Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Băn khoăn quy đổi điểm giữa các môn thi THPT: Góc nhìn từ chuyên gia

(Dân trí) - Sự phân tầng mục tiêu khiến cùng một bài thi, điểm số lại mang những ý nghĩa khác nhau. Do đó, việc quy đổi điểm phải hiểu đúng bản chất đánh giá của từng môn học, từng bài thi và từng năng lực.

Báo Dân tríBáo Dân trí19/07/2025

Lời toà soạn: Sau khi phổ điểm thi tốt nghiệp THPT có sự khác biệt rõ nét ở các môn thi, một phương án đang được bàn tới là quy đổi điểm giữa các môn thi THPT. Điều này đang gây băn khoăn cho không ít học sinh, phụ huynh và giới chuyên gia.

Liệu một điểm 7 môn toán có thực sự "ngang bằng" với điểm 7 môn ngữ văn hay hóa học…? Và việc so sánh điểm số giữa các môn học khác biệt về bản chất có thực sự công bằng?

TS Sái Công Hồng, chuyên gia về kiểm tra đánh giá giáo dục, chia sẻ một góc nhìn phân tích về vấn đề này.

Mọi ý kiến đóng góp từ chuyên gia và bạn đọc xin gửi về email: [email protected]

Băn khoăn quy đổi điểm các môn thi tốt nghiệp: Góc nhìn từ mục tiêu đánh giá và bản chất năng lực

Trong nhiều năm trở lại đây, mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT lại dấy lên những tranh luận quanh chuyện "quy đổi điểm" giữa các môn thi.

Không ít học sinh và phụ huynh băn khoăn: cùng đạt điểm 7 thì tại sao có môn dễ, có môn khó? Và liệu có công bằng không nếu lấy điểm các môn để đối sánh, đánh giá năng lực học sinh một cách ngang bằng?

Câu trả lời xuất phát từ góc độ chuyên môn là: không thể và không nên quy đổi điểm giữa các môn thi. Không chỉ vì đề thi khác nhau, mà còn bởi bản chất mục tiêu đánh giá và đặc trưng năng lực chuyên biệt của từng môn học vốn đã hoàn toàn khác biệt.

Băn khoăn quy đổi điểm giữa các môn thi THPT: Góc nhìn từ chuyên gia - 1

TS Sái Công Hồng (Ảnh: NVCC).

Một kỳ thi với nhiều mục đích, không thể quy chuẩn điểm số

Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay phục vụ một số mục đích trong đó có hai mục đích lớn: đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và cung cấp dữ liệu làm căn cứ xét tốt nghiệp cũng như tham khảo cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Chính vì vậy, mỗi bài thi lại được thiết kế theo định hướng riêng, nhằm đo lường các năng lực khác nhau. Khi mục tiêu không đồng nhất, đề thi không thể có cấu trúc, độ khó, hay thang đánh giá tương đương. Mọi phép quy đổi điểm giữa các bài thi vì thế đều thiếu cơ sở khoa học.

Môn bắt buộc, nhưng không bắt buộc giống nhau về mục đích

Toán và ngữ văn là hai môn thi bắt buộc. Song không phải thí sinh nào cũng thi hai môn này với cùng một mục tiêu. Có em chỉ cần đủ điểm để tốt nghiệp; có em phải cố gắng tối đa để đạt điểm cao phục vụ xét tuyển đại học.

Sự phân tầng mục tiêu khiến cùng một bài thi, điểm số lại mang những ý nghĩa khác nhau. Điều này càng cho thấy: ngay trong cùng một môn đã không thể đánh giá điểm số theo một tiêu chuẩn duy nhất, huống gì so sánh giữa các môn thi với nhau.

Băn khoăn quy đổi điểm giữa các môn thi THPT: Góc nhìn từ chuyên gia - 2

Giáo viên và học sinh Trường THPT Tây Thạnh, TPHCM trong một tiết học (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Lý do khó quy đổi điểm giữa các môn

Một là, sự khác biệt mục tiêu đánh giá: Quy đổi điểm số chỉ có thể thực hiện khi các bài thi được xây dựng cho cùng một mục tiêu. Khi một bài thi nhằm xét tốt nghiệp, bài khác phục vụ tuyển sinh đại học, bản chất đánh giá đã khác nhau dẫn đến không thể hoán đổi điểm số.

Hai là, mỗi môn đo lường một loại năng lực riêng biệt: Toán là tư duy logic và phân tích định lượng. Văn là diễn đạt và lập luận. Hóa học là thực nghiệm và vận dụng. Tiếng Anh là giao tiếp ngôn ngữ… Những năng lực này không nằm trên cùng một phổ – không có thước đo chung để quy đổi.

Ba là, đề thi khác nhau về cấu trúc và độ khó: Một điểm 7 môn toán có thể cần tới hàng giờ luyện giải và kỹ năng tư duy bậc cao, trong khi điểm 7 môn ngữ văn lại phụ thuộc vào khả năng cảm thụ và trình bày ngôn ngữ. Cùng một điểm số nhưng công sức bỏ ra và kỹ năng cần có là khác nhau.

Bốn là, phổ điểm chênh lệch giữa các môn: Phân tích phổ điểm các môn năm 2025 cho thấy sự phân hóa rõ nét. Môn tiếng Anh có gần 50% thí sinh dưới trung bình, trong khi môn hóa có tỷ lệ điểm khá – giỏi áp đảo. Điều này phản ánh không chỉ độ khó đề thi mà còn cả tính chất phân loại của từng môn – không thể dùng chung một “mặt bằng điểm số” để so sánh.

Băn khoăn quy đổi điểm giữa các môn thi THPT: Góc nhìn từ chuyên gia - 3

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (Ảnh: Bảo Quyên).

Năm là, thiếu công cụ chuẩn hóa liên môn: Ở nhiều quốc gia, việc quy đổi điểm giữa các môn chỉ thực hiện khi có hệ thống chuẩn hóa năng lực – ví dụ như kỳ thi SAT, ACT hay hệ thống đánh giá theo khung năng lực quốc gia. Việt Nam hiện chưa có công cụ nào như vậy. Vì thế, mọi quy đổi hiện tại đều mang tính cảm tính, thiếu độ tin cậy khoa học.

Sáu là, hệ quả nếu quy đổi sai lệch: Việc quy đổi tùy tiện sẽ khiến học sinh chọn sai tổ hợp xét tuyển, dẫn đến mất công bằng giữa các thí sinh. Nghiêm trọng hơn, nó gây sai lệch nhận thức về năng lực bản thân, ảnh hưởng tới định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Điểm số chỉ có ý nghĩa trong ngữ cảnh môn học

Một điểm số chỉ có giá trị thực sự khi được đặt trong ngữ cảnh đúng: đặc trưng môn thi, cấu trúc đề thi, phổ điểm toàn quốc, và mục tiêu sử dụng kết quả. Không thể lấy điểm 7 môn toán ra đối chiếu với điểm 7 môn văn, càng không thể quy đổi điểm văn sang hóa, hay từ tiếng Anh sang lịch sử.

Những phép so sánh tưởng chừng hợp lý ấy, nếu thiếu hiểu biết chuyên môn, sẽ dẫn đến những kết luận lệch lạc và tác động tiêu cực đến chính học sinh.

Trong bất kỳ kỳ thi nào, việc đảm bảo công bằng là quan trọng. Nhưng công bằng không đến từ việc “làm phẳng” điểm số giữa các môn thi. Ngược lại, công bằng đến từ việc hiểu đúng bản chất đánh giá của từng môn học, từng bài thi và từng năng lực. Vì vậy, thay vì cố tìm một thước đo chung cho các môn thi rất khác nhau, điều cần làm là giúp học sinh hiểu rõ thế mạnh của mình, lựa chọn tổ hợp xét tuyển phù hợp và đặt điểm số vào đúng ngữ cảnh mà nó có ý nghĩa.

TS Sái Công Hồng

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/ban-khoan-quy-doi-diem-giua-cac-mon-thi-thpt-goc-nhin-tu-chuyen-gia-20250719073728023.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm