Đà Nẵng - Dấu ấn an sinh xã hội
Kỳ 1: Những quyết sách vì dân
Những năm đầu trong công cuộc tái thiết thành phố, Đà Nẵng gặp muôn vàng khó khăn. Đói nghèo, lạc hậu là vấn đề hiện hữu cần phải được giải quyết.Trong bối cảnh đó, chương trình“thành phố 5 không” được triển khai từ năm 2000 được xem là “phát súng đầu tiên” mở đầu cho một loạt các chính sách an sinh xã hội mang tính thương hiệu của Đà Nẵng. Chương trình đề ra mục tiêu cụ thể gồm: không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có giết người để cướp của. Sau 2 năm thực hiện, thành phố đã xóa hết 850 hộ đói, chuyển sang mục tiêu không có hộ đặc biệt nghèo, trợ giúp cho gần 6.000 hộ vươn lên thoát nghèo.
Năm 2005, Đà Nẵng tiếp tục đề ra chương trình “3 Có” gồn: “Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị”. Thực hiện mục tiêu “Có nhà ở”, từ năm 2005, thành phố đã cho ra đời và triển khai 5 đề án phát triển nhà ở xã hội. Tính đến hết năm 2024, thành phố đã hoàn thành khoảng 15.500 căn hộ chung cư. Thành phố Đà Nẵng ưu tiên bố trí nhà chung cư cho những gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo, bị khuyết tật nặng, hộ đơn thân nuôi con nhỏ, hộ không có nhà ở phải thuê nhà trọ. Hộ nghèo thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước được giảm 60% tiền thuê nhà, trường hợp hộ gia đình có người khuyết tật thì được miễn tiền thuê nhà.
Tại các buổi gặp mặt và trao quyết định bố trí thuê chung cư, nhiều hộ nghèo đã bày tỏ niềm xúc động khi ước mơ an cư đã trở thành hiện thực.
Năm 2016, thành phố ban hành Chương trình “4 An” gồm: “An ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội”. Chương trình là sự kế thừa có chọn lọc, tổng hợp và phát triển các chương trình “Thành phố 5 Không và 3 Có”, đồng thời, bổ sung một số nội dung mới nhằm phù hợp với điều kiện xã hội, thực tiễn phát triển của thành phố.
Những năm qua, thành phố còn ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội. Trên cơ sở Nghị định số 20 của Chính phủ, năm 2021, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 34 về nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội của thành phố từ 360.000 đồng lên 400.000 đồng.
Tiếp đó, năm 2023, ban hành Nghị quyết số 101 về mở rộng đối tượng hưởng, mức hưởng so với quy định của Trung ương. Theo đó, những người từ 75 tuổi đến 80 tuổi, người mắc bệnh ung thư, suy thận mãn, chạy thận nhân tạo không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội; người khuyết tật nhẹ là thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp hằng tháng từ 1-1,5 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội, được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí mai táng bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội.
Tính đến nay, có gần 43.000 đối tượng bảo trợ xã hội nhận trợ cấp hằng tháng với tổng kinh phí hơn 270 tỷ đồng.
Minh Chi, Văn Hải
Nguồn: https://danangtv.vn/view.aspx?ID=157383
Bình luận (0)