc độ tăng trưởng trong năm 2023 của VNPAY đã chững lại chỉ còn 4%. Dù vậy, doanh thu năm 2023 của nền tảng này vẫn đạt hơn 30.000 tỉ đồng, bỏ xa nhiều đối thủ cùng lĩnh vực.
Nguồn: https://tuoitre.vn/xuat-hien-dai-gia-dung-sau-vnpay-nam-toi-99-99-von-ong-lon-nay-20250504212602348.htm
Bình luận (0)