Việt Nam không nằm trực tiếp trên các ranh giới mảng kiến tạo lớn, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ động đất do các đứt gãy "ngủ yên" có thể "thức giấc" bất cứ lúc nào. Sau trận động đất mạnh xảy ra tại Myanmar vào cuối tháng 3, câu hỏi đặt ra là liệu các đứt gãy ở Việt Nam, đặc biệt ở Tây Bắc và Hà Nội, có thể phát sinh động đất mạnh trong tương lai?
Để làm rõ vấn đề này, Báo Điện tử VTC News phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, một trong những nhà khoa học tiên phong trong nghiên cứu động đất, sóng thần tại Việt Nam.
- Thưa ông, trận động đất ngày 28/3 ở Myanmar được cho là hệ quả của ứng suất tích lũy hơn 200 năm tại ranh giới mảng Ấn Độ - Á - Âu. Liệu Việt Nam có đang tồn tại những hệ đứt gãy tiềm ẩn nguy cơ tương tự, nơi mà ứng suất có thể đang âm thầm tích tụ qua thời gian dài?
Ngày 28/3, động đất 7,7 độ Richter tại Myanmar xảy ra trên một đôi đứt gãy rất sâu và rất dài. Đứt gãy tên Sagaing gây ra động đất có tính phá hủy lớn, gây ra rất nhiều thiệt hại cho Myanmar và các nước xung quanh.
Ở Việt Nam, có những hệ đứt gãy tiềm ẩn những nguy cơ tương tự nhưng nhỏ hơn so với đứt gãy Sagaing. Hiện Việt Nam đã ghi nhận được hai trận động đất ở vùng Tây Bắc có độ lớn lên tới 6,8 độ Richter. Như vậy có thể khẳng định, hệ đứt gãy vẫn tồn tại trên toàn bộ lãnh thổ của Việt Nam.
- Nhiều hệ đứt gãy ở Việt Nam được đánh giá là đã “ngủ sâu”, nhưng khoa học hiện đại có thể xác định được mức độ "thức giấc" của chúng không? Có những dấu hiệu nào cho thấy một hệ đứt gãy đang dần tái hoạt động?
Đúng, hệ đứt gãy có khả năng phát sinh động đất mạnh ở nước ta đang trong tình trạng “ngủ sâu”. Về thời điểm tiếp tục xảy ra, cũng giống như động đất, không thể dự đoán chính xác được thời điểm hệ đứt gãy “thức giấc”, bởi nó phụ thuộc nhiều vào các cơ chế chuyển động trên các đứt gãy.
Đứt gãy phụ thuộc vào trường ứng suất của mỗi khu vực và sự giải phóng các năng lượng từ dưới lòng đất thông qua những hệ thống vận kế. Vì vậy, chỉ có thể phát hiện ra những dấu hiệu cho thấy một hệ đứt gãy đang dần “thức giấc” thông qua vài yếu tố như việc xuất hiện những trận động đất ngày càng dày đặc hay năng lượng dưới lòng đất ngày càng lớn hơn.
Không thể dự đoán chính xác được thời điểm hệ đứt gãy “thức giấc”, bởi nó phụ thuộc nhiều vào các cơ chế chuyển động trên các đứt gãy.
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương
- Cơ chế lan truyền ứng suất từ các khu vực địa chấn như Myanmar hay Himalaya sang Việt Nam diễn ra thế nào?
Việt Nam không nằm trực tiếp trên ranh giới các mảng kiến tạo lớn như mảng Ấn Độ hay Á - Âu, nhưng chúng ta vẫn chịu ảnh hưởng rõ rệt từ hoạt động địa chất khu vực.
Cơ chế lan truyền ứng suất không chỉ diễn ra ở nơi tâm chấn, mà còn truyền xa qua các hệ thống đứt gãy kéo dài và sâu trong lớp vỏ Trái đất.
Lớp vỏ Trái đất không phải một khối liền mạch, mà bị chia cắt bởi nhiều hệ thống đứt gãy. Khi các mảng lớn va chạm như mảng Ấn Độ đang trôi lên phía Bắc, đâm vào mảng Á - Âu sẽ sinh ra ứng suất rất lớn.
Ứng suất này không chỉ giải phóng tại nơi va chạm trực tiếp mà còn có thể truyền đến các khu vực khác qua các “ranh giới phụ” chính là các đứt gãy bên trong các mảng lớn.
Tại Việt Nam, một số đứt gãy như Lai Châu - Điện Biên, Sông Hồng, Sông Mã... nằm trong vùng ảnh hưởng của quá trình lan truyền ứng suất này. Mặc dù chưa có động đất lớn gần đây, nhưng nếu ứng suất tiếp tục tích tụ theo thời gian, hoàn toàn có thể xảy ra các trận động đất mạnh tại những khu vực này.
- Trong số những hệ đứt gãy cấp một và cấp hai đã được ghi nhận ở Việt Nam thì đâu là những đứt gãy chúng ta cần phải theo dõi sát sao nhất? Chúng có thể gây ra động đất với cường độ đến đâu, thưa ông?
Trên lãnh thổ Việt Nam có khoảng hơn 40 hệ thống đứt gãy có khả năng phát sinh ra động đất. Các chuyên gia đã phân cấp ra thành hai cấp là cấp 1 và cấp 2. Đặc biệt, cấp 1 có khả năng phát sinh động đất mạnh nhất.
Ở miền Bắc, các nhà địa chất, địa chấn thường đặt tên cho các đới đứt gãy cấp 1 theo tên của các con sông. Ví dụ như: Đới đứt gãy sông Hồng, sông Đà, sông Mã… Đấy chính là những đới đứt gãy cấp 1 có khả năng phát sinh động đất rất mạnh trên lãnh thổ Việt Nam.
Có một đới đứt gãy nữa ở phía Tây Bắc là đới đứt gãy Điện Biên - Lai Châu. Đới đứt gãy này đã từng gây ra động đất mạnh tới 6,7 độ Richter vào năm 1935 tại Điện Biên.
Ngoài ra, đới đứt gãy Sơn La năm 1983 đã phát sinh ra trận động đất Tuần Giáo có độ lớn 6,8 độ Richter.
Đây chính là những đới đứt gãy mạnh nhất, có có rủi ro cao nhất và có thể phát sinh trận động đất mạnh nhất ảnh hưởng trên lãnh thổ Việt Nam.
- Theo ông, những địa phương nào ở Việt Nam nếu xảy ra động đất sẽ chịu những rủi ro cao nhất?
Đới đứt gãy sông Hồng đang được đánh giá cấp 1, cấp có khả năng xảy ra động đất cao nhất.
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương
Động đất mạnh nhất từng xảy ra ở vùng Tây Bắc của lãnh thổ Việt Nam nên các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La sẽ là những nơi có thể xảy ra động đất mạnh nhất.
Ngoài ra, nguy cơ động đất xảy ra ở các tỉnh, thành phố nằm trong đới đứt gãy sông Hồng cũng rất cao, đặc biệt nơi có mật độ dân số và các công trình xây dựng dày đặc như TP Hà Nội.
Đới đứt gãy sông Hồng đang được đánh giá cấp 1, cấp có khả năng xảy ra động đất cao nhất. Nếu không có sự chuẩn bị ứng phó, nguy cơ xảy ra thiệt hại về người và tài sản sẽ rất lớn.
- Hệ thống giám sát và dự báo động đất hiện nay ở Việt Nam đang ở mức độ nào? Việt Nam có đủ công nghệ và dữ liệu để phát hiện sớm nguy cơ từ những đứt gãy “ngủ yên”?
Hiện Việt Nam có khoảng 30 trạm địa chấn trải đều trên cả nước, đủ để ghi nhận các trận động đất xảy ra trong lãnh thổ. Đây là nền tảng giám sát rất quan trọng.
Tuy nhiên, để dự báo được nguy cơ từ các đứt gãy đang “ngủ yên”, chúng ta cần phát triển thêm mạng lưới trạm GPS để đo dịch chuyển của vỏ Trái đất. Khi có dấu hiệu chuyển động bất thường quanh các đứt gãy, đó có thể là cảnh báo sớm cho một trận động đất sắp xảy ra.
Muốn làm được điều đó, Việt Nam cần đầu tư thêm vào hệ thống quan trắc cả địa chấn và GPS, đặc biệt ở các vùng có nguy cơ cao như Tây Bắc.
- Qua những gì ông vừa phân tích, nguy cơ động đất ở khu vực phía Bắc Việt Nam xảy ra sẽ cao hơn ở khu vực miền Trung và phía Nam?
Chính xác! Ở Việt Nam, Tây Bắc là vùng có động đất mạnh nhất đã được ghi nhận. Trong tương lai, đây vẫn là vùng bị đe dọa bởi những trận động đất mạnh nhất trên lãnh thổ.
Động đất ở miền Trung và miền Nam không mãnh liệt như ở miền miền Bắc. Một số vụ động đất từng xảy ra ở miền Trung - Tây Nguyên như: Kon Tum, Bắc Trà My (Quảng Nam) dù khiến người dân hoang mang nhưng đó vẫn là những trận động đất nhẹ. Những trận động đất này xảy ra do bị kích thích, tác động của con người vào thiên nhiên, cụ thể là hoạt động thủy điện và hồ chứa.
- Từ góc độ chuyên môn, đâu là khoảng trống lớn nhất trong công tác ứng phó, quy hoạch và xây dựng liên quan đến rủi ro động đất ở Việt Nam hiện nay? Chúng ta nên bắt đầu từ đâu để hạn chế hậu quả trong tương lai, thưa ông?
Về mặt kỹ thuật, để có thể ứng phó và dự báo động đất tốt hơn chúng ta nên có một hệ thống mạng lưới trạm ghi động đất dày đặc hơn nữa. Con số 30 trạm, mỗi trạm cách nhau hàng trăm km như hiện tại là chưa đủ an toàn.
Những kết quả nghiên cứu của các nhà địa chấn hiện nay cho thấy những vùng có nguy cơ động đất mạnh trên lãnh thổ Việt Nam đã khá đầy đủ. Bên cạnh đó, cũng đã có những quy chuẩn, quy phạm thiết kế kháng chấn cho nhà cửa rất chi tiết.
Tuy nhiên, để có được sự liên hệ giữa những kết quả của các nhà khoa học với nhận thức của người dân thì cần có chiến lược giáo dục, nâng cao nhận thức. Hiện nay, khi người dân xây nhà ở thành phố vẫn chưa nghĩ đến chuyện phải tuân thủ quy chuẩn, quy phạm thiết kế kháng chấn trong vùng đấy như thế nào để công trình có thể chịu đựng được sức tấn công của động đất.
- Với cường độ trận động đất ở Myanmar vừa rồi, nếu trong trường hợp xảy ra tại Hà Nội thì ông đánh giá các công trình xây dựng, đặc biệt là nhà cao tầng có thể đảm bảo được an toàn?
Chắc chắn phần lớn nhà cửa sẽ bị thiệt hại nếu có động đất cường độ lớn như vậy xảy ra. Hiện nay, chỉ có những chung cư cao cấp mới lưu ý đến thiết kế kháng chấn. Còn lại, đại đa số người dân muốn xây nhà riêng thì không không để ý đến những thông số kỹ thuật ấy.
Xin cảm ơn chia sẻ của ông!
Nguồn: https://baolangson.vn/chuyen-gia-canh-bao-dut-gay-ngu-yen-co-the-gay-dong-dat-lon-o-tay-bac-ha-noi-5043957.html
Bình luận (0)