Trên đường thôn Đạ Lây

Ngày nắng đẹp, trời trong mây trắng. Rời chợ, tôi thả bộ qua những con đường dẫn vào những lối xóm Đạ Lây. Cái phong vị làng quê của người Huế đi xa làm cho khách ghé thăm thấy lâng lâng những cảm xúc gần gũi, thân thuộc, như muốn được hòa cảm, sẻ chia niềm vui cùng những người dân xứ Huế đã an cư bền vững trên mảnh đất Tây Nguyên này sau non nửa thế kỷ. Người xứ Huế dù đi đâu cũng chọn mặt đất tốt rồi dùng trí tuệ và bàn tay lao động tô lên những mảnh vườn hoa trái sum suê. Nhiều lối vào nhà dân không kín cổng cao tường mà để phóng khoáng không gian với những hàng chè tàu cắt tỉa đối xứng. Những cặp cây mai hai bên lối cửa nuôi dưỡng nhiều năm đã thành mai cổ thụ, dù xa Tết đã lâu mà những nụ vàng tươi rực rỡ vẫn bền. Màu hoàng mai lấy giống từ Huế hòa cùng màu vàng hoa cúc tạo nên một không gian được phối sắc quý phái. Đâu đó vườn ai, tôi thấy những cây thanh trà trĩu quả mà chắc là chủ nhân phải lấy giống từ ngoài quê vào. Trong những nếp nhà vườn ấy vẫn giữ được nét kiến trúc thân quen, dù là quê kiểng nhưng vẫn phảng phất phong vị của xứ Thần kinh. Cũng trong những nếp nhà ấy, nét gia phong rất đặc trưng của vùng quê xứ Huế vẫn được giữ vẹn dù đã có thêm vài thế hệ con cháu ra đời, trưởng thành giữa vùng đất đại ngàn.

Người Huế trên miền cao nguyên mà tôi thường gặp, dù họ xa xứ đã lâu, cũng có thể là lớp trẻ sinh ra ở vùng quê mới nhưng vẫn giữ được những phong thái, tính cách rất đặc trưng của con dân Cố đô…

Mỗi người già ở xứ Đạ Lây hôm nay tôi gặp và chuyện trò bên ấm chè mạn đều nói chuyện “hồi nớ”, cái “hồi nớ” của họ cũng là câu chuyện mà tôi đã có dịp kể lại. Đó là cái đói, cái khổ, cái hoang lạnh, buồn chán của ngày đầu nhận những vuông thổ cư, thổ canh mà lực lượng TNXK vừa mới khai hoang còn hăng mùi đất mới, tro cỏ tranh, tre nứa vừa đốt đen ngòm chưa kịp ngấm vào đất. Đó là nỗi nhớ quê hương da diết, là muôn nỗi âu lo, hoang hoải, không biết tương lai rồi sẽ về đâu.

* * *

Ông Nguyễn Minh Tánh - Chủ tịch UBND xã Đạ Lây chia sẻ những đổi thay của miền quê sau dốc Mạ Ơi hôm nay. Trong mỗi thông tin của ông có chứa sự tri ân các thế hệ đi trước, những đoàn quân mở đường, khai hoang và bà con đồng hương ngày đầu lập nghiệp gian nan. Ông Tánh là thế hệ hậu sinh mà nhớ hết tên tuổi của các bậc tiền bối TNXK... Trong câu chuyện, ông Tánh và ông Đủ thỉnh thoảng lại ưu tư và khó nén tiếng thở dài khi kể về người xưa, nay kẻ còn người mất.   

Sản xuất bánh lọc tại cơ sở Thư Kỳ - xã Đạ Lây 

 Chủ tịch UBND xã Đạ Lây cung cấp thông tin, từ đợt di dân đầu tiên năm 1978, sau gần một năm ổn định dân cư, chính quyền xã Đạ Lây chính thức thành lập vào ngày 14/3/1979 theo Quyết định số 116/QĐ-CP về việc thành lập huyện Đạ Huoai; từ đó, vùng KTM Hương Lâm trở thành xã Đạ Lây. Ngày 6/6/1986, huyện Đạ Huoai tách thành ba huyện là Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên; xã Đạ Lây được chia thành hai xã Đạ Lây và Hương Lâm. Từ năm 1988 đến năm 1993, thêm một bộ phận người dân từ huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) và xã Nam Xuân (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) và sau này có thêm một bộ phận bà con người dân tộc phía Bắc tiếp tục vào lập nghiệp tại địa bàn xã. Đến cuối năm 2019, thực hiện Nghị quyết số 833/NQ-UBTVQH, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng, xã Hương Lâm được sát nhập vào xã Đạ Lây và giữ tên chung là xã Đạ Lây…

Ônh Tánh dẫn những số liệu chi tiết về phát triển kinh tế: Trải qua 47 năm, hiện nay xã Đạ Lây có tổng diện tích đất tự nhiên 5.200ha với 9 thôn, tổng dân số là 6.196 nhân khẩu với 1.541 hộ. Kinh tế xã phát triển theo hướng đa ngành. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng. Toàn xã hiện có trên 200 hộ sản xuất, kinh doanh, thương mại - dịch vụ với các ngành nghề như xăng dầu, phân bón, sửa chữa xe máy, hàn, tiện, thu mua nông sản, các dịch vụ phục vụ đời sống cùng với nhiều quán ăn mang đậm bản sắc văn hóa ẩm thực Huế như cơm hến, bánh lọc, chả giò, bún bò đã tạo được sức hấp dẫn với khách miền xa ghé lại. Hiện xã đã có những sản phẩm được công nhận thương hiệu như bưởi da xanh, hạt điều rang muối, đặc biệt là chả giò và bánh lọc truyền thống…

Bánh lọc Đạ Lây bước đầu tham gia Chương trình OCOP và nhận được chất lượng 3 sao. Chị Nguyễn Thị Lợi, Chủ tịch Hội LHPN xã, người tham gia thành lập tổ hợp tác cùng các thành viên sẽ hoàn thiện dần hồ sơ để nâng hạng bánh lọc trở thành sản phẩm OCOP 4 sao, tiếp cận hình thức bán mua trên sàn giao dịch điện tử. Tổ hợp tác có khoảng 20 gia đình gốc Huế làm bánh lọc. Món bánh dân dã này cần sự khéo léo từ đôi bàn tay của các mệ, các chị, các em; là một nghề giúp cải thiện đời sống của gia đình, giúp các chị em phụ nữ yếu thế, các em nhỏ ở địa phương có thêm thu nhập. Bánh lọc Đạ Lây nổi tiếng khắp đó đây nhờ nguồn nguyên liệu làm bánh. Vùng sắn của xã hiện có hơn 10ha. Cây sắn bên dòng Đồng Nai là một cây trồng thích hợp với các bãi bồi, hưởng được chất dinh dưỡng từ phù sa đầu nguồn nên tạo chất lượng tinh bột hảo hạng để làm bánh. Sau khi thu hoạch củ sắn được xát nhỏ, lắng lọc qua nhiều nước để cho lượng tinh bột đạt độ béo bùi, trắng, trong. Lá chuối để gói bánh lọc ở vùng này là lá chuối rừng, lá chuối nhà thì làm dây buộc, vì vậy đã tạo nên sự ngon ngọt và tính thẩm mỹ cho chiếc bánh. Quá trình làm nhân bánh cũng được các bà, các mệ truyền nghề kỹ lưỡng trong quá trình lựa chọn tôm, thịt; tẩm ướp gia vị; độ lửa để cho nhân thơm, kích thích vị giác. Món bánh dân dã nhưng qua nhiều công đoạn nên khó ai có thể cưỡng lại sự thèm ăn là nhờ bàn tay của những người làm bánh đầy sự tỉ mỉ, cẩn thận và nét chầm chậm, từ từ rất Huế.

Chị Hồng Tám, chủ lò bánh Thư Kỳ nói: “Ngày trước, dân xứ tui phải gánh gồng, rong ruổi từng buổi chợ để rao bán, nhưng giờ được quảng bá trên mạng xã hội nên khách tìm đến nhà để mua. Ngoài phục vụ nhu cầu của địa phương, hiện nay, bánh lọc của người xứ Huế ở Đạ Lây đã vượt núi xuôi về các thị trường như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa… thậm chí có một số đơn hàng gửi ra nước ngoài…”.

* * *

Rồi cũng đến lúc phải rời Đạ Lây, xứ sở quê mới của những người con xứ Huế. Qua đỉnh dốc Mạ Ơi, tôi dừng xe mở kính ngoái đầu nhìn lại. Đâu đó bên những cánh rừng, những vườn cây trái sum suê mát mắt hay ruộng lúa miên man xanh thì con gái là những giọng nói tiếng cười “rất Huế” xôn xao trong buổi chiều nắng hãy còn vương. Gần trọn nửa thế kỷ mang Huế đi xa, những người con Cố đô trên miền quê mới đã lập nên kỳ tích. Tôi coi đó thực sự là kỳ tích vì tôi đã đến đây và hiểu câu chuyện hành trình lập cư của họ. Kỳ tích đó không có gì to tát mà thật là đơn sơ, giản dị, là tình yêu với hai miền quê, họ đã đổ mồ hôi sôi nước mắt để kiến tạo nên một làng quê trù phú, giàu có và nghĩa tình giữa xứ sở đại ngàn từng là căn cứ kháng chiến, từng là rừng thiêng nước độc ngày nào.

Từ đỉnh dốc Mạ ơi, trong tôi lại hiện về những ngày tháng đã xa, ngày mà đoàn quân TNXK TP. Huế xuất phát từ sân điện Thái Hòa “hành phương Nam” mở đất trong muôn vàn hiểm nguy, gian khổ. Tôi cũng hình dung những đoàn dân xứ Huế rời quê cha đất mẹ yêu thương, bìu ríu dắt nhau lặn lội đường xa. Chuyến vượt núi băng sông ngày ấy họ đã phải “gánh cả tên xã, tên làng”, gánh theo ngàn nỗi nhớ nhung, muôn trùng cách trở và cả biết bao âu lo trên hành trình tìm cuộc sống mới nơi cách xa quê nhà tới hàng vạn dặm… 

Bài, ảnh: UÔNG THÁI BIỂU

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/co-mot-khuc-ruot-xu-hue-tren-dat-nam-tay-nguyen-bai-3-mien-dat-da-lay-cua-nguoi-hue-hom-nay-152761.html