Hải Phòng đề xuất nhiều kiến nghị liên quan đến sáp nhập tỉnh, xã
Ngày 14/4, Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng tổ chức tiếp xúc cử tri quận Lê Chân và huyện Bạch Long Vỹ chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khoá XV.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận Lê Chân và huyện Bạch Long Vĩ bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả kinh tế - xã hội của cả nước và TP trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025. Đồng thời, tin tưởng tuyệt đối Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo thành công cuộc cách mạng tinh giản bộ máy của hệ thống chính trị, tạo động lực để phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, nâng cao đời sống Nhân dân.
Về chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã – phường, cử tri quận Lê Chân kiến nghị TP nên xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc thù địa lý, quy mô dân số, diện tích và điều kiện tự nhiên, xã hội; giải quyết chính sách, chế độ cho cán bộ xin nghỉ hưu sớm và nghỉ thôi việc để vừa ổn định đời sống kinh tế cá nhân và đảm bảo tính đoàn kết thống nhất cao để phát triển kinh tế xã hội chung; tạo điều kiện về chế độ nhà ở công vụ cho những cán bộ công chức đi làm xa; việc sáp nhập cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh để khi sáp nhập người dân phải di chuyển quá xa để tiếp cận được các dịch vụ công, gây khó khăn đặc biệt là với những người già, yếu.
![]() |
Cử tri kiến nghị tại buổi tiếp xúc. |
Liên quan đến nội dung chuyển đổi số, cử tri kiến nghị Chính phủ cần xây dựng giải pháp tổng thể, đồng bộ trong ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường các chức năng chính quyền số, cho phép người dân nộp hồ sơ, theo dõi tiến độ xử lý, nhận thông báo và phản hồi kết quả ngay trên ứng dụng... Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể việc ứng dụng AI trong hoạt động chính quyền địa phương, bảo đảm đồng bộ, bảo mật, hiệu quả; ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đào tạo số hóa cho cán bộ, công chức và người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người ít tiếp cận công nghệ; thí điểm các mô hình công dân số tại địa phương, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng toàn TP.
Để xây dựng, phát triển huyện Bạch Long Vĩ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, cử tri huyện Bạch Long Vĩ đề nghị Trung ương và TP quan tâm đầu tư cho huyện về cơ sở hạ tầng; quan tâm về chế độ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ và lực lượng vũ trang công tác tại huyện đảo; xem xét xây dựng bộ máy đặc khu Bạch Long Vĩ đảm bảo điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng – an ninh và phát triển kinh tế – xã hội để giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia trên biển, tương xứng với vị trí chiến lược của đảo trên Vịnh Bắc Bộ.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng Lê Tiến Châu tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị tâm huyết của cử tri; đồng thời thông tin tới cử tri về tình hình kinh tế - xã hội của TP trong 3 tháng đầu năm 2025. Đồng thời cho biết, TP đã hoàn thành giai đoạn 1 của cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy với kết quả hết sức phấn khởi, giảm từ 15-20% đầu mối, có cơ quan, đơn vị giảm hơn 50% đầu mối.
![]() |
Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. |
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2025, Thành ủy Hải Phòng đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị TP gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo đúng quy định, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đồng thời phối hợp với tỉnh Hải Dương hoàn thành Đề án sáp nhập tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng trước 30/04/2025; xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ; xây dựng phương án bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã…
Bên cạnh đó, TP cũng đang tập trung tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2025. Song song đó, khai các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững an ninh trật tự, bảo đảm quốc phòng an ninh của thành phố; nhất là giải quyết triệt để các tồn tại sau khi thực hiện giải thể công an cấp huyện.
Thái Nguyên dự kiến còn 55 xã/phường sau sắp xếp
Tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh lần thứ 95 diễn ra chiều 14/4, tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến giảm từ 172 xuống còn 55 xã, phường.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Trịnh Việt Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính là chủ trương lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đổi mới tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, phù hợp với xu thế phát triển và yêu cầu thực tiễn.
|
Toàn cảnh hội nghị |
Trong quá trình triển khai, cần đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận và ủng hộ. Từng thành viên trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở, phải phát huy vai trò nêu gương, trực tiếp tham gia giải thích, vận động nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đề nghị các đại biểu làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương. Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về phương án, đóng góp ý kiến trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Đặc biệt quan tâm đến các yếu tố về địa lý, hạ tầng, điều kiện dân sinh để bảo đảm thuận lợi cho người dân trong quá trình chuyển đổi.
“Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính là nhiệm vụ, là mệnh lệnh chính trị với mục tiêu cuối cùng là phục vụ nhân dân, vì sự phát triển của đất nước”, ông Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng đề nghị các cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời bám sát chỉ đạo của Trung ương để hoàn thiện phương án sắp xếp bảo đảm tính toàn diện, khoa học và đúng tiến độ.
Trong quá trình triển khai nếu có khó khăn, vướng mắc cần kịp thời báo cáo để Ban Thường vụ Tỉnh ủy và BCĐ có chỉ đạo sát sao, phù hợp, đạt kết quả cao, quá trình triển khai cần sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm từ cấp ủy, chính quyền đến từng cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.
Hà Giang lấy ý kiến vào phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Thực hiện Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang, sáng 14/4, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm lấy ý kiến tham gia vào Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Đây là bước đi quan trọng trong quá trình triển khai Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp theo tinh thần đổi mới và tinh gọn bộ máy.
|
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Giang. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Hà Giang |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phan Huy Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ là thực hiện yêu cầu từ Trung ương mà còn là cơ hội để Hà Giang tái cấu trúc bộ máy chính quyền địa phương theo hướng hiện đại, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cũng đánh giá cao sự vào cuộc khẩn trương, nghiêm túc của Sở Nội vụ – cơ quan thường trực triển khai đề án, cùng sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong việc xây dựng phương án trình xin ý kiến.
|
Ông Phan Huy Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Hà Giang |
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản bày tỏ sự đồng thuận cao với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Các ý kiến cho rằng việc sắp xếp là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đồng thời góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, tiềm năng phát triển, đặc thù văn hóa, lịch sử cũng như tâm lý, nguyện vọng của người dân địa phương trong quá trình sắp xếp.
|
Một số nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận gồm: Tên gọi của các đơn vị hành chính sau sắp xếp, trụ sở làm việc của chính quyền cấp xã, việc bố trí, sắp xếp lại cán bộ, công chức dôi dư, cũng như phương án xử lý tài sản công. Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa của việc sắp xếp, từ đó đồng thuận và ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Kết luận hội nghị, ông Phan Huy Ngọc ghi nhận và đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu Sở Nội vụ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn chỉnh Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến theo đúng quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cũng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, bảo đảm việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy trình, đúng pháp luật và đặt lợi ích của người dân làm trung tâm. Đây là nền tảng để Hà Giang xây dựng bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Khẩn trương hoàn chỉnh đề án sáp nhập Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông
Cũng trong ngày 14/4, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành thuộc tỉnh về việc xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng giao các sở, ban, ngành của tỉnh chủ trì, khẩn trương chủ động phối hợp với các sở ban, ngành 2 tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông xây dựng đề án sáp nhập; đảm đảm tiến độ theo kế hoạch; hoàn chỉnh đề án và gửi Sở Nội vụ Lâm Đồng thẩm định, tổng hợp trước ngày 22/4.
Sở Nội vụ Lâm Đồng có nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành triển khai xây dựng đề án theo yêu cầu; tổng hợp nội dung vào Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, đảm bảo tiến độ, phù hợp với kế hoạch của tỉnh.
![]() |
Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng. |
Trước đó, tại Nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương khóa 13, Trung ương đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương).
Theo đó, hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận, lấy tên là tỉnh Lâm Đồng. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
Nguồn: https://baophapluat.vn/cac-dia-phuong-gap-rut-cho-cong-cuoc-sap-nhap-post545383.html
Bình luận (0)