Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cao nguyên đá Đồng Văn: Đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững nơi cực Bắc

Nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn không chỉ là vùng đất chứa đựng những giá trị di sản địa chất, văn hóa, lịch sử quý giá mà còn là điểm tựa quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh Hà Giang.

Báo Bình PhướcBáo Bình Phước03/05/2025

Sắc hoa tô điểm cho những ngôi nhà trên Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh: Khánh Hoà/TTXVN

Sắc hoa tô điểm cho những ngôi nhà trên Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh: Khánh Hoà/TTXVN

Với hơn một thập kỷ hình thành và phát triển, Công viên Địa chất đầu tiên của Việt Nam đã và đang khẳng định vai trò của mình trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng cao nguyên đá.

Tận dụng lợi thế quý giá để phát triển du lịch

Cao nguyên đá Đồng Văn trải dài trên địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với diện tích trên 2.300 km². Đây cũng là nơi sinh sống của hơn 300.000 người thuộc 17 dân tộc thiểu số. Từng là một trong những vùng nghèo nhất cả nước, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, giao thông chia cắt, vùng đất này lại được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan kỳ vĩ, địa hình độc đáo cùng kho tàng văn hóa phong phú - những lợi thế quý giá để phát triển du lịch bền vững.

Từ khi được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu (năm 2010), đặc biệt sau khi chương trình Công viên Địa chất trở thành chương trình chính thức của UNESCO vào năm 2015, Hà Giang đã từng bước xây dựng các chiến lược phát triển bài bản, chú trọng cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, giữa bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người dân.

Sau hơn 10 năm, diện mạo kinh tế - xã hội vùng Cao nguyên đá đã có những chuyển biến rõ nét. Du lịch phát triển với tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Riêng năm 2024, Hà Giang đón khoảng 3,286 triệu lượt khách du lịch (tăng 8,8% so với năm trước), trong đó có 380.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch đạt hơn 8.149 tỷ đồng, đạt 102,6% so với kế hoạch năm. Kết quả này khẳng định vai trò của du lịch - đặc biệt là du lịch gắn với di sản địa chất đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của tỉnh Hà Giang.

Cao nguyên đá nằm ở độ cao trung bình 1.000 - 1.600m so với mực nước biển, trên diện tích gần 2.356 km² trải dài qua địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Ảnh Thanh Hà/TTXVN

Cao nguyên đá nằm ở độ cao trung bình 1.000 - 1.600m so với mực nước biển, trên diện tích gần 2.356 km² trải dài qua địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Ảnh Thanh Hà/TTXVN

Sự phát triển du lịch kéo theo hàng loạt mô hình kinh doanh dịch vụ mới như lưu trú homestay, ẩm thực dân tộc, sản phẩm thủ công truyền thống… tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Cơ cấu lao động vùng công viên chuyển dịch rõ rệt sang khu vực dịch vụ - du lịch. Đồng thời, các giá trị văn hóa truyền thống từng đứng trước nguy cơ mai một, nay được khôi phục và phát huy mạnh mẽ. Những lễ hội đặc sắc như: Chợ tình Khâu Vai, lễ hội hoa Tam giác mạch, lễ hội khèn Mông… trở thành điểm nhấn thu hút khách và là không gian để cộng đồng thực hành văn hóa sống động.

Ông Đỗ Quốc Hương, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: “Trong những năm qua, nhờ định hướng phát triển gắn với Công viên Địa chất toàn cầu, bộ mặt huyện Đồng Văn đã có nhiều đổi thay tích cực. Kết cấu hạ tầng du lịch ngày càng được đầu tư đồng bộ. Các điểm di sản được quy hoạch, bảo vệ chặt chẽ. Đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, được cải thiện rõ rệt. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển sang làm du lịch cộng đồng, phát triển các sản phẩm thủ công, tạo thu nhập ổn định và góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống. Từ một vùng đất khó, Đồng Văn nay đang dần trở thành trung tâm du lịch của tỉnh, là điểm đến không thể thiếu trên bản đồ du lịch Hà Giang”.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Mái ngói âm dương, đặc trưng nhà của người Lô Lô ở bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh: Khánh Hoà/TTXVN

Mái ngói âm dương, đặc trưng nhà của người Lô Lô ở bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh: Khánh Hoà/TTXVN

Một trong những thành tựu nổi bật khác là việc nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn di sản. Các điểm di sản địa chất, sinh học, cảnh quan từng bị xâm hại bởi hoạt động khai thác đá, khai thác khoáng sản nay đã được khoanh vùng bảo vệ. Công tác quy hoạch tài nguyên, kiểm soát môi trường, bảo vệ rừng, bảo tồn các loài quý hiếm đều được thực hiện bài bản, với sự tham gia tích cực của cộng đồng và chính quyền địa phương.

Mới đây, ngày 29-4, Đoàn chuyên gia Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, do ông Guy Martin, Tổng Thư ký Ban Điều hành, làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Thường trực UBND tỉnh Hà Giang về công tác chuẩn bị cho kỳ tái đánh giá lần thứ tư của Công viên Địa chất vào năm 2026.

Đoàn đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong thực hiện khuyến nghị sau kỳ đánh giá năm 2022, đặc biệt là sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền và cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Những cây hoa đào nở rộ phần nào thu hút thêm khách du lịch đến với thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh: Khánh Hoà/TTXVN

Những cây hoa đào nở rộ phần nào thu hút thêm khách du lịch đến với thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh: Khánh Hoà/TTXVN

Đáng chú ý, Đoàn chuyên gia đề xuất điều chỉnh số lượng điểm du lịch trên các tuyến từ 59 xuống còn 48 địa điểm, chia đều cho 4 tuyến chính, nhằm giúp du khách có thêm thời gian trải nghiệm, đồng thời giảm áp lực cho đội ngũ vận hành và quản lý.

Những khuyến nghị này được tỉnh Hà Giang tiếp thu với tinh thần cầu thị. Bà Vương Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khẳng định, tỉnh sẽ khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy chế hoạt động của Ban Quản lý Công viên và xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ tái đánh giá sắp tới.

Định hướng phát triển bền vững trong giai đoạn tới, Hà Giang tiếp tục đặt mục tiêu phát triển du lịch gắn với bảo tồn, coi Công viên Địa chất không chỉ là tài sản của tỉnh, mà còn là biểu tượng quốc gia về sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Hà Giang tập trung đầu tư hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực địa phương, khuyến khích cộng đồng làm du lịch bền vững, mở rộng hợp tác quốc tế, từng bước hình thành chuỗi sản phẩm mang bản sắc địa phương.

Với nền tảng đã được xây dựng và sự đồng hành từ mạng lưới quốc tế, Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế xanh, góp phần nâng tầm vị thế Hà Giang trên bản đồ du lịch thế giới.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/20/172311/cao-nguyen-da-dong-van-don-bay-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-ben-vung-noi-cuc-bac


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạp chí danh tiếng tiết lộ những điểm đến đẹp nhất Việt Nam
Rừng Tà Kóu tôi đi
Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm