Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ăn bánh ít, ngắm Tháp Đôi, cầu trăm tuổi trên chuyến tàu về đất võ

Nhiều du khách thích thú khi được trải nghiệm các chuyến tàu từ ga Quy Nhơn đến ga Diêu Trì (Bình Định) và chiều ngược lại trong 'Hành trình văn hóa về miền đất võ'.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên01/05/2025

Từ 1.5 - 2.5, Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định và Công ty CP Vận tải đường sắt Việt Nam khởi động chuyến tàu mang tên "Hành trình văn hóa về miền đất võ". Chuyến tàu du lịch thử nghiệm sẽ nối liền ga Quy Nhơn và ga Diêu Trì, tạo cơ hội khám phá văn hóa độc đáo của vùng đất này thông qua du lịch đường sắt.

Ăn bánh ít, ngắm Tháp Đôi, cầu trăm tuổi trên chuyến tàu về đất võ- Ảnh 1.

Du khách thích thú khi được trải nghiệm tré Bình Định trên chuyến tàu thử nghiệm "Hành trình văn hóa về miền đất võ"

ẢNH: MINH LUÂN

Chuyến tàu được triển khai chạy 2 chuyến sáng - chiều mỗi ngày. Chuyến sáng xuất phát từ ga Quy Nhơn lúc 9 giờ, dọc đường có dừng tại Tháp Đôi và cầu Luật Lễ để tham quan, chụp ảnh, đến ga Diêu Trì lúc 10 giờ 20, sau đó sẽ xuất phát từ ga Diêu Trì về lại ga Quy Nhơn.

Chuyến chiều xuất phát từ ga Quy Nhơn lúc 14 giờ và đến ga Diêu Trì lúc 15 giờ 20, sau đó sẽ xuất phát từ ga Diêu Trì về lại Quy Nhơn.

Ăn bánh ít, ngắm Tháp Đôi, cầu trăm tuổi trên chuyến tàu về đất võ- Ảnh 2.

Du khách thích thú xem biểu diễn của các vũ nữ Apsara

ẢNH: MINH LUẬN

Đây là chuyến tàu du lịch trải nghiệm miễn phí với các dịch vụ nổi bật như: thưởng thức tinh hoa ẩm thực "xứ Nẫu", khám phá Tháp Đôi cổ kính và cầu Luật Lễ nổi tiếng, chạm vào hồn xưa tại ga Quy Nhơn và ga Diêu Trì, xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống, tham quan cảnh đẹp yên bình dọc đường ray.

Chị Nguyễn Thùy Trang, du khách đến từ TP.HCM, không giấu sự thích thú: "Tôi từng đến Quy Nhơn hai lần rồi, nhưng đây là lần đầu tiên được nhìn ngắm mảnh đất này từ một góc nhìn rất khác, trên một chuyến tàu đầy cảm xúc như thế này".

Ngay từ những phút đầu lên tàu, du khách đã được đắm chìm trong không gian văn hóa đặc trưng xứ Nẫu với những câu chuyện hào hùng về miền đất Tây Sơn. Đặc biệt, các tiết mục nghệ thuật dân gian đặc sắc được biểu diễn ngay trên tàu đã mang đến những cảm xúc chân thực, gần gũi mà vẫn cuốn hút.

Không chỉ là hành trình trải nghiệm văn hóa, chuyến tàu còn là hành trình vị giác khi du khách có dịp thưởng thức các món ngon địa phương được phục vụ trên tàu, từ bánh ít lá gai đến nước mía, những thức quà bình dị mà đậm đà hương vị miền Trung.

Xuyên suốt hành trình, khung cảnh thiên nhiên hiện ra sống động qua từng ô cửa sổ, từ làng chài yên bình đến những cánh đồng lúa xanh rì, từ bờ biển trải dài đến rặng cây hoang sơ chạy dọc hai bên đường ray, tạo nên bức tranh miền đất võ đầy thơ mộng và quyến rũ.

Ăn bánh ít, ngắm Tháp Đôi, cầu trăm tuổi trên chuyến tàu về đất võ- Ảnh 3.

Những hành khách đầu tiên tham gia chuyến tàu thử nghiệm từ ga Quy Nhơn đến ga Diêu Trì

ẢNH: MINH LUÂN

Theo bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định, chương trình "Hành trình văn hóa về miền đất võ" là một mô hình du lịch kết hợp hoàn hảo giữa yếu tố văn hóa, lịch sử và trải nghiệm thực tế. Mô hình này không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh Bình Định đến đông đảo du khách trong và ngoài nước mà còn mang lại những trải nghiệm đáng nhớ về mảnh đất giàu truyền thống này.

“Sau mỗi chuyến tàu, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá và hoàn thiện phương án tổ chức để nâng cao chất lượng dịch vụ và cải thiện cơ sở hạ tầng. Mục tiêu là không chỉ đơn thuần tạo ra một hành trình di chuyển, mà còn mang đến một hành trình văn hóa sâu sắc, nơi kết nối tình cảm và sẻ chia yêu thương giữa du khách và miền đất này", bà Chung nói.

Nguồn: https://thanhnien.vn/an-banh-it-ngam-thap-doi-cau-tram-tuoi-tren-chuyen-tau-ve-dat-vo-185250501195556391.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm