Nhưng để du lịch thực sự bứt phá, tạo sức hút mạnh mẽ hơn nữa, cần một chiến lược truyền thông bài bản, đặc biệt là tận dụng sức lan toả từ các nền tảng số và những nhân vật có tầm ảnh hưởng. Song song đó, việc tăng cường liên kết vùng sẽ mở ra nhiều cơ hội để hình ảnh Tây Ninh vươn xa hơn.
Cần một “cú hích” truyền thông
Việc một địa phương hay điểm du lịch trở nên “hot” hơn nhờ xuất hiện trong MV ca nhạc, phim ảnh không còn là điều mới mẻ. Đây đang là một cách truyền thông hiệu quả, giúp quảng bá hình ảnh điểm đến hiệu quả, tạo được sự quan tâm và thu hút du khách.
Mới đây nhất, Bắc Ninh qua sản phẩm âm nhạc “Bắc Bling” của Hoà Minzy là một ví dụ tiêu biểu. Từ một ca khúc vừa mang âm hưởng dân gian, lại được biến tấu theo phong cách trẻ trung, năng động đã lập tức “viral” trên khắp mạng xã hội, kéo theo lượng lớn du khách tìm đến trải nghiệm vùng đất quan họ.
Tây Ninh cũng từng “gây sốt” trên mạng xã hội với hình ảnh hàng ngàn người trải bạt đủ màu sắc, chờ xem khai mạc Hội xuân núi Bà. Khung cảnh được ví như một “festival camping” (lễ hội cắm trại) lớn nhất Việt Nam lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là ngành du lịch tỉnh nhà vẫn chưa tận dụng tốt những thời điểm “vàng” như vậy để đẩy mạnh các hoạt động quảng bá.
Tây Ninh có nhiều nhân tố nổi bật có thể góp phần quảng bá du lịch địa phương như: Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 Nguyễn Thị Ngọc Châu, Á quân Tình Bolero 2019 Lily Chen, MC Vũ Mạnh Cường… cùng nhiều TikToker có sức ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc tận dụng tầm ảnh hưởng của những người nổi tiếng để quảng bá du lịch tỉnh nhà vẫn chưa đạt hiệu quả.
Để những nỗ lực truyền thông thực sự tạo dấu ấn sâu đậm, Tây Ninh cần xây dựng chiến lược truyền thông nhất quán, vừa định vị thương hiệu du lịch tỉnh nhà, vừa kể được câu chuyện của một vùng đất mang chiều sâu văn hoá, giàu bản sắc và đầy tiềm năng.
Thời gian qua, ngành du lịch đã chủ động triển khai nhiều hoạt động truyền thông. Cụ thể, tỉnh đã phát hành bộ nhận diện thương hiệu du lịch Tây Ninh, đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng số, tổ chức nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá trong và ngoài nước, cũng như liên kết tổ chức các sự kiện gắn với văn hoá, ẩm thực, di sản.
Các chương trình khảo sát, farmtrip, presstrip được tổ chức thường xuyên, không chỉ giúp quảng bá điểm đến mà còn kết nối các doanh nghiệp du lịch. Tỉnh cũng phối hợp cùng các đơn vị truyền thông lan toả hình ảnh địa phương với nhiều góc nhìn mới mẻ, mang đến hình ảnh một Tây Ninh đầy tiềm năng, “miền di sản”, mảnh đất “yên bình trong nắng gió” hay “miền tâm linh giữa dòng Nam Bộ”…
Hiệp hội Du lịch tỉnh đang từng bước củng cố vai trò trong việc quảng bá và nâng tầm hình ảnh điểm đến, với dự kiến thành lập nhiều câu lạc bộ chuyên đề nhằm bảo tồn và đưa các giá trị bản địa trở thành “tài sản văn hoá sống” có thể truyền tải qua các chương trình du lịch. Đồng thời, đơn vị cũng có kế hoạch mời gọi người có sức ảnh hưởng tham gia vào các hoạt động quảng bá, không chỉ đơn thuần là tạo hiệu ứng lan toả ngắn hạn, mà còn nhằm xây dựng đội ngũ đại sứ truyền thông du lịch có chiều sâu, gắn bó lâu dài với hình ảnh Tây Ninh.
Muốn đi xa, không thể đi một mình
Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, việc xây dựng các hành trình liên kết với các địa phương trong vùng là hướng đi tất yếu. Thay vì phát triển rời rạc, liên kết vùng giúp mở rộng không gian trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng chi tiêu của du khách. Với vị trí địa lý giáp ranh nhiều tỉnh, Tây Ninh có lợi thế lớn để trở thành điểm trung chuyển trong chuỗi hành trình khám phá miền Đông Nam Bộ và khu vực biên giới phía Nam.
Thời gian qua, Tây Ninh đặc biệt chú trọng thúc đẩy liên kết vùng, nhất là với các tỉnh Đông Nam Bộ. Trong đó, nổi bật là sự hợp tác với tỉnh Bình Phước thông qua các hoạt động khảo sát, ký kết phát triển du lịch liên tuyến. Tour du lịch “Một cung đường - hai điểm đến” giữa Tây Ninh và Bình Phước bước đầu thu hút sự quan tâm lớn từ doanh nghiệp lữ hành và du khách, mở ra kỳ vọng cho một sản phẩm liên vùng hấp dẫn và có chiều sâu.
Không chỉ dừng lại ở việc hợp tác song phương, Tây Ninh còn tham gia tích cực vào thoả thuận liên kết hợp tác du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025, cùng với TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai. Sự hợp tác này nhằm tạo lập không gian du lịch thống nhất, tăng sức cạnh tranh và khai thác tối đa tiềm năng của từng địa phương. Các hoạt động chung như xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng, xúc tiến quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực đã được triển khai hiệu quả, góp phần thúc đẩy du lịch toàn vùng phát triển bền vững.
Thông qua những chuyến khảo sát các điểm nhấn của Tây Ninh như: Toà thánh Cao Đài, núi Bà Đen, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và các mô hình du lịch nông nghiệp… Các doanh nghiệp du lịch đều đánh giá cao tiềm năng du lịch liên tuyến giữa Tây Ninh và các tỉnh, thành trong khu vực. Từ đó, có thể thiết kế những hành trình đa dạng, từ tour ngắn đến dài ngày, kết hợp trải nghiệm đường bộ, đường thuỷ và khám phá những không gian văn hoá đặc trưng từng vùng.
Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng đóng vai trò hạt nhân trong liên kết phát triển chuỗi sản phẩm. Hiện tại, 6 Hiệp hội Du lịch các tỉnh Đông Nam Bộ đã bắt tay cùng nhau để sử dụng sản phẩm đặc trưng của nhau, chia sẻ thị trường và chính sách lữ hành. Từ đó, các tour liên vùng không còn mang tính thời vụ mà trở thành hướng đi lâu dài, tạo động lực phát triển bền vững cho cả khu vực.
Không chỉ dừng lại ở việc mở rộng liên kết vùng trong nước, Tây Ninh còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch xuyên biên giới nhờ đường biên dài hơn 240km giáp Campuchia. Các tour ngắn ngày qua cửa khẩu, mô hình du lịch biên giới đầy triển vọng, nhất là khi hạ tầng giao thông kết nối hai nước ngày càng hoàn thiện.
Tuyến du lịch biên giới được kỳ vọng sẽ trở thành dấu ấn riêng của Tây Ninh, khi du khách có thể chạm tay vào cột mốc quốc gia, len lỏi qua rừng di sản, gặp gỡ cộng đồng dân tộc vùng biên, giao lưu với chiến sĩ Biên phòng… để mỗi hành trình không chỉ là tham quan mà còn là một trải nghiệm văn hoá sống động và đáng nhớ.
Hoà Khang – Khải Tường
Nguồn: https://baotayninh.vn/de-hinh-anh-du-lich-tay-ninh-vuon-xa-a189615.html
Bình luận (0)