Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Còn khoảng trống trong việc thực thi chính sách liên quan đến thủy điện nhỏ ở Nghệ An

Tại hội thảo, các tham luận cho rằng, việc thực thi chính sách liên quan đến thủy điện nhỏ, như thủy điện Xoóng Con, gặp nhiều khoảng trống, đặc biệt, trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và cộng đồng địa phương.

Báo Nghệ AnBáo Nghệ An18/04/2025

Chiều 18/4, Trung tâm Tư vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An phối hợp với UBND huyện Tương Dương tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chia sẻ công bằng tài nguyên nước cho cộng đồng dân tộc thiểu số khu vực hạ lưu các thủy điện nhỏ thông qua sự hợp tác giữa cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước tại Việt Nam”, tại Nhà máy Thủy điện Xoóng Con, xã Tam Thái, huyện Tương Dương.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ dự án do tổ chức The Stockholm Environment Institute tài trợ.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Xuân Hoàng
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Xuân Hoàng

Các đồng chí: Nguyễn Thành Nhâm - Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An; Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương chủ trì hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan: Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Ban Kinh tế Ngân sách tỉnh Nghệ An; các sở, ban, ngành tỉnh; Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Bắc Trung Bộ. Hội thảo còn có sự góp mặt của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường.

Đồng chí Nguyễn hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương báo cáo kế hoạch hành động chia sẻ công bằng lợi ích nguồn nước sau thủy điện tại Nhà máy Thủy điện Xoỏng Con. Ảnh: Xuân Hoàng
Đồng chí Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương báo cáo kế hoạch hành động chia sẻ công bằng lợi ích nguồn nước sau thủy điện tại Nhà máy Thủy điện Xoóng Con. Ảnh: Xuân Hoàng

Nghệ An là tỉnh có diện tích đất lớn nhất cả nước, với hơn 3,2 triệu dân. Toàn tỉnh hiện có 32 dự án thủy điện, với công suất 1.360,95 MW, trong đó, có 16 dự án thủy điện nhỏ. Lưu vực hạ lưu Nhà máy thủy điện Xoóng Con với công suất 15 MW xây dựng trên suối Chà Lạp, thuộc xã Tam Thái, huyện Tương Dương, được lựa chọn để thực hiện nghiên cứu.

Theo khảo sát ban đầu, khu vực hạ lưu có 980 hộ dân với 4.067 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, thường xuyên chịu tác động trực tiếp của nhà máy thủy điện.

Kết quả nghiên cứu tại lưu vực thủy điện nhỏ Xoóng Con cho thấy, từ khi đi vào vận hành vào năm 2018, thủy điện này đã gây tác động tiêu cực đến nguồn nước, nông nghiệp và sinh kế của cộng đồng hạ lưu, làm giảm năng suất cây trồng và thủy sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực.

Những thay đổi về môi trường cũng dẫn đến sự bất bình đẳng kinh tế, đặc biệt là đối với phụ nữ và các hộ nghèo, dự án chưa đủ để bù đắp thiệt hại cho người dân. Dựa trên các kết quả nghiên cứu, hành động cụ thể đã được đề xuất, bao gồm việc cải thiện cơ chế chia sẻ lợi ích, tăng cường thông tin cảnh báo về xả nước, và hỗ trợ các sinh kế thay thế cho cộng đồng bị ảnh hưởng.

Khảo sát tác động của thủy điện tại Nhà máy Thủy điện Xoỏng Con, xã Tam Thái. Ảnh: CSCC
Khảo sát tác động của thủy điện tại Nhà máy Thủy điện Xoóng Con, xã Tam Thái. Ảnh: CSCC

Tại hội thảo, các tham luận và ý kiến cũng cho thấy, việc thực thi chính sách liên quan đến thủy điện nhỏ, như thủy điện Xoóng Con, gặp nhiều khoảng trống, đặc biệt, trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và cộng đồng địa phương.

Các vấn đề như thiếu nước canh tác, ngập lụt và suy giảm đa dạng sinh học chưa được giải quyết triệt để. Để khắc phục, cần hoàn thiện khung pháp lý, bổ sung các quy định về duy trì dòng chảy tối thiểu, tăng cường giáo dục và truyền thông cho cộng đồng dân tộc thiểu số, đồng thời, xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan.

Ông Nguyễn Hữu Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho rằng: Cần ưu tiên cấp kinh phí từ nguồn thuế của Nhà máy Thủy điện Xoóng Con để hỗ trợ khắc phục tác động sau thủy điện, đặc biệt, trong việc xử lý nhanh chóng vấn đề cấp nước chống hạn cho sản xuất nông nghiệp tại xã Tam Thái.

Tiến sĩ Hồ Thị Phương - giảng viên Trường Đại học Vinh cho rằng: Các sự kiện lũ lụt cực đoan và tình trạng thiếu nước sau xây dựng đập đã trực tiếp làm giảm năng suất cây trồng, thu nhập và gây ra bất bình đẳng kinh tế giữa các hộ dân. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn về nguồn nước.

Hội thảo đã tạo cơ hội để các bên liên quan cùng trao đổi, chia sẻ các giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo sự công bằng trong việc phân chia lợi ích từ nguồn nước, đặc biệt là đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số khu vực hạ lưu các thủy điện nhỏ./.

Nguồn: https://baonghean.vn/con-khoang-trong-trong-viec-thuc-thi-chinh-sach-lien-quan-den-thuy-dien-nho-o-nghe-an-10295404.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm