Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chỉ dòng sông cuồn cuộn nỗi đầy vơi...

Dài trên 2.000 câu gồm 6 chương với các tiêu đề: “Đất mẹ hùng thiêng”, “Khúc tráng ca lịch sử”, “Thành phố cánh vạc bay”, “Những làng cổ trong thành phố mới”, “Thành phố lễ hội”, “Mùa chim làm tổ”, trường ca “Thành phố cánh vạc bay” được viết rất kỳ khu, trên cái nền và bề dày của lịch sử, của truyền thống, của văn hóa... Tất cả được kết nối, xâu chuỗi, hòa nhập trong một dòng chảy nhất quán, liền mạch, tạo hiệu ứng nghệ thuật rất đáng kể.

Hà Nội MớiHà Nội Mới03/05/2025

Tất nhiên, không thể không nhắc đến vai trò của tác giả - nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung. Bởi không có cảm xúc thăng hoa thì không có thơ, không có nỗi đam mê thì cũng không có thơ. Bởi chỉ “thấy" không thôi thì chưa đủ, mà phải “cảm”, thậm chí phải “ngẫm cảm” nữa. Theo quan niệm của các nhà thơ cổ Trung Hoa, sự khác biệt của nhà thơ này so với nhà thơ khác, chính là ở độ “ngẫm cảm”. Người viết không chỉ phải “cảm”, mà còn phải “ngẫm” (“ngẫm nghĩ”) về sự “cảm” của mình. Thực chất “ngẫm cảm” chính là cái tôi chủ thể, cái tôi sáng tạo và cái trải nghiệm được cá thể hóa đến tận cùng của người viết.

Nền tảng và cội rễ của “Thành phố cánh vạc bay” chính là “Đất mẹ hùng thiêng” (chương 1), là “Khúc tráng ca lịch sử” (chương 2). Đó là: “Tam Đảo núi mẹ/ Ba Vì núi cha/ Đất bàn cờ/ Ngàn năm thế sự/ Cuộc cờ dĩ vãng/ Xe, pháo đã về trời/ Mã, tượng hóa núi hóa đồi/ Người chơi cờ thành dáng núi/ Chỉ dòng sông cuồn cuộn nỗi đầy vơi/ Mây trắng lại về, mây trắng lại bay”... Đó là: “Cùng Vua Hùng/ Một vầng nhật nguyệt/ Dựng Nhà nước Văn Lang/ Nối nghiệp tổ tiên/ Mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long Quân/ Cháu con muôn đời thờ phụng”... Đó là: “Nước là gương trời/ Núi là thế đất/ Sông là nguồn mạch/ Tụ khí âm dương/ Hồn thiêng sông núi”...

Đan xen trong nhiều đoạn, nhiều khúc của trường ca, có những câu thơ/ chi tiết thơ rất trữ tình và đáng nhớ: “Hàng năm mở tiệc, hội làng/ Bát hương cổ/ Mấy trăm năm vẫn ấm chân nhang”; “Đá chẳng mòn lời hương ước/ Chữ người xưa tạc đến mai sau”; “Câu hát mắc vào câu hát/ Dùng dằng em gỡ chẳng ra”...

Nhiều câu ca cổ thật hay, đọc lên thấy thấm thía, được tác giả sử dụng khá hợp lý, nhuần nhuyễn và có phần sáng tạo, góp phần làm tăng thêm màu sắc tình tứ, ý vị của câu thơ, của đoạn thơ. Đó cũng là sự am tường về văn hóa cổ của người viết. Có thể thống kê: “Quả ớt dù cay cũng ăn cả vỏ/ Quả chuối dù ngọt cũng bỏ vỏ ngoài"; "Yêu em anh bổ hòn núi đá/ Lấy nước non nguồn trong lõi đá nuôi em/ Thương em anh chòi vầng trăng tỏ/ Lấy lửa mặt trời nướng chín em ăn”...

Một yếu tố tạm coi là thủ pháp “đồng hiện” khi tác giả gắn quá khứ với hiện tại, gắn ngày xưa với hôm nay, qua những câu thơ bất ngờ hiện ra ở chính nơi ông đang gắn bó, ở chính nơi bàn chân ông bước đi. Lúc đó cũng là lúc nhà thơ đang sống với tâm trạng “ở đây” và “lúc này”. “Ở đây” là không gian sống. “Lúc này” là thời gian sống. Chẳng hạn: “Tôi đi trên mảnh vỡ thời gian/ Chạm nền văn minh lúa nước sông Hồng/ Chạm hồn thiêng đất mẹ”; “Ông lão cổng chợ/ Đã thành mây trắng/ Tò he xanh mãi tuổi thơ tôi”; “Không bến không thuyền/ Mà tôi say sóng giữa triền núi cao”…

Rất ít nhà thơ nào triết lý về tục chọi trâu sâu sắc và chí lý như Nguyễn Ngọc Tung: “Thắng, thua khác nhau miếng đánh/ Thắng, thua người ta đều thịt/ Thịt khao mừng chiến thắng/ Miếng thịt trâu nào cũng mặn đắng lòng ta”. Và tôi cũng nhớ đến dai dẳng những câu thơ viết về mẹ của Nguyễn Ngọc Tung: “Mẹ ta lặn ngụp ngoài đầm/ Vừa buồn giọt nắng/ Lại cầm giọt mưa/ Đầm Vạc sóng/ Đầm Vạc mây”...

Theo tôi, “Thành phố cánh vạc bay”, nói theo ngôn ngữ âm nhạc, thực chất là một “tổng phổ” thơ và là một thành phố được tạo dựng, được sinh thành theo cách Nguyễn Ngọc Tung, kiểu Nguyễn Ngọc Tung. Còn nếu nhìn dưới con mắt hội họa, dưới con mắt của các họa sĩ, nói không quá thì “Thành phố cánh vạc bay” có giá trị như một logo vậy!

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung nguyên là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã xuất bản 13 tập thơ, 2 trường ca, 2 tập ký và đã đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm (2001 - 2005) tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ 2 và Giải thưởng của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2011.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/chi-dong-song-cuon-cuon-noi-day-voi-701106.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm