Nửa thế kỷ đã trôi qua, thời gian vẫn lặng lẽ, kiên trì làm công việc của mình một cách thầm lặng và bền bỉ. 50 năm, nhìn lại một chặng đường của văn học Bình Thuận với bao nhiêu thăng trầm và biến động, chắc chắn mỗi người chúng ta đều có những cảm nhận riêng, gắn với quá trình đồng hành cùng hoạt động của tổ chức Hội. Bài viết này xin được xem như là những hồi ức, thể hiện một góc nhìn hạn hẹp, chủ quan và còn nhiều thiếu sót của người viết.
Những ngày đầu gian khó
Hội VHNT ra đời vào đầu những năm 80 thế kỷ trước, trong thời bao cấp với bộn bề những khó khăn thiếu thốn. Tuy nhiên, điều đáng quý ở đây là sự quan tâm đối với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ được tập hợp vào tổ chức Hội. Ngay từ thời điểm hình thành Ban vận động, lãnh đạo Hội đã nghĩ đến việc bồi dưỡng lý luận và nghiệp vụ sáng tác cho hội viên. Và một lớp bồi dưỡng triết-mỹ học cơ bản đã được tổ chức trong khuôn viên khu Di tích Trường Dục Thanh - Phan Thiết. Tham gia giảng dạy, về lý luận sáng tác có Gs Hoàng Như Mai, phần triết học cơ bản do các giảng viên Trường Đảng của tỉnh phụ trách. Các hội viên là nghệ sĩ đã nổi tiếng từ trước năm 1975, như: NSNA Ngô Đình Cường, nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn cũng có mặt trong lớp học này. Để trang bị vốn sống cho hội viên, Hội đã tổ chức nhiều chuyến đi thâm nhập thực tế về cơ sở, lấy chất liệu sáng tác như: HTX Mê Pu (Đức Linh), Trại giam Thủ Đức (Z30D), đến các cơ sở đánh bắt và chế biến hải sản, đến với các ngành, các đơn vị ngồn ngộn chất liệu sống như: Quân đội, Bưu điện, Ngân hàng, Nông nghiệp…Thu hoạch của những chuyến đi như vậy thường là một tạp chí Văn Nghệ chuyên đề hoặc là một giai phẩm văn - thơ - nhạc, trong đó phần trọng tâm là những sáng tác còn “nóng hổi” của các hội viên. Trong các chuyến đi, thỉnh thoảng có các nhà văn nhà thơ lão làng đi kèm như: nhà văn Thái Vũ, nhà thơ Tạ Hữu Yên, nhà văn Trịnh Chi (Nhà xuất bản Thanh Niên). Tuy không nhiều và không được duy trì thường xuyên nhưng những buổi nói chuyện về thời sự văn học nghệ thuật cũng được lãnh đạo Hội quan tâm tổ chức; nhà văn Vũ Hạnh, nhà thơ Viễn Phương, nhà lý luận - phê bình văn học Mai Quốc Liên thường là diễn giả của những buổi sinh hoạt nghề nghiệp bổ ích này. Bây giờ, khối lượng thông tin chuyên ngành hết sức phong phú và đa dạng, cập nhật không xuể, tiêu hóa không kịp; nhưng ngày ấy, đối với chúng tôi, sinh hoạt thời sự văn nghệ là một “kênh” có vị trí rất quan trọng nhằm bổ sung kiến văn cho người viết.
Hội còn phối hợp với Sở VHTT (thông qua Trung tâm Văn hóa tỉnh), Tỉnh đoàn (thông qua CLBTTN) để tổ chức giới thiệu tác giả-tác phẩm của hội viên, nhất là lực lượng trẻ. Những hoạt động nghề nghiệp như vậy luôn nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của một bộ phận khán, thính giả yêu thích văn học nghệ thuật trên địa bàn trung tâm tỉnh lỵ. Không cân đối đủ kinh phí để duy trì xuất bản tạp chí Văn Nghệ theo định kỳ, Hội liên kết với các đối tác quen biết ở TP. Hồ Chí Minh xuất bản các ấn phẩm văn chương để có chỗ chuyển tải phần nào tác phẩm văn-thơ của hội viên, tạo động lực giúp anh chị em duy trì niềm đam mê sáng tác. Các tập “Tuổi hoa”, “Cảo thơm”, “Văn hóa và Gia đình”… xuất bản dưới dạng nguyệt san - là những ấn phẩm ra đời dưới hình thức liên kết như vậy. Qua quá trình sáng tác, một số đầu sách của hội viên kể cả in chung và in riêng, lần lượt ra đời như: Tập truyện & ký (nhiều tác giả) “Nơi có khung trời đẹp”, Tuyển tập thơ (nhiều tác giả) “Gió quê hương”, Tập truyện ngắn “Thị trấn ven biển” (Võ Hoàng Minh - Mai Sơn), tập truyện & ký “Tâm sự về một bàn tay” (Lê Nguyên Ngữ - Trần Duy Lý), tập thơ “Biển thức”, Trường ca “Năm tháng ấy, chiến trường này” (Đỗ Quang Vinh), trường ca “Thung lũng lửa và hoa” (Tạ Hữu Yên); tập truyện ngắn “Nơi tình yêu đi qua” (Nguyên Nam), tập truyện tranh “Dũng sĩ Bác Ái” (lời: Tạ Hữu Yên, tranh: Bảy Trà)…
Trên đây là một chút hồi ức tản mạn về văn học Bình Thuận của thời kỳ đầu. Ấn tượng của riêng tôi về thời kỳ này là niềm đam mê và khát khao sáng tạo của anh chị em hội viên; sự đồng cảm, sẻ chia trong từng tác phẩm, từ đó tạo động lực giúp nhau nuôi dưỡng tình yêu với văn học nghệ thuật tỉnh nhà.
Ổn định tổ chức, định hướng phát triển lâu dài
Trải qua nhiều nhiệm kỳ hoạt động, với sự lãnh đạo các nhà văn Hồ Phú Diên (giai đoạn BVĐ), kịch tác gia Nguyễn Tường Nhẫn, nhà thơ Phan Minh Đạo, nhà văn Đỗ Kim Ngư, nhà văn Khánh Chi, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, nhạc sĩ Đặng Lê Thế Phi - càng về sau, hoạt động của Hội càng đi vào nề nếp, quy củ. Sau nhiệm kỳ đầu tiên với nhiều nỗ lực chật vật về mọi mặt, đến nhiệm kỳ nhà thơ Phan Minh Đạo đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch, hoạt động của Hội đã đi vào ổn định, tạo tiền đề thuận lợi hơn cho các nhiệm kỳ kế tiếp. Cụ thể những vấn đề cốt lõi như: kinh phí hoạt động, bồi dưỡng nghiệp vụ, phát triển hội viên, định kỳ xuất bản tạp chí Văn Nghệ, tổ chức trại sáng tác… đã được giải quyết một cách cơ bản. Hoạt động của từng Phân hội chuyên ngành, trong đó có Phân hội Văn học ngày một nâng cao. Một số địa phương có phong trào sáng tác tốt và nhiều hạt nhân văn chương nòng cốt đã hình thành các Chi hội như: Thị xã La Gi, các huyện Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong và Chi hội Văn học thành phố Phan Thiết. Ngoài phần hỗ trợ kinh phí công bố tác phẩm hàng năm của Hội VHNT tỉnh, các Chi hội La Gi, Tuy Phong đã vận dụng khéo léo phương châm xã hội hóa để làm “bà đỡ” cho nhiều xuất bản phẩm của hội viên địa phương ra đời. Về mặt tổ chức, ở giai đoạn đầu, sự gắn kết giữa Thường trực Hội tỉnh và các Chi hội địa phương còn khá rõ nét. Tuy nhiên, càng về sau thì mức độ tác động càng thu hẹp dần do sự thay đổi về mặt tổ chức và nhân sự ở các huyện, thị thường biến động theo từng nhiệm kỳ. Mặt khác, Thường trực Hội tỉnh chưa xây dựng được một Quy chế hoạt động thật sự có hiệu quả cho các Chi hội ở địa phương. Tất nhiên, hoạt động của bất kỳ tổ chức, đoàn thể nào cũng có lúc trải qua những va vấp, thăng trầm; nhiều vấn đề phát sinh không kém phần phức tạp, thậm chí gay gắt. Nhưng điều đáng mừng, là qua những cơn “sóng gió bất thường” như vậy, hoạt động của Hội lại tiếp tục được quan tâm củng cố, khắc phục để tiến về phía trước. Là địa phương tỉnh lẻ, điều kiện kinh tế-xã hội luôn đặt ra không ít khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn quan tâm duy trì hoạt động của tổ chức Hội cho đến ngày nay là điều rất đáng trân quý. Có thể trong giai đoạn mới của đất nước, hoạt động Hội VHNT ở cấp tỉnh sẽ chuyển sang một hình thức khác nhằm tương thích với việc sắp xếp tinh gọn bộ máy một cách đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/50-nam-nhin-lai-va-suy-ngam-129885.html
Bình luận (0)